Năm 2022, người lao động trông chờ những gói hỗ trợ sau đại dịch

Nguyễn Hoài 18/02/2022 12:24

Để giúp người lao động phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch, nhiều gói hỗ trợ đã được công bố đầu năm 2022. Quay trở lại làm việc sau dịp nghỉ Tết, người lao động đang trông chờ những gói hỗ trợ này được đến kịp thời và đúng đối tượng được thụ hưởng.

Bao giờ đến tay người lao động?

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), để phục hồi thị trường lao động trong năm 2022, Bộ dự kiến tập trung thực hiện 5 chính sách hỗ trợ.

Trong đó có gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng dành cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm trong 3 tháng. Ngoài ra, người lao động quay lại thị trường lao động sẽ được hỗ trợ tiền nhà trong 3 tháng với mức cao gấp đôi.

Người lao động tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội.

Đây là một trong những chính sách mới trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội được Bộ LĐTBXH triển khai trong năm 2022. Bên cạnh đó, người lao động sẽ được vay vốn để phát triển sản xuất, với mức vay có thể tới hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, ngân sách nhà nước sẽ trích một khoản để cho công nhân vay lãi suất thấp mua nhà với giá rẻ. Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ doanh nghiệp vay để xây dựng nhà ở cho công nhân mua hoặc thuê với mức lãi suất rất thấp.

Về phía doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vay vốn không có lãi suất để trả lương cho người lao động đến hết 31/3 và tiếp tục được hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động theo gói hỗ trợ 7.500 tỷ đồng.

Sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh, người lao động đang trông chờ những gói hỗ trợ trên sẽ sớm đến với đối tượng thụ hưởng.

Hơn một năm qua, đối mặt với nỗi lo an cư khiến vợ chồng anh Nguyễn Hồng Vinh (38 tuổi, quê Nam Định) nhiều lần xảy ra cãi vã. Rời quê lên thành phố lập nghiệp đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên vợ chồng anh khá vất vả. Thu nhập bấp bênh lại phải lo tiền nhà trọ nên theo anh Vinh, chính sách hỗ trợ người lao động như trên vào thời điểm này rất thiết thực.

Tuy nhiên, anh Vinh đặt câu hỏi: “Liệu đến bao giờ người lao động mới nhận được gói hỗ trợ này”.

Cũng như anh Vinh, chị Hoàng Ánh Dương (41 tuổi, quê Thanh Hóa) cho hay, chị đang mong chờ từng ngày chính sách này đến với người lao động.

“Tôi hy vọng quy trình giải quyết đối tượng thụ hưởng nhanh, không rườm rà. Bởi như các đợt hỗ trợ trước, người lao động nhận được gói hỗ trợ rất chậm trễ, thậm chí có người còn không nhận được. Cho nên, khi tiền hỗ trợ đến tay người lao động thì đã quá muộn, không còn phù hợp nữa?”, chị Dương bày tỏ.

Cần giải quyết nhanh

Về tiến độ triển khai gói hỗ trợ, theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới, Bộ đã bắt tay xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản gói hỗ trợ sẽ triển khai trong tháng 2. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.

Từ tháng 4 đến tháng 8/2021, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới 38 triệu lượt lao động. Trong số này có khoảng 12,8 triệu người phải ngừng việc. Đặc biệt trong đợt dịch lần thứ 4 dòng người di chuyển từ TP Hồ Chí Minh ở các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về nông thôn là tương đối lớn (khoảng 1,3 triệu người).

Người lao động tại Công ty CP Thuỷ sản Hà Nội - Cần Thơ. Ảnh: Vũ Phong.

Theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, đầu năm 2022 các khu công nghiệp, doanh nghiệp đều có phương án giữ chân người lao động như nâng lương, duy trì thưởng… Các địa phương cũng thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động. Điều này giúp thị trường lao động ổn định, khởi sắc hơn.

Ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các tập đoàn, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp khác cũng chỉ thiếu hụt lao động mức trung bình từ 10 - 15%. So với những năm trước đây, việc thiếu hụt này không phải là cao.

Để hồi phục thị trường lao động sau đại dịch Covid-19, trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, ông Phạm Xuân Hồng, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES) cho rằng, các địa phương cần có những chính sách an sinh, tạo việc làm thu hút người lao động trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần sớm thực hiện nhanh các chính sách hỗ trợ, đảm bảo kịp thời đến với đối tượng được thụ hưởng.

Theo đánh giá của ông Hồng, hiện nay, doanh nghiệp chủ yếu thiếu hụt lao động chất lượng cao. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp cần bắt tay với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm đào tạo để đào tạo bài bản, nâng cao chất lượng, tay nghề, kỹ năng cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm 2022, người lao động trông chờ những gói hỗ trợ sau đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO