Năm học mới: Nhiều khác biệt

kim Khanh - Khôi Nguyên 16/08/2021 08:00

Theo kế hoạch khung thời gian năm học 2021-2022 do Bộ GDĐT vừa ban hành, ngày 23/8 năm học mới 2021-2022 sẽ chính thức bắt đầu. Một năm học mới khác biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát đang trở thành áp lực với xã hội và mỗi gia đình.

Tuy vậy, khung thời gian năm học mới đã thực sự hợp lý, giải pháp nào để học sinh đến trường an toàn, cần chia các địa phương với các cấp độ Covid-19 khác nhau ra sao và quan trọng là xây dựng chương trình chung về dạy và học online cho các địa phương thế nào… là những vấn đề mà xã hội rất quan tâm, đòi hỏi Bộ chủ quản phải lên các kịch bản linh động ứng phó.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khai giảng năm học 2020-2021.

Áp lực năm học mới trong bối cảnh dịch lan rộng

Khung kế hoạch năm học 2021-2022 vừa được Bộ GDĐT công bố với ngày tựu trường sớm nhất là 1/9, lớp 1 từ ngày 23/8; tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Thời gian nghỉ học, tựu trường sớm và kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung kế hoạch. Cho rằng kế hoạch này không khả thi trong bối cảnh Covid-19 bùng phát mạnh, đã có một số đề xuất Bộ chủ quản nới khung kế hoạch năm học, chuẩn bị nhiều kịch bản nhằm giúp các địa phương chủ động trong dạy học.

Có lẽ, lo lắng nhất là lớp học đầu đời trong đại dịch, từ “điểm nóng” dịch bệnh TP.HCM, hiệu trưởng một trường tiểu học chia sẻ, 2021-2022 sẽ là năm học thử thách với cấp tiểu học, đặc biệt lớp 1. Bởi lẽ học sinh lớp lá không được học 4-5 tháng ở trường mầm non, khoảng thời gian lẽ ra các em được dạy nhận diện mặt chữ, con số. Bước vào lớp 1 bằng những tiết học online là không khả thi vì đây là giai đoạn quan trọng, các em phải được thầy cô chỉ bảo tận tay. Nếu không, trẻ sẽ có những lỗ hổng lớn, khó bù đắp sau này.

Bởi vậy vị hiệu trưởng này đề xuất: Bộ nới thời hạn kết thúc năm học, không quy định cứng nhắc “kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung kế hoạch”. Với cấp tiểu học, năm học có thể khai giảng vào tháng 10, bế giảng vào tháng 7. Điều này không đồng nghĩa với việc chờ dịch tắt hẳn rồi mới cho học sinh đi học, ngược lại ngành giáo dục phải có các đầu việc giao nhà trường để không có khoảng thời gian chết. Ví dụ TPHCM và một số tỉnh đang giãn cách khai giảng cấp tiểu học vào đầu tháng 10, từ ngày 20/8 đến khi đó Bộ giao các trường tổ chức dạy online, tạo thói quen học tập cho các bé. Khi hết dịch đi học trở lại thì dạy cái gì, như thế nào, với các lớp còn lại tổ chức ra sao, cần nêu rõ.

Ở một góc nhìn khác, Thạc sĩ Phạm Phương Bình - Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh thì không ai có thể đưa ra mốc thời gian cụ thể để bắt đầu cho năm học. “Vì vậy, việc năm học mới bắt đầu có thể bằng hình thức cho học sinh lớp 9, lớp 12 học trực tuyến vì các em đã có 2 năm học làm quen với cách học này. Đồng thời các em còn cần phải đáp ứng kiến thức các kỳ thi theo yêu cầu của Bộ quy định chung cho học sinh cả nước. Còn những khối lớp khác thì có thể lùi lại vào thời gian sau đó. Năm học này Bộ nên chủ động tinh giản những kiến thức hàn lâm, chồng chéo, những nội dung cũ kỹ, lạc hậu mà cần tập trung vào những nội dung trọng tâm, thiết thực”, ông Bình kiến nghị.

Về phương án lùi năm học sang giữa tháng 9, thậm chí sang tháng 10, bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho rằng, trừ những nơi ảnh hưởng quá nặng, khó khăn cả về nhân lực và điều kiện dạy học trực tuyến, còn những địa phương khác bao gồm cả Hà Nội không nên lùi thời gian năm học mới. Thay vào đó, có thể tính đến phương án khai giảng online, dạy học trực tuyến.

Cùng quan điểm, ông Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cũng đề xuất, cần tổ chức tập huấn cho giáo viên, cho học sinh, cần họp phụ huynh để kêu gọi cha mẹ đồng hành cùng nhà trường trong việc hỗ trợ con hòa nhập với môi trường học mới bằng hình thức trực tuyến.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GDĐT), giải thích khung kế hoạch năm học để địa phương căn cứ, quyết định thời gian năm học cụ thể cho các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn. Đây là văn bản khung, áp dụng cho toàn quốc. Các mốc thời gian Bộ đưa ra là “sớm nhất” hoặc “muộn nhất”, không có nghĩa Bộ yêu cầu tất cả địa phương phải tựu trường và kết thúc năm học trong cùng một ngày.

Theo đó, địa phương có thể chuyển sang giữa tháng 9, thậm chí sang tháng 10, đồng nghĩa thời gian kết thúc năm học sẽ không phải là 31/5 mà là 15/6. Trường hợp dịch quá căng thẳng, đến 15/6 chưa thể kết thúc năm học thì địa phương báo cáo Bộ để có hướng dẫn đặc thù, sao cho vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa có thể hoàn thành kế hoạch năm học vào thời điểm phù hợp.

Riêng học sinh tiểu học có thể tựu trường sớm hơn là rút kinh nghiệm từ năm 2020, bởi trẻ từ mầm non lên tiểu học cần có thời gian để làm quen với thầy cô, trường lớp, môi trường học ở tiểu học…

Ông Nguyễn Xuân Thành cũng lưu ý, khi xây dựng kế hoạch thời gian năm học của địa phương cần phải bảo đảm số tuần thực học; phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương; bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt trong trường phổ thông có nhiều cấp học.

Đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp hồi tháng tháng 4 tại Trường Tiểu học Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Lo lắng trước thềm lớp 1

Khung kế hoạch năm học mới đã có, nhiều đề xuất giải pháp từ thày cô giáo cho thấy, Bộ GDĐT cần đưa ra các giải pháp linh hoạt cho mỗi địa phương. Tuy nhiên, từ phía phụ huynh, đặc biệt là những người có con bước vào lớp 1 hết sức băn khoăn.

Chị Nguyễn Hải Yến (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: Nếu dịch bệnh chưa kiểm soát được thì chưa bắt đầu năm học mới. Tôi thấy việc cho học sinh lớp 1 học trực tuyến, nhất là giai đoạn đầu năm học rất khó khăn. Bởi các bé mới hết mầm non, chỉ quen với việc vui chơi chứ đâu đã quen với việc học của học sinh tiểu học. Vì vậy, học sinh lớp 1 phải được học trực tiếp để được thầy cô giáo rèn nề nếp học tập, cách cầm bút, cách viết chữ.

Cũng có con trai năm nay bước vào lớp 1, chị Lê Việt Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lo ngại: Tựu trường có thể lùi lại thời gian. Còn học online muốn chất lượng thì phải giảm tải chương trình và thời gian học không cần nhất thiết phải như giờ học ở trên lớp. Các con lớp 1 tổ chức học sau khi dịch ổn định và cần thay đổi sách học lớp 1 đơn giản. Vì theo tìm hiểu của tôi thì các cháu học lớp 1 năm vừa rồi chương trình quá nặng. Toán khó, đánh vần quá rắc rối nên nhiều học sinh lớp 1 đến học kỳ 2 mới đọc được hết mặt chữ. Lớp 1 năm nay mà vẫn học chương trình đó thì với hình thức online các con sẽ theo không nổi.

Sốt ruột vì con ở nhà chơi không, chị Dương Thu Hằng (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) tự dạy con gái đánh vần, làm toán theo các kênh youtube. Theo chị Hằng, phụ huynh hãy dành thời gian giúp nhà trường dạy các con, vì ngay sau dịch có nhập học trễ, chương trình dạy có nhanh hơn bé cũng không bị mất kiến thức.

Đồng cảm với lo lắng của phụ huynh trước tình trạng hiện tại, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương - nghiên cứu sinh ngành thiết kế và lãnh đạo giáo dục tại Đại học Illinois (Mỹ), đồng thời là nhà sáng lập nhiều tổ chức giáo dục lớn ở TP HCM cho rằng, thay vì lo lắng phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động chuẩn bị cho con.

Theo bà Phương, trải qua nhiều mùa dịch, các trường học cũng đã có kinh nghiệm trong việc chuyển đổi mô hình dạy - học. Lứa trẻ em sau này cũng dễ dàng thích nghi và được tiếp cận với các thiết bị công nghệ từ rất sớm nên phụ huynh nên chuẩn bị sẵn tinh thần cho chính mình, để hỗ trợ con. “Thực ra người cần chuẩn bị tinh thần là phụ huynh, còn bọn trẻ nếu được tiếp cận và dạy học đúng phương pháp, các con sẽ thích nghi rất nhanh”, bà Phương chia sẻ.

Cũng có ý kiến cho rằng, trong dịch bệnh Covid-19 ngành giáo dục cần phải bắt nhịp thật nhanh với đời sống bằng các giải pháp linh động, thiết thực và bớt cứng nhắc. Khi hiện nay và hậu đại dịch chúng ta có thể kết hợp song song giữa dạy học online và offline. Không xa nữa chúng ta sẽ sống trong kỷ nguyên số. Bởi vậy, hãy bắt đầu từ giáo dục ngay từ bây giờ nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Bộ GDĐT lên khung kế hoạch năm học 2021-2022 với các mốc:

- Tựu trường sớm nhất ngày 1/9, riêng lớp 1 từ ngày 23/8/2021.

- Tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2021.

Kết thúc học kỳ I trước ngày 16/1/2022, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2022 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022.

- Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 30/6/2022.

- Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp học trước ngày 31/7/2022.

- Thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi quốc gia và thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ.

- Thời gian nghỉ học, tựu trường sớm và kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung kế hoạch.

Kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học: Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần); đối với giáo dục thường xuyên (thực hiện chương trình giáo dục THCS và THPT), có 32 tuần thực học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm học mới: Nhiều khác biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO