Nấm đen - Mối lo bệnh nhiễm trùng mới

Đức Trân 06/10/2022 07:30

Từ đầu năm 2020, đặc biệt sau khi xuất hiện làn sóng Covid-19, số lượng bệnh nhân bị nấm đen tăng nhanh. Các chuyên gia y tế cho rằng đây là một loại bệnh nhiễm trùng mới nổi nghiêm trọng do bào tử nấm có tên gọi là Mucormycetes gây ra. Căn bệnh này thường ảnh hưởng đến xoang, mắt, phổi, da và não, nhất là trên những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Bệnh nhân bị nhiễm nấm đen gây nhiễm trùng toàn bộ vùng xoang và mắt được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đến nay cơ sở y tế này đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng hơn 20 trường hợp nhiễm nấm đen. Các bệnh nhân nhiễm nấm đen đến chủ yếu từ các khoa Tai mũi họng, Hồi sức tích cực, Thần kinh, Mắt, Nội tiết - Đái tháo đường,… Đa số các bệnh nhân này đều có bệnh nền khi nhập viện và trong tình trạng nhiễm trùng nặng, có các tổn thương nhiễm nấm ăn từ xoang lan lên xương hàm, ổ mắt, hệ thần kinh…

Một trường hợp cụ thể, bệnh nhân nam 64 tuổi (quê Nam Định), có tiền sử đái tháo đường nhiều năm, nhập viện trong tình trạng sưng đau mặt phải, mất thị lực mắt phải. Trước đó 24 ngày, bệnh nhân phát hiện mắc Covid-19 và tự điều trị khỏi bệnh.

Sau khi chẩn đoán viêm xoang hàm cấp, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu và xác định bệnh nhân bị hoại tử đen niêm mạc xoang hàm, cánh mũi. Bệnh nhân được cắt lọc toàn bộ vùng hoại tử, lấy tổ chức xương và niêm mạc xoang hàm làm giải phẫu bệnh, cấy nấm. Kết quả sinh thiết cho thấy người đàn ông nhiễm nấm đen Mucormycosis. Sau 6 tuần điều trị liên tục, bệnh nhân tử vong vì suy kiệt kéo dài và sốc nhiễm khuẩn sau tạo hình hàm mặt.

Trường hợp khác, bệnh nhân nam 59 tuổi (quê Hà Tĩnh), mới phát hiện đái tháo đường nhưng không điều trị. 2 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân mắc Covid-19 và tự điều trị. Sau đó, bệnh nhân bị sưng đau vùng mặt nhiều kèm sốt, đau đầu. Khi vào đến Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã sưng nề toàn bộ mặt lan đến vùng cổ, mắt trái sưng lồi, không có phản xạ ánh sáng. Bệnh viện Bạch Mai đã hội chẩn toàn viện, chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương thâm nhiễm xương hàm do nhiễm Mucormycosis.

Quá trình mổ, bệnh nhân được cắt lọc hoại tử từ răng đến xoang hàm, lấy bỏ áp xe răng và sàn dưới hốc mắt, mở sọ giảm áp. Hậu phẫu, bệnh nhân hôn mê sâu, phù não nhiều, thoát vị não phải thở máy. Bệnh nhân được gia đình xin về, sau đó tử vong.

PGS. TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhiễm nấm đen có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và bộ phận cơ thể. Các triệu chứng phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng nơi nấm phát triển. Nó có thể dẫn đến mũi bị hoại tử thâm đen hoặc đổi màu, đau mặt, đau vùng xoang lan lên mắt, đau đầu, đau ngực, khó thở và ho ra máu,... Cụ thể hơn, nấm đen có thể khiến người bệnh bị nhiễm trùng xoang và não, nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm nấm nhất là bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát, người ghép thận.

Các dấu hiệu của dạng bệnh này như sốt, đau đầu, đau xoang hoặc nghẹt mũi; sưng mặt một bên; tổn thương màu đen ở phía trên bên trong miệng hoặc trên sống mũi. Bệnh nhân cũng có thể mắc viêm phổi với các dấu hiệu khó thở hoặc thở gấp; tức ngực; sốt cao trên 38 độ C, ho ra máu. Một bệnh cảnh khác thường gặp ở người không bị suy giảm miễn dịch là nhiễm trùng da và niêm mạc với các dấu hiệu như đau vùng mặt sau đó xuất hiện một nốt phỏng trên da, dần dẫn tới loét da hoặc nhiễm trùng da, rồi xâm lấn vào mũi xoang, quanh gò má, giữa mắt và môi, lâu dần tổn thương da bị nhiễm bệnh chuyển sang màu đen, sưng tấy, hoại tử. Ngoài ra, trẻ em đặc biệt là trẻ sinh non và nhẹ cân dưới 1 tháng tuổi có thể bị nhiễm trùng đường tiêu hóa do nấm đen.

Cũng theo chuyên gia y tế, những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh nấm đen bao gồm người từng mắc Covid-19; người mắc bệnh đái tháo đường type 2 đặc biệt là có tình trạng nhiễm toan ceton; Người mắc bệnh ung thư, cấy ghép tạng, cấy ghép tế bào, sử dụng Corticosteroid kéo dài, người có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV, người bị chấn thương da do phẫu thuật, bỏng, trẻ sinh non, nhẹ cân và suy dinh dưỡng,…

Trên thế giới, dịch bệnh mới nổi do nấm đen gây ra cũng đang nhận được sự quan tâm không nhỏ từ phía các cơ quan y tế. Ấn Độ là nước có tỷ lệ nhiễm Mucormycosis cao gấp 80 lần so với các quốc gia khác. Năm 2021, Ấn Độ từng báo cáo hơn 9.000 ca nấm đen. Bệnh thường xảy ra từ 12-18 ngày sau khi khỏi Covid-19. Có khoảng 80% bệnh nhân cần phẫu thuật, nếu xâm lấn vào não, tỷ lệ tử vong lên đến hơn 90%.

Đáng nói, do đây là dịch bệnh mới nổi nên công tác điều trị những bệnh nhân nhiễm nấm đen đang gặp không ít khó khăn. PGS. TS. Đỗ Duy Cường cho biết, hiện nay, Bộ y tế mới chỉ có hướng dẫn chung cho các bệnh nhân nhiễm nấm, chưa có hướng dẫn dành riêng cho bệnh nhân nhiễm nấm đen. Việc điều trị nấm đen đang sử dụng các thuốc chống nấm truyền tĩnh mạch là Amphotericin B, thời gian giai đoạn tấn công là 2-4 tuần. Tuy nhiên thuốc này có nhiều độc tính và rất đắt tiền, BHYT chỉ chi trả 50%. Một khó khăn nữa là trong điều trị là hết giai đoạn tấn công, bệnh nhân khó để có thể tìm được thuốc cho giai đoạn duy trì, đó là thuốc Posaconazol hoặc Isavuconazol. Đây là các thuốc khó tìm tại thị trường Việt Nam và rất đắt tiền nên bệnh nhân thường bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị, do đó bệnh dễ bị tái phát trở lại, nấm có thể ăn sâu thêm và tổn thương nặng nề hơn. Đó là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao cho nhóm bệnh này.

Ngoài ra, nấm đen ăn sâu vào trong các tổ chức xoang, hốc mắt, tổ chức thần kinh,... cần phải được kết hợp ngoại khoa để loại bỏ các tổ chức áp xe hoại tử và rửa sạch bằng các dung dịch sát khuẩn tại chỗ. Việc theo dõi và điều trị bệnh nền như đái tháo đường, bệnh máu, chống suy thượng thận, tăng cường dinh dưỡng... cũng đặc biệt quan trọng.

Theo PGS. TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, hiện tại, không có thuốc hay vaccine chủng ngừa để ngăn chặn bệnh nấm đen. Để phòng bệnh, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh nền đái tháo đường, ung thư, suy giảm miễn dịch, hậu Covid-19, ông Cường lưu ý: Người dân cần tránh đến khu vực có nhiều khói bụi, công trường. Đeo khẩu trang hiệu suất lọc trên 95% có than hoạt tính khi phải đến khu vực có nhiều khói bụi. Tránh các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với bụi hoặc đất. Mang găng tay, ủng nếu thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến đất. Vệ sinh vùng da bị thương bằng nước ấm và dung dịch sát khuẩn để tránh nhiễm trùng da. Nếu đã cấy ghép tế bào gốc hoặc cấy ghép nội tạng, hãy nói chuyện với bác sĩ để được dùng thuốc kháng nấm để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng do nấm. Điều trị và kiểm soát tốt bệnh nền. Khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm nấm đen cần đến các cơ sở chuyên khoa để khám và phát hiện, điều trị thuốc chống nấm sớm, đúng phác đồ để hạn chế tỷ lệ tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nấm đen - Mối lo bệnh nhiễm trùng mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO