Năm 2023, người lao động quan tâm gì nhất?

Lê Bảo 01/02/2023 10:00

Báo cáo Khảo sát lương 2023 vừa được Navigos Group – đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự công bố cho thấy, năm 2023, thu nhập là mối quan tâm và kỳ vọng hàng đầu của người lao động.

Đến thời điểm hiện tại, gần 100% người lao động đã quay trở lại làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp. Ảnh: Quang Vinh.

Kỳ vọng lương sẽ tăng 10%

Theo đó, khi được hỏi kỳ vọng về chính sách lương thưởng của công ty trong năm 2023, 45,62% người lao động bày tỏ, lương sẽ được tăng đều hàng năm từ 10% trở lên. Về các khoản phụ - trợ cấp, người lao động kỳ vọng doanh nghiệp (DN) có “thêm nhiều phúc lợi từ các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, du lịch” với tỷ lệ 5,50%. Ngoài ra, lao động cũng mong muốn DN có thêm các trợ cấp vào các ngày lễ, nghỉ trong năm (4,70%) và có sự tăng thêm các khoản phụ cấp cơ bản (4,58%).

Bên cạnh các kỳ vọng về lương, thưởng và phúc lợi, người lao động có xu hướng thay đổi, bắt đầu quan tâm hơn đến các yếu tố về tinh thần và kỳ vọng vào một sự nghiệp hạnh phúc. Điển hình như việc họ "mong đợi sự an toàn từ DN, sự nghiệp vẫn ổn định khi có các yếu tố, rủi ro bất ngờ xảy ra" và "kỳ vọng văn hóa DN thay đổi, với môi trường cởi mở và thẳng thắn chia sẻ thông tin".

Với kết quả khảo sát trên, có thể thấy, sự an toàn và ổn định nghề nghiệp cũng là một trong những kỳ vọng của người lao động dành cho các DN trong năm 2023. Đáng chú ý, năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, gần một nửa số lượng người lao động tham gia khảo sát (chiếm tỷ lệ là 44,28%) chưa có ý định thay đổi công việc mới trừ khi tìm thấy cơ hội mới tốt hơn. Lựa chọn “càng lâu càng tốt" đứng vị trí thứ 2 với tỷ lệ là 16,25%. Đặc biệt, lựa chọn gắn bó với công việc từ "1 - 2 năm" đứng cuối danh sách với tỷ lệ là 6,75%.

Lý giải điều này, chuyên gia của Navigos, cho rằng tâm lý muốn chắc chắn và an toàn đang có nhiều ảnh hưởng đến người lao động, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Ngành nào “hot” trong năm 2023?

Khảo sát tiền lương toàn cầu mới đây của Tập đoàn tư vấn tuyển dụng Robert Walters cho thấy, có đến 88% công ty sẵn sàng tăng mức lương dành cho nhân viên. Các nhân sự chuyển việc có khả năng nhận được mức lương cao hơn 15% - 25% trong năm nay. Đối với một số lĩnh vực có nhu cầu cao như kỹ thuật số, mức tăng lương có thể lên đến 35%.

Ông Phúc Phạm - Giám đốc Điều hành của Robert Walters Vietnam cho biết, có 2 lý do chính khiến các công ty sẵn sàng tăng lương năm nay. Một là chi phí sinh hoạt tăng cao, với khoảng 65% công ty ghi nhận điều này với người lao động của họ. Hai là các công ty đang gặp khó khăn trong việc giữ chân lao động, nhất là nhân sự chất lượng cao. Các lĩnh vực có triển vọng được tăng lương cao nhất năm nay ở Việt Nam gồm: chuỗi cung ứng; thu mua và logistics; công nghệ và chuyển đổi và kỹ thuật số. Ngược lại, một số ngành có nguy cơ cắt giảm lao động nhiều nhất như pháp lý, kỹ thuật và sản xuất, bán hàng và tiếp thị.

Cũng theo ông Phúc Phạm, năm 2023 sẽ chứng kiến làn sóng nhu cầu nhân sự lớn đối với lĩnh vực bán hàng và dịch vụ khách hàng, do nguồn cung hạn chế. Lao động sở hữu các kỹ năng liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng, chiến lược và chuyển đổi số cũng sẽ được săn đón. Một xu hướng chính khác được ghi nhận trong thị trường việc làm hiện nay là sự gia tăng khoảng cách năng lực của nhân sự trong hầu hết các lĩnh vực.

Đề cập về xu hướng tuyển dụng trong năm 2023, bà Đặng Trịnh Nhã Hương - Giám đốc khu vực miền Nam của Navigos Search dự đoán, trong năm 2023, một số nhóm ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng bao gồm bất động sản khu công nghiệp, cảng biển và xuất nhập khẩu, ngành sữa, ngân hàng (chỉ với nhóm các vị trí tuyển dụng thiên về chuyển đổi số), lương thực thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, dệt may, công nghệ thông tin, năng lượng, dầu khí, xây dựng (phân khúc nhà xưởng - khu công nghiệp và hạ tầng). Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng giảm như ngân hàng, bán lẻ bất động sản thương mại, chế biến gỗ nội thất, ngành thép.

Theo Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổng hợp báo cáo từ tổ chức công đoàn các địa phương cho thấy, đến ngày 30/1, cả nước có hơn 95% người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN đã bình thường trở lại. Tỷ lệ người lao động trở lại DN làm việc sau Tết tăng khá nhanh, khi ngày 27/1 trước đó, cả nước mới có khoảng 50% DN mở cửa hoạt động lại, với tỷ lệ làm việc chỉ đạt 50% (thậm chí có địa phương tỷ lệ người lao động trở lại làm việc chỉ đạt 20%). Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc DN chăm lo tốt và có thưởng Tết hợp lý, đồng thời bố trí các chuyến xe đưa và đón công nhân trở lại sau Tết, tổ chức các hoạt động Tết sum vầy, chợ công đoàn, nên đã tạo được sự gắn bó giữa người lao động với DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm 2023, người lao động quan tâm gì nhất?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO