Nam Định: Nông thôn giàu, đẹp hơn từ công sức, trí tuệ mỗi đoàn viên, hội viên

Duy Hưng 30/10/2022 10:00

Hơn 10 năm qua, tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng NTM. Đến năm 2021, toàn tỉnh đã có 182/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao. Trước đó, trong giai đoạn 2010-2020, 100% xã, thị trấn, 100% số huyện trong tỉnh đã đạt chuẩn NTM. Làm nên thành quả chung, MTTQ, các tổ chức thành viên, mỗi đoàn viên, hội viên ở Nam Định đã có nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực…

120.000 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Là một trong những tổ chức thành viên nòng cốt, những năm qua các cấp Hội Nông dân ở Nam Định (hơn 317.000 hội viên, chiếm tỷ lệ 72,8 % so với hộ nông dân, ở 209 cơ sở xã, phường, thị trấn và 2.017 chi hội thôn, xóm) luôn duy trì, nâng câp chất lượng, hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, động viên, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh tham gia.

“Yểm trợ” nông dân trong tỉnh xóa nghèo, làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương, đến thời điểm hiện tại, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã và đang phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT tín chấp cho 37.587 lượt hộ vay với dư nợ hơn 11.480 tỷ đồng thông qua 2.489 tổ TK&VV. Phối hợp với Ngân hàng CSXH nhận ủy thác với dư nợ hơn 1.391 tỷ đồng cho hơn 38.000 lượt hộ vay, với 1.198 tổ TK&VV nhận ủy thác. Nguồn vốn Quỹ HTND là 30 tỷ 220 triệu đồng cho 1.335 hộ vay.

Cùng với đó, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tập trung xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Trong đó, thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, HND các cấp tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần xây dựng 255 sản phẩm OCOP của tỉnh. Tập trung hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Đến tháng 6/2022, các cấp Hội đã trực tiếp hướng dẫn và thành lập 156 THT và HTX với gần 3.000 thành viên tham gia; thành lập được 87 mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 1.487 thành viên tham gia. Nhiều mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả, đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung.

Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đang được nông dân Nam Định áp dụng, hướng đến mục tiêu xóa nghèo, làm giàu.
Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đang được nông dân Nam Định áp dụng, hướng đến mục tiêu xóa nghèo, làm giàu.

Các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất được các cấp Hội duy trì, nâng cao hiệu quả. Trong đó, các cấp Hội trong tỉnh duy trì hoạt động phối hợp, liên kết với các công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi cho hội viên; tổ chức các lớp dạy nghề trồng cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, may công nghiệp; tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn…

Những hộ nghèo, hộ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn được các cấp hội tương trợ, giúp đỡ, thông qua các hoạt động như quyên góp ủng hộ nâng cấp, xây mới nhà ở, tặng bò, tặng lợn nái sinh sản, tặng xe đạp, trao học bổng, tặng quà Tết…

Từ nỗ lực của mỗi hộ nông dân, từ các nguồn lực hỗ trợ về vốn, kiến thức, kỹ năng, giúp đỡ trực tiếp khi khó khăn, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã duy trì, phát triển sản xuất, mở mang thêm nhiều ngành nghề, sinh kế mới. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 120.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong đó, có nhiều điển hình là chủ các trang trại, gia trại, mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện chỉ còn 1,74%.

Không chỉ có vậy, từ sự tuyên truyền, vận động của các các hội, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã tham gia hiến đất, góp tiền, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương. Các cơ sở Hội đều có những việc làm cụ thể, phù hợp như thành lập các tổ thu gom rác thải, trồng hàng cây xanh, thu gom vỏ thuốc BVTV, chỉnh trang khuôn viên gia đình, xây dựng mô hình “vườn kiểu mẫu”, xây dựng mô hình “Thu gom phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”; tham gia các CLB, các mô hình như “nông dân với pháp luật”, “3 không, 3 có, 3 giảm”, phòng chống bạo lực gia đình, đảm bảo trật tự an toàn giao thông..., góp phần thiết thực vào thành quả xây dựng NTM chung của tỉnh.

Phụ nữ vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường

Với số lượng hội viên đông đảo, Hội phụ nữ các cấp ở Nam Định cũng đã và đang có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đóng góp quan trọng vào thành của xây dựng NTM ở tỉnh. Trong đó, nhiều năm qua, Hội duy trì, không ngừng nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Phụ nữ Nam Định chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đô thị văn minh” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Phụ nữ Nam Định ngày nay không chỉ tích cực tham gia phát triển kinh tế mà còn tích cực tham gia bảo vệ môi trường.
Phụ nữ Nam Định ngày nay không chỉ tích cực tham gia phát triển kinh tế mà còn tích cực tham gia bảo vệ môi trường.

Trong đó, các cấp hội chú trọng các hoạt động hỗ trợ hội viên “nâng cao quyền năng kinh tế”, “phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, thông qua nhiều hoạt động thiết thực như duy trì phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT, quỹ TYM và các tổ chức tài chính khác thực hiện hỗ trợ phụ nữ về vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến giữa năm 2022, tổng dư nợ các nguồn vốn vay do Hội trực tiếp quản lý, điều hành là 2.570 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 236.000 hộ vay tại 5.775 Tổ VV&TK, nhóm TDTK để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức truyền thông chính sách giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tập huấn phổ biến kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề và tư vấn việc làm. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 4.249 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Hội giúp đỡ về vốn, kiến thức, kinh nghiệm để phát triển kinh tế. Các cấp Hội cũng duy trì các mô hình tiết kiệm tại chi hội, tiết kiệm thông qua các chương trình vay vốn, tiết kiệm hỗ trợ nhau mua BHYT. Tổng số tiền vận động tiết kiệm các loại hình tại 3.362 chi/tổ trong toàn tỉnh hiện là là 52,9 tỷ đồng, thu hút 162.792 thành viên tham gia, qua đó hỗ trợ được 16.927 lượt PN vay phát triển kinh tế, lãi suất thấp.

Đồng thời, các cấp Hội phối hợp tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”; tổ chức các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm, kết nối; hỗ trợ, tư vấn các tập thể, cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp xây dựng các dự án; tập huấn kiến thức về khởi sự, khởi nghiệp, Luật HTX 2012; kiến thức quản lý, điều hành doanh nghiệp, xây dựng tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tuyên truyền, vận động phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng…

Ngoài hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, sinh kế, các cấp Hội phụ nữ ở Nam Định cũng đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng làm mẹ, tạo dựng hạnh phúc gia đình, giáo dục định hướng cho trẻ em gái; giúp đỡ trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Không chỉ có vậy, các phong trào, các hoạt động còn chú trọng, hướng đến việc phát huy vai trò của hội viên phụ nữ trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là tham gia bảo vệ môi trường, thông qua nhiều phong trào cụ thể như phân loại rác thải tại hộ gia đình, trồng cây xanh, chống rác thải nhựa…

Đến nay, 100% cơ sở Hội triển khai thành lập mô hình “Phụ nữ chủ động thực hiện phân loại rác thải tại hộ gia đình” tại 1.750 chi hội, thu hút 75.419 hộ gia đình tham gia, tặng hơn 12.000 nắp đậy hố ủ, thùng chứa rác cho các gia đình tham gia mô hình. Các chi hội trong toàn tỉnh cũng đã làm được 167 công trình cây xanh (trồng 24.604 cây xanh các loại); duy trì và trồng 2.500 tuyến đường hoa với tổng chiều dài 2.670 km, góp phần quan trọng xây dựng cảnh quan sáng xanh sạch đẹp tại các làng quê, xứ đạo trong tỉnh…

Thanh niên đi đầu trong phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Trong số các hoạt động “Thanh niên tình nguyện” Đoàn thanh niên các cấp ở tỉnh Nam Định đã và đang triển khai, hoạt động tình nguyện chung tay xây dựng NTM được đánh giá có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, tập hợp, thu hút rất đông đoàn viên, thanh niên trong tỉnh tham gia, bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nam Định lần thứ XV mới đây đánh giá, trong 5 năm qua (2017-2022), đã có thêm nhiều mô hình thanh niên chung tay xây dựng NTM được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai hiệu quả như: hàng cây thanh niên, đường cây thanh niên; bộ dụng cụ thể thao ngoài trời... Số lượng thanh niên được hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, thị trường ngày càng nhiều; hợp tác xã thanh niên đã phát triển cả về số lượng lẫn quy mô; đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp số, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong thanh niên. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được quan tâm triển khai với nhiều sản phẩm của thanh niên được đánh giá, xếp hạng 3 sao, 4 sao.

Đoàn viên, thanh niên Nam Định đang xung kích trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là trong xây dựng NTM.
Đoàn viên, thanh niên Nam Định đang xung kích trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là trong xây dựng NTM.

Trong số 15 công trình thanh niên tiêu biểu được tuyên dương tại Đại hội Đoàn thanh niên tỉnh mới đây có rất nhiều mô hình hướng vào mục tiêu xây dựng NTM, như mô hình “Hàng cây thanh niên” của huyện Đoàn Xuân Trường; mô hình “Nạo, vét, kênh mương, máng nổi phục vụ tưới tiêu vụ mùa Đông - Xuân trên địa bàn các xã đồng màu” của huyện Đoàn Nam Trực; mô hình “Bộ dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời của Đoàn thanh niên xã Hải Trung, huyện Hải Hậu; mô hình “Nhà nhân ái” của Đoàn thanh niên xã Trực Thanh, huyện Trực Ninh; mô hình “Trồng và chăm sóc 10.000 cây phi lao chắn sóng” của Đoàn thanh niên xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng; mô hình “Xe đạp giúp em đến trường” của Đoàn thanh niên xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy; mô hình “Đặt biển cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm phòng chống đuối nước” của Đoàn thanh niên xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc; mô hình “Sân bóng đá cỏ nhân tạo làng Tiền” của Chi Đoàn làng Tiền, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản; mô hình “Đổi rác tái chế lấy cây xanh” của Đoàn thanh niên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định…

Tìm hiểu thực tế tại xã Xuân Kiên (huyện Xuân Trường) chúng tôi được biết, đến năm 2020 xã đã được công nhận xã NTM nâng cao, hiện tại xã đang tập trung xây dựng xã đạt chuẩn theo các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.

Theo Bí thư Đoàn xã Nguyễn Quang Hưng, xã hiện có 548 đoàn viên, thanh niên sinh hoạt tại 7 chi Đoàn. Hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”, Đoàn xã đã tuyên truyền, vận động đoàn viên tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn để phát triển kinh tế và học tập. Các đoàn viên, thanh niên xã đã xung kích, triển khai thực hiện nhiều công trình, phần việc góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ở địa phương; phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, làm giàu chính đáng, vươn lên thoát nghèo. Trong đó, anh Lương Văn Quý, Phó Bí thư chi Đoàn 1 đã mạnh dạn vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm từ nguồn vốn kênh Trung ương Đoàn để đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản suất nông nghiệp trên diện tích 40ha ruộng thuê lại từ người dân các xã: Xuân Kiên, Xuân Tiến, Xuân Hòa và thị trấn Xuân Trường, giải quyết việc làm cho 30-40 lao động với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ phát triển kinh tế, các đoàn viên, thanh niên tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất để xây dựng, tu sửa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, hệ thống đường điện chiếu sáng, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp ở khu dân cư. Trong đó, Chi Đoàn 1 đã tổ chức quyên góp, xây dựng cột cờ tại trung tâm khu dân cư; xây dựng công trình tổ hợp sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông phục vụ cho đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân. Chi Đoàn 2 quyên góp xây dựng hệ thống chiếu sáng toàn bộ khu dân cư. Chi Đoàn 5 góp kinh phí ủng hộ hệ thống âm thanh phục vụ sinh hoạt chung tại nhà văn hóa. Các chi Đoàn trong xã còn tổ chức các hoạt động “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” qua đó tập hợp lực lượng làm vệ sinh môi trường, trồng 1km đường hoa, trồng và chăm sóc 300 cây sấu, 150 cây keo trên hơn 3km đường trục xã…

Cựu chiến binh gương mẫu hiến làm đường

Cựu chiến binh Nam Định đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực tham gia xây dựng NTM.
Cựu chiến binh Nam Định đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực tham gia xây dựng NTM.

Không chỉ là cơ sở chính trị vững chắc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) ở tỉnh Nam Định đều đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực để vừa chăm lo vừa phát huy vai trò của các hội viên trong đời sống xã hội.

Đại hội Hội CCB tỉnh Nam Định lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027 tổ chức mới đây đánh giá, trong năm năm qua (2017-2022), Hội đã thực hiện đạt và vượt 7/7 chỉ tiêu chủ yếu do Nghị quyết Đại hội lần thứ VI đã đề ra. Trong đó nổi bật là công tác xây dựng tổ chức Hội, phát triển hội viên mới, phòng chống dịch Covid-19, hoạt động của “Tổ CCB vì dân”, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay và nỗ lực vượt khó vươn lên làm giầu hợp pháp. Theo thống kê, hiện tại cán bộ hội viên CCB tỉnh Nam Định đang làm chủ 266 doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho 8.410 lao động, trong đó 16 doanh nghiệp có mức doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm. Ngoài ra cán bộ, hội viên CCB tỉnh Nam Định còn làm chủ 91 HTX, 13 Tổ hợp tác, 102 trang trại, 2.425 gia trại, 1.229 hộ kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm cho 44.142 lao động. Trong đó có 14 HTX và trang trại của hội viên CCB có mức doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm.

Chung sức xây dựng NTM, 5 năm vừa qua, gia đình cán bộ, hội viên CCB tỉnh đã hiến tổng cộng 47.348 m2 đất thổ cư, thổ canh; ủng hộ tiền mặt, vật liệu xây dựng trị giá 64 tỷ đồng; tự nguyện tham gia 25.968 ngày công lao động, làm mới 270 km đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình công cộng, hệ thống thủy lợi nội đồng; trồng 234.279 cây xanh…

MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định và các tổ chức thành viên luôn tăng cường các hoạt động phối hợp hành đồng, đặc biệt là các hoạt động chung sức xây dựng NTM.
MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định và các tổ chức thành viên luôn tăng cường các hoạt động phối hợp hành đồng, đặc biệt là các hoạt động chung sức xây dựng NTM.

Các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM bằng tinh thần tự nguyện, tự giác

Không chỉ phối hợp tuyên truyền, giúp nhân dân trong tỉnh hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, phương châm, cơ chế xây dựng NTM, MTTQ tỉnh, các tổ chức thành viên nòng cốt còn có nhiều phong trào, hoạt động thiết thực như vận động nông dân tham gia dồn điền đổi thửa; góp, hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng, tham gia giám sát; quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng, duy trì nhiều mô hình bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự...

Một lần, về xã Hải Hà (Hải Hậu), tôi thấy một chị đang chăm chú nhặt cỏ trong vườn hoa trước Nhà văn hóa xã. Hỏi chị làm thế này ngày công được bao nhiêu? Chị ấy giãy nảy lên bảo công cán gì, vườn hoa do Hội phụ nữ xã đảm nhiệm việc chăm sóc, tôi là hội viên, thấy cỏ mọc thì phải xắn tay vào nhổ thôi. Chuyện này cho thấy nhiều người dân đã nhận thức được xây dựng NTM là việc của chính mình, mình làm cho mình, từ đó nhiều người đã tham gia bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, dù là việc lớn hay việc nhỏ nhiều người dân đã tham gia bằng tinh thần tự nguyện, tự giác. Đến đâu trong tỉnh cũng gặp những tuyến đường do chi hội phụ nữ, cựu chiến binh hoặc đoàn thanh niên tự quản. Điều đó cho thấy, không chỉ đóng góp bằng tiền bạc, công sức, MTTQ, các tổ chức thành viên còn đóng góp rất nhiều bằng cách phát huy công sức, trí tuệ của các đoàn viên, hội viên; đóng góp bằng phương thức tổ chức quản lý, vận hành, khai thác các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh ở địa phương…

Ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nam Định.

Hình ảnh đẹp về sức mạnh đại đoàn kết

Hơn 10 năm qua, nội dung phối hợp hành động chung sức xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong Chương trình thống nhất hành động hằng năm và từng nhiệm kỳ 5 năm giữa MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, đặc biệt là các tổ chức thành viên nòng cốt. Theo đó, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, đặc thù, quá trình hiệp thương, MTTQ và các tổ chức thành viên tỉnh Nam Định đã thống nhất, phân công đảm nhiệm những phần việc cụ thể, qua đó phát huy thế mạnh của từng tổ chức trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên của mình tham gia xây dựng NTM. Kết quả xây dựng NTM của tỉnh đến nay là minh chứng về tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động của mỗi tổ chức, mỗi đoàn viên, mỗi hội viên trong mái nhà chung MTTQ Việt Nam, là hình ảnh đẹp về khối đoàn kết toàn dân tỉnh Nam Định. Xây dựng NTM có khởi đầu, không có kết thúc, MTTQ, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân Nam Định sẽ luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, chung sức thực hiện thắng lợi, hiệu quả các kế hoạch, mục tiêu xây dựng NTM của tỉnh trong các giai đoạn tiếp theo.

Ông Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Nông thôn giàu, đẹp hơn từ công sức, trí tuệ mỗi đoàn viên, hội viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO