Nam Định: Sức sống làng nghề ‘thời' nông thôn mới

Trần Duy Hưng 28/11/2022 17:00

Trải qua hàng trăm năm hình thành, phát triển, nhiều làng nghề truyền thống ở Nam Định cho đến nay vẫn trường tồn, “ăn nên làm ra”, đóng góp tích cực, hiệu quả vào đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa ở địa phương, vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Không chỉ ươm tơ, dệt lụa

Không phải ngẫu nhiên khi thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, người Pháp lại chọn Nam Định làm nơi xây dựng Nhà máy Dệt lừng lẫy toàn cõi Đông Dương một thời. Đơn giản là nhờ có bờ bãi sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đáy… nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt tơ, dệt lụa, dệt vải đã hình thành ở Nam Định từ rất sớm với rất nhiều thế hệ thợ giỏi. Nhưng không chỉ có vậy, với sự tài hoa của mình, người dân tỉnh nằm ở trung tâm vùng nam Sông Hồng này còn là chủ nhân của nhiều nghề, làng nghề, xã nghề truyền thống nổi tiếng khác…

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Nam Định, hiện toàn tỉnh có 124 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 17 làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành, phát triển hàng trăm năm, có cả những làng nghề có lịch sử hình thành, phát triển gần 1000 năm. Không huyện nào trong tỉnh không có làng nghề nổi tiếng.

Trong số các huyện, thành phố nằm ở phía bắc sông Đào của tỉnh Nam Định thì Ý Yên là huyện có nhiều làng nghề nổi tiếng nhất, trong đó có làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên (Yên Ninh), đúc đồng Tống Xá, Vạn Điểm (thị trấn Lâm), sơn mài Cát Đằng (Yên Tiến)… Huyện Vụ Bản thì nức tiếng với làng nghề rèn ở xã Quang Trung; nghề sơn mài, sơn then ở làng Hổ Sơn (xã Liên Minh), nghề mây tre đan ở xã Vĩnh Hào… Huyện Mỹ Lộc nổi tiếng với xã nghề làm chăn bông, may mặc Mỹ Thắng. TP Nam Định nổi tiếng với nghề làm bún Phong Lộc (phường Cửa Nam), nghề làm bánh cuốn làng Kênh, trồng hoa cây cảnh ở xã ngoại thành Nam Phong và đặc biệt là có rất nhiều phố “Hàng”…

Nghề đúc đồng ở Tống Xá (Ý Yên).
Nghề đúc đồng ở Tống Xá (Ý Yên).

Ở các huyện phía nam sông Đào, huyện Nam Trực nức tiếng với làng rèn Vân Chàng, cơ khí Đồng Côi, làng làm khăn xếp Giáp Nhất (thị trấn Nam Giang), làng hoa cây cảnh Vị Khê (xã Điền Xá), làng nghề đồ chơi Trung Thu, hoa giấy, hoa lụa Báo Đáp (xã Hồng Quang), làng chạm vàng chạm bạc Đồng Quỹ (xã Nam Tiến), làng nghề Phở Vân Cù (xã Đồng Sơn)… Huyện Trực Ninh nổi tiếng với xã nghề Phương Định với nhiều làng nghề ươm tơ, dệt lụa như Cự Trữ, Cổ Chất, Dịch Diệp… Huyện Xuân Trường nổi tiếng với làng nghề cơ khí Kiên Lao (xã Xuân Tiến). Huyện hải Hậu nổi tiếng với xã nghề đồ gỗ thủ công mỹ nghệ Hải Minh, làng làm kèn đồng Phạm Pháo, nghề đan lưới, làm muối ở các xã ven biển. Huyện Nghĩa Hưng nổi tiếng với nghề khâu nón ở xã Nghĩa Châu, nghề dệt chiếu ở các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn; đan vó cá ở xã Hoàng Nam. Huyện Giao Thủy nổi tiếng với làng nghề làm nước mắm Sa Châu (xã Giao Châu), nghề làm muối ở các xã ven biển…

Mỗi làng nghề ở Nam Định có lịch sử hình thành, phát triển khác nhau, tùy vào điều kiện tự nhiên và xã hội. Ngoài các ý nghĩa về sinh kế, kinh tế, các làng nghề truyền thống ở Nam Định đều hội tụ hai giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Trong đó, văn hóa vật thể thể hiện qua sản phẩm làng nghề, công trình kiến trúc di tích thờ tổ nghề…; văn hóa phi vật thể thể hiện qua kỹ năng, kỹ xảo nghề, lễ hội làng, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, không gian văn hóa làng… Không chỉ giải quyết việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho người lao động, các làng nghề ở Nam Định còn đã và đang góp phần gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

Nghề hoa cây cảnh Vị Khê (Nam Trực).
Nghề hoa cây cảnh Vị Khê (Nam Trực).

Những làng nghề tuổi nghề tính bằng nhiều thế kỷ

Trong số các làng nghề truyền thống ở Nam Định, làng nghề đúc đồng Tống Xá (thị trấn Lâm, huyện Ý Yên) có tuổi đời đến nay đã hơn 900 năm. Theo sách “Tống Xá - làng nghề đúc truyền thống, cội nguồn xưa và nay” thì đến thế kỷ thứ 7, đất làng ngày nay vẫn chỉ là một vùng hoang vu. Vào đầu năm Tân Mùi (791) có 2 người là Tống Phúc Thành và Dương Vạn Hợp cùng người nhà đến đây khai hoang, lập thành trang Kiến Hòa. Sang các thế kỷ thứ 10, 11 trang Kiến Hòa ngày càng đông đúc, phát triển, mở rộng. Khu vực phía bắc có đa số người dòng họ Tống sinh sống nên được đặt tên là Tống Xá; khu vực phía tây nam có đa số người họ Dương cùng nhiều người dân từ làng Vạn Điểm (Hà Nam) di cư đến lập nghiệp được đặt tên là làng Vạn Điểm.

Vào năm 1118, khi đi qua vùng đất Tống Xá ngày nay, nhà sư Nguyễn Minh Không (tức Lý Quốc Sư) phát hiện đồng làng Tống Xá có loại đất sét có thể làm được khuôn đúc nên đã ở lại dạy dân làng nghề đúc kim loại, chế tác ra các dụng cụ bằng các chất liệu gang, đồng… Nghề đúc gang, đúc đồng được hình thành ở Tống Xá kể từ đó và được xem là một trong những “cái nôi” của nghề đúc đồng ở Việt Nam.

Nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên (Ý Yên).
Nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên (Ý Yên).

Trải qua dằng dặc của tháng năm, của những biến thiên lịch sử, phát triển từ thô sơ, giản đơn, quy mô nhỏ đến hiện đại, cầu kỳ, tinh xảo, ở thời điểm hiện tại, Tống Xá được trong và ngoài nước biết đến là một địa chỉ đúc đồng nổi tiếng, không chỉ vì làng đang có đến hơn 170 doanh nghiệp, cơ sở đúc mà còn vì sự tài hoa, vì chất lượng, độ tinh xảo, sự phong phú của các sản phẩm đúc do người làng có đến 904 tuổi nghề “đỏ lửa” này làm ra, phục vụ nhu cầu không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra thế giới.

Ngoài là tác giả của rất nhiều sản phẩm là đồ phong thủy, tranh, hoành phi, câu đối, tượng Phật, tượng danh nhân bằng chất liệu đồng cầu kỳ, tinh xảo, nghệ nhân người Tống Xá chính là tác giả của nhiều công trình quy mô lớn như: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng Bác Hồ tại Nhà lưu niệm huyện Định Hóa (Thái Nguyên); tượng Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Nhà Lưu niệm tỉnh Quảng Trị; tượng Vua Lý Thái Tổ, tượng Phật tổ Như Lai đặt tại núi Non Nước, huyện Sóc Sơn (Hà Nội); tượng Quốc mẫu Âu Cơ và các vị Lạc tướng, Lạc hầu tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Hùng (Phú Thọ); tượng 14 vị vua thời Trần tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Phổ Minh (Nam Định); tượng Tam thế Phật tổ Như Lai tại Chùa Bái Đính (Ninh Bình)...

Tượng đồng Thánh Gióng, một trong những sản phẩm của làng nghề đúc đồng Tống Xá
Tượng đồng Thánh Gióng, một trong những sản phẩm của làng nghề đúc đồng Tống Xá.

Về Tống Xá ngày nay, du khách mọi miền sẽ được quan sát, trải nghiệm các công đoạn hoàn thiện sản phẩm của các nghệ nhân đúc đồng Tống Xá, từ tạo mẫu, tạo khuôn, nấu chảy nguyên liệu, rót khuôn, chạm trổ, đánh bóng hoàn thiện sản phẩm. Nếu về đúng dịp hội Đền thờ Đức Thánh tổ nghề đúc (tổ chức 3 năm 1 lần vào các ngày 10, 11 và 12/2 Âm lịch) sẽ hiểu được người Tống Xá ngày nay tôn vinh, tri ân hai vị thành hoàng (Tống Phúc Thành, Dương Vạn Hợp) và Đức Thánh tổ nghề Nguyễn Minh Không như thế nào, thông qua rất nhiều nghi lễ tâm linh và nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc trưng khác.

Nếu như làng nghề đúc đồng Tống Xá có tuổi nghề hơn 900 năm thì làng nghề ươm tơ Cổ Chất (xã Phương Định, huyện Trực Ninh) cũng có tuổi đời đến 800 năm, được hình thành từ thời Trần thịnh trị. “Nghề ươm tơ” trong câu ca “Hỡi cô thắt dải lưng xanh/Có về Nam Định với anh thì về/Nam Định có bến Đò Chè/Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ” chính là nói về nghề ươm tơ ở Cổ Chất - một trong những làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt tơ, dệt lụa nổi tiếng nằm ven bờ bãi sông Ninh Cơ màu mỡ.

Ngoài giá trị văn hóa vật thể, các làng nghề truyền thống ở Nam Định còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể thể hiện qua kỹ năng, kỹ xảo nghề, lễ hội làng, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, không gian văn hóa làng…
Ngoài giá trị văn hóa vật thể, các làng nghề truyền thống ở Nam Định còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể thể hiện qua kỹ năng, kỹ xảo nghề, lễ hội làng, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, không gian văn hóa làng…

Có hai sự kiện đến nay vẫn được sử làng lưu truyền, nói lên phẩm chất vừa cần cù vừa khéo léo, tài hoa của người Cổ Chất, đó là vào đầu thế kỷ 20, trong quá trình khai thác thuộc địa, phát hiện ra vùng nguyên liệu dâu tằm bạt ngàn ven bờ bãi sông Ninh Cơ, phát hiện ra sự tài hoa, khéo léo của những người Cổ Chất trong việc “kéo sợi, quay tơ”, người Pháp đã cho xây dựng ngay tại Cổ Chất một nhà máy ươm tơ để tận dụng những lợi thế của làng quê này. Sự kiện thứ hai là vào năm 1942, tham gia hội chợ đấu xảo, trình diễn tinh hoa làng nghề tại Hà Nội, do Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ tổ chức, một nghệ nhân của làng ươm tơ, dệt lụa Cổ Chất đã xuất sắc đoạt giải cao…

Thật kỳ lạ, đến thời điểm hiện tại, thời của đỉnh cao công nghệ những sản phẩm tơ lụa được người Cổ Chất làm bằng phương pháp thủ công truyền thống vẫn tỏa sáng, có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong và ngoài nước, trở thành một khâu trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp thời trang trong nước và toàn cầu. Chính vì vậy cho đến ngày nay ở làng Cổ Chất vẫn có hàng trăm hộ dân, trong đó phần lớn là thế hệ trẻ đang nối nghiệp cha ông làm nghề ươm tơ, dệt lụa. Về làng, đâu đâu cũng thấy sắc vàng, sắc trắng của tơ, óng mượt, lung linh, hòa quyện trong một không gian làng quê đậm Bắc bộ. Hội làng (ngày 6/3 Âm lịch hằng năm) thực sự là nơi hội tụ lòng thành kính của con dân Cổ Chất với Tổ nghề, hội tụ những giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng của một làng quê Bắc bộ…

“Lễ hội truyền thống đền thờ đức thánh nghề đúc đồng Tống Xá” đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Lễ hội truyền thống đền thờ đức thánh nghề đúc đồng Tống Xá” đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nói đến những làng nghề có tuổi nghề tính bằng nhiều thế kỷ ở Nam Định còn phải kể đến làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên (xã Yên Ninh, huyện Ý Yên) với tuổi nghề gần 10 thế kỷ, Tổ nghề là tướng quân Ninh Hữu Hưng. Làng nghề sơn mài Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên) có tuổi nghề hơn 600 năm, Tổ nghề là Ngô Đức Dũng, Ngô Ân Ba, sản phẩm chủ lực ngày nay là các loại đĩa, khay, hộp, rương, lọ hoa, tranh sơn thủy…, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Làng hoa cây cảnh Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực) có tuổi nghề hơn 800 năm, Tổ nghề là tướng quân Tô Trung Tự, thuộc tướng của Trần Hưng Đạo. Làng rèn Vân Chàng (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) có tuổi nghề hơn 700 năm…

Nhằm tạo không gian phát triển mới cho các làng nghề, thuận tiện trong công tác quản lý, khắc phục mặt trái gây ô nhiễm môi trường của các làng nghề, từ hàng chục năm trước, tỉnh Nam Định đã thực hiện chủ trương phát triển, hình thành các Cụm công nghiệp làng nghề. Nhiều Cụm đã và đang hoạt động hiệu quả như Cụm Công nghiệp cơ khí xã Xuân Tiến (Xuân Trường), Cụm công nghiệp cơ khí Đồng Côi - Vân Chàng (Nam Trực), Cụm công nghiệp đồ gỗ Yên Ninh (Ý Yên), Cụm công nghiệp Nghĩa Sơn, Cụm công nghiệp Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng), Cụm công nghiệp An Xá (TP Nam Định)… Ở thời điểm hiện tại, nhiều Cụm công nghiệp ở khu vực nông thôn đang được tỉnh xúc tiến quy trình đầu tư thành lập.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế, du lịch nông thôn, du lịch làng nghề đang là định hướng phát triển của tỉnh Nam Định. Trong ảnh: Cầu ngói chợ Lương (xã Hải Anh, Hải Hậu).
Với nhiều tiềm năng, lợi thế, du lịch nông thôn, du lịch làng nghề đang là định hướng phát triển của tỉnh Nam Định. Trong ảnh: Cầu ngói chợ Lương (xã Hải Anh, Hải Hậu).

Đánh thức, khai thác tiềm năng du lịch nông thôn, du lịch làng nghề

Với thành quả 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; từ năm 2021 đến nay có thêm 182/204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Giao Phong (Giao Thủy) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; với hệ thống dày đặc các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng cùng rất nhiều các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng; hạ tầng nông thôn đặc biệt là giao thông thuận tiện, đồng bộ; lại có tới 226 sản phẩm nông nghiệp, nông thôn được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên; có 7 món ăn lọt Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam và Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (phở bò, bún đũa, bánh cuốn làng Kênh, nem nắm Giao Thủy, nước mắm Sa Châu, kẹo Sìu Châu, gạo Tám xoan Hải Hậu) và đặc biệt, như đã đề cập, với nhiều làng nghề nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tỉnh Nam Định có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng. Đây cũng đang là định hướng phát triển của tỉnh gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Nam Định, các giải pháp trọng tâm để khai thác giá trị làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch của ngành gồm: Chú trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống; nâng cao nhận thức, ý thức, đạo đức, trách nhiệm đối với nghề cho người dân. Tăng cường phối hợp giữa các cấp chính quyền với các doanh nghiệp du lịch để đào tạo kỹ năng hướng dẫn du lịch cho người dân làng nghề, tạo môi trường du lịch thân thiện, cởi mở, gần gũi giữa người dân với du khách. Đồng thời, hình thành các dịch vụ ăn uống, lưu trú, tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, giúp du khách có cơ hội giao lưu, trải nghiệm thực tế; thiết kế, chọn lựa các sản phẩm phù hợp làm quà lưu niệm để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch về các làng nghề truyền thống.

Phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề: Cần nhiều giải pháp, quyết tâm của các bên liên quan

Để khai thác, phát huy được tiềm năng, lợi thế rất lớn của tỉnh Nam Định trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới cần nhiều giải pháp, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, chung tay sát cánh giữa các cơ quan chính quyền các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân địa phương, các công ty du lịch, lữ hành. Trong đó cần rà soát xây dựng đề án, tích hợp quy hoạch các khu đủ điều kiện phát triển mô hình du lịch làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Nam Định để thu hút đầu tư; chú trọng bảo tồn cảnh quan sinh thái, giá trị văn hóa, không gian văn hóa, di tích lịch sử. Nâng cao nhận thức về phát triển mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt cần có sự đồng thuận, quyết tâm, quyết liệt của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn. Đổi mới công tác truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó khai thác hiệu quả việc quảng bá trên mạng internet. Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch, cần có sự liên kết chặt chẽ của các ngành (nông nghiệp, công thương, công nghiệp chế biến và du lịch) với các công ty lữ hành. Đào tạo, tập huấn phát triển kỹ năng, tiếp cận tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi kỹ thuật số, đa dạng hóa kinh tế, quản trị mới và đánh giá tác động... trong phát triển mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới; năng lực của đội ngũ quản lý nhà nước về phát triển du lịch nông nghiêp, nông thôn. Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường. Quản lý chặt chẽ điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ; an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia, trong đó chú trọng lợi ích của người dân. Trước mắt thực hiện mô hình thí điểm, trên cơ sở kết quả để nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.

Đề xuất và kiến nghị Bộ NN và PTNT điều tra, khảo sát thực trạng phát triển du lịch nông thôn; xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống mạng lưới điểm đến du lịch nông thôn, đề xuất hỗ trợ đầu tư phát triển đồng bộ một số điểm đến, sản phẩm du lịch tiêu biểu; hỗ trợ đầu tư và xây dựng mô hình điểm về làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Nam Định. Tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cho quy hoạch và thực hiện quy hoạch du lịch nông thôn, đặc biệt là du lịch làng nghề truyền thống gắn với xây dựng NTM; tăng cường quảng bá du lịch nông thôn thông qua ứng dụng chuyển đổi số; bổ sung kinh phí cho các địa phương để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp. UBND tỉnh Nam Định có cơ chế chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Sở NN và PTNT tham mưu UBDN tỉnh, Bộ NN và PTNT xây dựng thí điểm mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Hồng Đức - Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định

(PV ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Sức sống làng nghề ‘thời' nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO