Nam Định: Cơ cực gia cảnh một người từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Trần Duy Hưng 13/06/2021 17:00

Từng tham gia xây dựng, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nhưng giờ đây, khi tuổi đã cao, ốm yếu, mù lòa, người nữ công nhân, tự vệ nông trường năm xưa vẫn đang phải lần hồi đi tìm chế độ cho mình!

Thời tuổi trẻ vừa sản xuất vừa chiến đấu

Trò chuyện với bà Trần Thị Thêm (65 tuổi) trong căn buồng chật hẹp của ngôi nhà chật hẹp ở xóm 5, thôn Bái Dương, xã Nam Dương (Nam Trực, Nam Định) chúng tôi được biết gia cảnh hiện tại của bà rất khó khăn.

Bản thân bà Thêm ốm yếu, mù lòa, không chồng, không con sống cùng người chị gái cũng có hoàn cảnh tương tự. Mấy người chị em khác của bà cũng không hơn gì, cùng cảnh không chồng, không con, người phải vào Nam, người lên Hà Nội làm giúp việc gia đình.

Bà Thêm lâm cảnh ốm yếu, mù lòa, không chế độ.

Qua câu chuyện chúng tôi được biết, năm 1978, ở tuổi 22, bà Thêm cùng 38 thanh niên khác của xã Nam Dương lên Tây Bắc làm công nhân quốc phòng theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước khi ấy.

Bà kể, ngày ấy sau một hành trình dài, vượt qua nhiều cung đường đèo dốc, quanh co bà được đưa đến bản Tả Phìn, xã Tả Phìn, thuộc huyện Sa Pa (nay là thị xã), tỉnh biên giới Lào Cai, nơi có Nông trường quốc doanh Sa Pa đứng chân (ngày nay là Trung tâm nghiên cứu, phát triển cây ôn đới, thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc).

Công việc đầu tiên khi trở thành công nhân, tự vệ của nông trường Sa Pa của bà Thêm là phát hoang để lấy đất sản xuất. Tuy nhiên, mấy tháng sau, vào ngày 17/2/1979, khi bà và đồng đội đang phát hoang trong rừng thì quân địch bất ngờ tấn công toàn bộ các tỉnh biên giới phía Bắc.

“Dừng việc phát hoang chúng tôi chuyển sang công việc trực chiến và phục vụ chiến đấu cho Sư đoàn 316. Khi địch rút, chúng tôi lại ngược rừng, trở về thu dọn chiến trường, hỗ trợ Sư đoàn 316 làm công tác thương binh, liệt sĩ”, bà Thêm nhớ lại.

Sau ngày ấy, những công nhân như bà Thêm quay lại về với công việc phát hoang, sản xuất hạt giống rau, cây dược liệu dù tiếng súng vẫn vang lên ở nơi này nơi kia và kéo dài đến 10 năm sau. Theo bà Thêm, những năm tháng ấy cả đất nước khó khăn nên cuộc sống của những công nhân nông trường nơi biên giới như bà cũng không khác gì.

“Ăn uống toàn ngô với sắn, mãi sau này mới có gạo. 7h sáng bắt đầu gánh rau vượt đèo dốc, đến quá trưa mới tới nơi cần đến. Đổi lại, mỗi tháng được cấp 40 đồng tiền lương, trừ tiền ăn và các khoản tiền này khác còn lại vài đồng. Sau này nông trường thực hiện chính sách khoán sản phẩm, như tôi phải nhận khoán 40 kg giống su hào một vụ. Nhưng chỉ cần một vài trận gió Lào từ đèo Ô Quý Hồ thổi sang là rau hỏng hết, lại phải tăng gia cây dược liệu để bù vào”, bà nhớ lại.

Trung tâm nghiên cứu, phát triển cây ôn đới Sa Pa ngày nay trước đây là Nông trường quốc doanh Sa Pa, nơi bà Thêm có 12 năm công tác. Ảnh tư liệu.

Cuộc sống ở nông trường vất vả, thiếu thốn, đến năm 1990, khi đã 34 tuổi bà vẫn không có được một mái ấm gia đình trong khi sức khỏe của bà ngày càng sa sút.

Bà kể: “Ốm, sốt rét nhiều quá nên khi đó tôi không tiếp tục lao động được. Giám đốc phải cho tôi về điều trị kết hợp điều dưỡng ở Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (thuộc Bộ NN&PTNT, đóng ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội - PV). Sau 2 tháng điều trị trở về sức khỏe của tôi vẫn không được cải thiện. Cuối cùng, tôi phải nghỉ công tác, trở về quê, diện không có chế độ vì chưa đủ năm công tác cũng chưa đủ tuổi”.

Vất vả mưu sinh, chưa nhận được ưu đãi

Làng Bái Dương thời điểm bà Thêm trở về nhiều nhà cũng đang hoa mắt vì đói, xác xơ vì nghèo. Bí bách, cả làng “hò nhau” đưa rau màu xuống trồng ở diện tích đất chuyên 2 vụ lúa/năm.

Màu xanh của rau màu dần tươi tốt trên cánh đồng xưa chỉ chuyên trồng lúa, kinh tế của hầu hết các hộ trong làng Bái Dương nhờ vậy đều khá lên. Riêng mấy chị em bà Thêm vẫn bị cái nghèo đeo đẳng chỉ vì nhà không có đàn ông, sức đàn bà đã luống tuổi có hạn, lại thêm ốm đau. Khó khăn quá, ba người chị, người em khác của bà Thêm phải rời làng, người vào Nam, người lên Hà Nội làm người giúp việc gia đình.

Lá đơn đề nghị được giải quyết chế độ của bà Thêm.

Trong câu chuyện chúng tôi ngạc nhiên khi biết hoàn cảnh như vậy, cống hiến đến 12 năm ở biên giới nhưng đến giờ bà Thêm không được hưởng một chế độ nào. Đến thẻ bảo hiểm y tế hằng năm cũng phải tự bỏ tiền mua…

Bà Thêm kể, mấy năm gần đây, theo dõi thời sự bà rất mừng khi biết Đảng, Nhà nước có nhiều chế độ dành cho những người có đóng góp cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nhằm đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có cả những người đã có thời gian công tác ở biên giới trong những năm tháng có chiến tranh như bà.

Từ năm 2019, bà nhờ người làm đơn, trình bày lại quá trình công tác, hoàn cảnh của mình, lại nhờ người mang lên Trung tâm nghiên cứu, phát triển cây ôn đới (trước đây là Nông trường Sa Pa) đề nghị đơn vị cũ xác nhận thời gian, quá trình công tác.

Đáng tiếc, qua nhiều năm tháng, sau những lần hợp nhất, chia tách tỉnh, qua quá trình chuyển đổi, Trung tâm không còn lưu giữ hồ sơ của công nhân từng công tác tại Nông trường Sa Pa giai đoạn 1978-1990.

Hồ sơ không còn nhưng thật may những người cùng công tác với bà thì vẫn còn.

Bà Thêm cho chúng tôi xem tờ giấy xác nhận (đề ngày 5/9/2019) của ông Nguyễn Đại Ích (quê thị trấn Nam Giang, cùng huyện Nam Trực, Nam Định; hiện nghỉ hưu ở thị xã Sa Pa, nguyên là Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính của Nông trường Sa Pa từ năm 1986 đến năm 1993).

Ông Ích xác nhận, năm 1978 ông là người đã tổ chức, đưa công nhân lên Sa Pa, trong đó có bà Thêm; khẳng định bà Thêm có 12 năm sống, công tác tại Đội 2, Nông trường Sa Pa, là vùng đặc biệt khó khăn, do ốm yếu phải về quê điều trị đến nay chưa được giải quyết chế độ.

Lời xác nhận của người từng đi cùng chuyến tàu, cùng công tác với bà Thêm ở Nông trường Sa Pa.

Đây cũng là nội dung xác nhận của ông Đỗ Trọng Bằng, nguyên là cán bộ của Nông trường. Ý kiến của ông Ích, ông Bằng sau đó được ông Hà Mạnh Phong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây ôn đới xác nhận.

Tuy nhiên, khi lá đơn kèm những lời xác nhận trên được gửi tới chính quyền xã Nam Dương, Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trực đã bị trả về với lý do: “Không có hồ sơ gốc!”.

Sở sẽ chỉ đạo xác minh

Khi nghe chúng tôi phản ánh lại câu chuyện của bà Thêm, không cần sổ sách, ông Hoàng Đức Trọng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định khẳng định: “Nếu đúng như vậy, trường hợp bà Thêm còn hồ sơ gốc thì rất tốt. Nếu không còn, theo quy định hiện hành, chỉ cần xã Nam Dương lập hội đồng thẩm định, xác nhận bà Thêm là công dân của xã, đã từng lên biên giới phía Bắc làm nhiệm vụ là ngành có cơ sở xem xét, giải quyết theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ (về chế độ chính sách đối với đối tượng tham gia bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc - PV).

Đồng thời, ông Hoàng Đức Trọng cho biết, Sở sẽ có văn bản chỉ đạo cấp dưới kiểm tra, xác minh.

Hy vọng vấn đề của bà Thêm và những người có hoàn cảnh tương tự sẽ sớm được những cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết; hướng tới mục đích tốt đẹp “không ai bị bỏ lại phía sau” theo chủ trương, chính sách cũng là quyết tâm hiện nay của Đảng, Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Cơ cực gia cảnh một người từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO