Năm 2022, kinh tế phục hồi rất ấn tượng

H.Hương 30/12/2022 07:25

Ngày 29/12, Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế - xã hội quý IV-2022 và cả năm 2022. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tăng 8,02%. Đây là mức tăng GDP cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Năm 2022, xuất khẩu nông sản tăng mạnh.

GDP quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cùng với mức tăng 5,05% trong quý I; 7,83% trong quý II và 13,71% trong quý III, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước.

GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước nhưng tăng 4,55% so với tháng 12/2021. CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế Việt Nam 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Cùng với đó, cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột giữa Nga và Ukraine; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán… đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.

Song với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 chính sách tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô phù hợp nên nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh tăng trưởng.

Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%...

Tính chung năm 2022, cả nước có 208,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước; bình quân một tháng có 17,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 143,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,5%; bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) Vũ Tiến Lộc, năm 2022 là một năm đặc biệt, có 2 mảng sáng, tối trong nền kinh tế. Những yếu kém trong nội bộ doanh nghiệp được bộc lộ, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng chính điều đó lại tạo nên áp lực đổi mới, buộc doanh nghiệp thay đổi để thanh lọc, khiến cho quá trình tái cấu trúc của thị trường diễn ra mạnh mẽ hơn. “Sau những khó khăn đã phải trải qua, bước sang năm 2023 cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có sự thích ứng linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh” - ông Lộc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm 2022, kinh tế phục hồi rất ấn tượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO