Năm Mão nói chuyện mèo

TS ĐỖ ANH VŨ 22/01/2023 12:12

Có những loài khiến con người phải tránh xa, sợ hãi; lại có những loài vô cùng gần gũi, dễ thương, được con người yêu mến, nuôi nấng và chăm sóc. Chúng còn đi vào thi ca, trở thành các “nhân vật trữ tình” đặc biệt, đôi khi được lồng vào đó không ít những ẩn dụ, ngụ ý hay hàm ngôn của người sáng tạo. Một trong những loài vật được dành nhiều sự ưu ái ấy là con mèo.

Tranh: Đỗ Phấn.

Đối với người Việt, con mèo là vật nuôi gần gũi, thương mến ở trong nhà. Mèo có thể làm cảnh, nhưng có lẽ lợi ích lớn nhất của chúng là bắt chuột. Mèo từ đó đã đi vào các bài ca dao một cách thật tự nhiên, ngộ nghĩnh: “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”.

Mèo đi vào thành ngữ, tục ngữ với những ẩn dụ tích cực, liên quan đến bắt chuột, chẳng hạn: “Mèo nhỏ bắt chuột cống” hàm ý chỉ những người tuổi trẻ tài cao; câu “Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” chỉ sự phù hợp trong công việc tùy theo năng lực từng người; câu “Rình như mèo rình chuột” để chỉ sự kiên nhẫn và siêng năng trong công việc. Trong miêu tả phụ nữ, “Ăn nhỏ nhẻ như mèo” là một đánh giá tốt, giống như lời khen về đường ăn nết ở, về sự ý tứ của người phụ nữ trong bữa cơm.

Con mèo còn xuất hiện trong những câu chỉ triết lý đời sống, thể hiện kinh nghiệm sống hoặc những quan sát phản ánh hiện thực xã hội, chẳng hạn các câu: “Mỡ chớ để miệng mèo”; “Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”. Mèo cũng gắn với những sự phê phán thói hư tật xấu, hoặc đôi khi là những châm biếm mỉa mai trào lộng, chẳng hạn các câu: “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”; “Im ỉm như mèo ăn vụng”; “Mèo mù vớ cá rán”; “Mèo khen mèo dài đuôi”… Sự đối xử với chó và mèo trong gia đình người Việt rõ ràng có sự phân biệt.

Con mèo có thể được ăn cùng người, ở gần người, trong khi con chó thường phải ăn sau và ăn ở ngoài sân hoặc góc nhà, nơi cách xa mâm cơm. Một trong những lời giải thích cho hiện tượng này có trong câu chuyện cổ tích “Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ” được ghi lại trong bộ “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi.

Theo đó, con mèo có công lớn trong việc tìm lại vật quý bị mất cho con người nên được đối xử ưu ái hơn. Trong văn học dân gian của người Pháp, con mèo được coi là con vật đặc biệt mang tính lưỡng trị, nghĩa là có thể ngoan hoặc hư tùy vào người nuôi dạy chúng. Điều này liên quan tới điển tích mỗi khi Adam đập cây đũa thần xuống thì một con vật tốt xuất hiện, còn mỗi khi Eva đập cây đũa thần xuống thì một con vật xấu xuất hiện. Một lần Adam phát hiện Eva đang chuẩn bị đập đũa, vội chạy tới giằng lại, cả hai cùng nắm tay vào cây đũa, đũa gõ xuống và từ đó xuất hiện con mèo.

Tranh: Đỗ Phấn.

Không chỉ trong tục ngữ, thành ngữ, con mèo xuất hiện trong ca từ nhiều bài hát của người Việt Nam. Nhưng lạ ở chỗ, mèo xuất hiện chủ yếu trong các bài hát thiếu nhi chứ ít khi được đi vào các ca khúc trữ tình dành cho người lớn. Điều này đặc biệt đúng với các nhạc sĩ sinh sống và trưởng thành tại miền Bắc. Có thể kể đến một loạt các bài hát nổi tiếng về con mèo dành cho thiếu nhi như: “Rửa mặt như mèo” (Nhạc và lời: Hàn Ngọc Bích), “Vì sao con mèo rửa mặt” (Nhạc và lời: Hoàng Long), “Ai cũng yêu chú mèo” (Nhạc và lời: Kim Hữu), “Chú mèo con” (Nhạc và lời: Nguyễn Đức Toàn), “Gà trống, mèo con và cún con” (Nhạc và lời: Thế Vinh)…

Trong những bài hát trên, con mèo chủ yếu được khai thác ở khía cạnh ngộ nghĩnh đáng yêu và khả năng bắt chuột: “Nhà em có con mèo, chú mèo kêu meo meo/ Mắt tròn trong như nước ai cũng yêu chú mèo” (Kim Hữu); “Nhà em có con gà trống, mèo con và cún con/ Gà trống gáy ò ó o, mèo con luôn rình bắt chuột, cún con chăm canh gác nhà” (Thế Vinh); “Chú mèo con lông trắng tinh mắt tròn xoe và trông rất xinh meo meo/ A con mèo nó rất ngoan bắt chuột đôi chân nhanh thoăn thoắt/ A con mèo nó rất ngoan, suốt ngày em đùa chơi với mèo mèo” (Nguyễn Đức Toàn).

Thế nhưng khi khảo sát các ca khúc có xuất hiện hình ảnh chú mèo của các nhạc sĩ phía Nam, tôi nhận thấy con mèo không chỉ xuất hiện trong các bài hát thiếu nhi mà còn xuất hiện cả trong nhiều tình khúc dành cho người lớn. Ở đó, mèo đã trở thành một nhân vật trữ tình, làm đẹp thêm cho con người, gắn với những kỷ niệm của một thời đầy yêu thương nay đã trở thành xa vắng: “Hỡi cô gái ngồi xõa tóc bên chú mèo làm bước chân tôi ngủ quên/ Khiến tôi muốn mình là cỏ non ướt mềm hiền lành nằm dưới chân son” (Nếu em là người tình – Nhạc và lời: Nguyễn Ngọc Thiện), “Phố có nhớ đôi mèo con năm xưa, vẫn hay nô đùa mỗi ngày và hay hái me cho nhau/ Phố có biết câu chuyện yêu vu vơ, như thể con mèo dịu hiền, thường hay cắn đôi tay tôi” (Góc phố dịu dàng – Nhạc và lời: Trần Minh Phi).

Trong khi đó, ngoài Bắc, nếu nhạc sĩ có đưa được mèo vào tình khúc thì cũng chưa thấy xuất hiện những tác phẩm thực sự gây được ấn tượng, chẳng hạn bài “Những ngày ta yêu nhau” của nhạc sĩ Phú Quang rõ ràng chưa bao giờ được xếp vào danh sách những ca khúc tiêu biểu của ông: “Những ngày ta yêu nhau, em nũng nịu trên vai anh/ Con mèo hoang đang trốn nỗi buồn dưới vòm trời mùa hè”.

Tranh: Công Quốc Hà.

Bên cạnh âm nhạc, mèo đi vào nhiều thi phẩm của người Việt từ thời trung đại tới hiện đại với nhiều biểu hiện phong phú, qua miêu tả mèo mà bộc lộ thế giới nội tâm của con người. Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ XVI) đã hơn một lần nhắc đến mèo trong thơ: “Phơ phơ đầu bạc ông câu cá/ Leo lẻo dòng xanh con mắt mèo (Mùa thu đi chơi thuyền), “Có thuở được thời mèo đuổi chuột/ Đến khi thất thế kiến tha bò” (Vô sự là hơn). Nhưng dù sao thơ trung đại nhắc đến mèo vẫn mang nhiều tính ước lệ, có phần mòn sáo. Phải đợi đến thời hiện đại, cụ thể là từ nửa đầu thế kỷ XX trở đi mới xuất hiện nhiều câu thơ hay về chú mèo.

Trong thơ Đoàn Văn Cừ, mèo là yếu tố không thể thiếu, góp phần làm cho bức tranh quê trở nên sống động, đẹp một cách thanh bình: “Ông lão nằm chơi ở giữa sân/ Tàu cau lấp loáng ánh trăng ngân/ Thằng cu đứng vịn bên thành chõng/ Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân” (Trăng hè). Sau này, vẻ đẹp ngộ nghĩnh của chú mèo trong những câu thơ giàu họa tính còn được gặp lại trong thơ Ngô Văn Phú: “Gió cù khe khẽ anh mèo mướp/ Rủ đàn ong mật đến thăm hoa” (Gió). Thơ thiếu nhi về chú mèo không thể không nhắc đến bài lục bát bốn câu nổi tiếng của Phan Thị Vàng Anh: “Hôm nay trời nắng chang chang/ Mèo con đi học chẳng mang thứ gì/ Chỉ mang một chiếc bút chì/ Và mang một mẩu bánh mì con con” (Mèo con đi học).

Thơ của Giáng Vân và Đoàn Mạnh Phương đều nhắc đến mèo hoang với những trống trải cô đơn rợn ngợp: “Đêm trú ngụ trong hồn máu ứa/ Đêm thánh thiện hát ca. Đêm nức nở/ Lũ mèo hoang gào lên. Ngõ tối. Rêu mờ” (Hoa thạch thảo - Giáng Vân), “Chuột đuổi nhau trên căn gác cũ/ Mắt mèo hoang lấp lánh như sao/ Gió như muốn gọi nhau thành bão/ Chém vào đêm những nhát ngọt ngào” (Đêm tối trời - Đoàn Mạnh Phương)…

Mèo trong thi ca Việt Nam hiện đại, ngoài việc được miêu tả như một thực thể thì thường thấy gắn với tâm sự của người nữ, hoặc đặt trong những so sánh tương quan với nữ giới nói chung. Nhưng có một lần thật đặc biệt, mèo xuất hiện như một ẩn dụ dành cho người đàn ông. Ở đó, người đọc thấy được một tình cha con đầy hy sinh và nhẫn nại, thầm lặng bước đi trong muôn vàn gian khó cuộc đời. Đó chính là mấy câu thơ của thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm mà tôi muốn dùng để tạm khép lại bài viết này: “Ta đã đi như mèo trên phố vắng/ Gọi tên con như gọi các thiên thần/ Có một nốt chưa bao giờ con biết tới/ Là nốt buồn cha đã nuốt thay con” (Nhớ ngày mai).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm Mão nói chuyện mèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO