Năm qua, xem - nghe - đọc gì?

Việt Quỳnh 02/01/2021 07:12

Không đứng ngoài xu thế chung, Văn hóa - Nghệ thuật - Giải trí trong năm qua chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid. Mặc dù trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, cách ly, không tập trung đông người, dẫn tới nhiều sự kiện bị hủy hoãn, nhưng mỗi nghệ sĩ Việt vẫn tìm cách thích ứng với hoàn cảnh mới, và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Dàn diễn viên của phim truyền hình “Tiệc trăng máu”.

1. Theo học giả Phan Cẩm Thượng, năm nay có vài triển lãm lớn: Festival nghệ thuật trẻ, Triển lãm giải thưởng đồ họa châu Á, Triển lãm Việt Nam 2020, Triển lãm điêu khắc Bắc Nam,…

“Triển lãm điêu khắc thì là chương trình của nhóm các nhà điêu khắc hai miền đất nước, vẫn phát triển đều, mở rộng về tác giả, nhưng có vẻ bắt đầu chững lại vì thiếu hẳn giao lưu quốc tế và sự phát triển nội tại của từng tác giả”.

Ông Thượng chia sẻ: “Triển lãm Festival Trẻ, năm nay ít tác phẩm hơn (xu hướng ngày càng xuống) do tình hình chung không có tài trẻ cho nghệ thuật đương đại nữa (Việt Nam đã được xếp ở kinh tế trung bình, không phải nghèo). Hầu hết các nghệ sỹ trẻ không thiết tha với triển lãm của Cục Mỹ thuật, Performance (tạm gọi là Nghệ thuật trình diễn), là không thể trình bày trước, hầu như không có nữa. Festival Trẻ năm nay chủ yếu lại là tranh tượng. Triển lãm Đồ họa châu Á, thì do Covid, ít nước tham gia, tác phẩm không nhiều tác giả không sang được. Tuy nhiên đồ họa châu Á có thể nói rất phát triển do ngành design và các khoa đồ họa nói chung ở Đông Nam Á rất mạnh, nhất là Thái Lan. Việt Nam vẫn tương đối nghèo nàn về kỹ thuật và đầu tư cho ngành đồ họa.

Triển lãm Việt Nam 2020, thì trưng bày khoảng 500 tác phẩm tranh tượng, vài sắp đặt, có 5 video art. Đối tượng chủ yếu từ 25 đến 35 tuổi là giáo viên, sinh viên, họa sỹ trong nước. Các tác giả có tên tuổi ít tham gia. Kỹ thuật nói chung khá tốt, do sự phát triển chung của học thuật và đào tạo cơ bản, nhưng nghệ thuật bắt đầu đi vào lối mòn, nhiều sáng tác theo vài chiều hướng: Môi trường, nhân quyền, đời sống sinh viên, tập thể tẻ nhạt, chủ nghĩa tả thực nhiếp ảnh và phô bày kỹ xảo”. Cũng theo quan sát của ông Phan Cẩm Thượng, nói chung trong năm nay, dịch bệnh cũng ảnh hưởng nhưng có vẻ họa sỹ vẫn vẽ đều và vẫn nhiều triển lãm cá nhân.

2. Về Phim Truyền hình, Giải thưởng VTV Awards 2020 diễn ra vào tháng 9 vừa qua với 5 đề cử ở hạng mục phim “Hoa hồng trên ngực trái”, “Sinh tử”, “Những ngày không quên”, “Nhà trọ Balanha”, “Tình yêu và tham vọng”. Đây cũng là những bộ phim truyền hình nổi bật của năm.

Trong đó, phim truyền hình “Những ngày không quên” được quay trong mùa dịch, tái hiện lại đời sống nông thôn và thành thị trong bối cảnh dịch bệnh. Kịch bản được viết bởi Biên kịch Nguyễn Thu Thủy, Trịnh Khánh Hà, đạo diễn NSƯT Danh Dũng và Trịnh Lê Phong và quy tụ hầu hết những gương mặt diễn viên được khán giả yêu thích như NSND Trung Anh, NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Tiến Quang, diễn viên Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Đình Tú, Tuấn Tú, Bảo Hân, Thanh Hương… “Sinh tử” là bộ phim truyền hình dài tập về thể loại chính luận và hình sự. Do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao thực hiện và được đạo diễn bởi NSND Khải Hưng và NSƯT Mai Hiền. Dàn diễn viên tham gia trong phim vẫn là những gương mặt điển hình như NSND Hoàng Dũng, NSND Trọng Trinh, diễn viên Việt Anh, Mạnh Trường.

Phim truyền hình “Hoa hồng trên ngực trái”.

Bộ phim truyền hình 46 tập “Hoa hồng trên ngực trái” (tên ban đầu là “Em đồng ý ly hôn”) do NSƯT Vũ Trường Khoa làm đạo diễn. Bộ phim đã dành chiến thắng trong giải thưởng VTV Awards 2020. Đây là bộ phim về cuộc sống gia đình và con đường tìm kiếm hạnh phúc của phụ nữ trong xã hội đương đại, với dàn diễn viên như Hồng Diễm, Ngọc Quỳnh, Hồng Đăng, Lương Thanh, Diệu Hương, Trọng Nhân.

Về phim điện ảnh, hai bộ phim nổi bật trong năm qua, vượt qua được khó khăn về đại dịch khi rất nhiều phòng chiếu tạm đóng cửa vì cách ly xã hội là “Ròm” và “Tiệc trăng máu”.

“Ròm” là bộ phim điện ảnh Việt Nam mang đề tài xã hội và tội phạm do Trần Thanh Huy vừa viết kịch bản vừa đảm đương vai trò đạo diễn. “Ròm” là phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên đạt giải “New Currents” (tương ứng với Phim hay nhất), tại Liên hoan Phim quốc tế Busan lần thứ 24 tại Hàn Quốc. Bộ phim ra mắt công chúng Việt Nam vào tháng 9 năm 2020.

Với “Tiệc trăng máu”, đầu tháng 12 vừa qua, nhà phát hành công bố bộ phim đã thu về 175 tỉ đồng. Với con số này, “Tiệc trăng máu” trở thành một trong ba bộ phim Việt Nam có doanh thu cao nhất từ trước đến nay.

“Tiệc trăng máu” dựa trên bản “Perfect Strangers” (2016) của Ý. “Perfect Strangers” đã lập kỷ lục Guinness khi được làm lại đến 18 bản và bản Hàn Quốc “Intimate Strangers” (2018). Nội dung phim xoay quanh trò chơi của nhóm bạn thân nhau từ nhỏ, trong bữa tiệc tân gia. Tất cả cùng công khai toàn bộ nội dung liên lạc trong điện thoại cá nhân mà mỗi người nhận được trong buổi tối đó. Dưới bàn tay phù phép cùng tài năng của đạo diễn nổi tiếng Nguyễn Quang Dũng, dàn diễn viên ngôi sao Hứa Vỹ Văn, Hồng Ánh, Kaity Nguyễn, Hứa Vỹ Văn, Kiều Minh Tuấn, Đức Thịnh đã hoàn thành xuất sắc vai đóng của mình.

“Human” của Tùng Dương.

3. Trong năm 2020, mảng Nghe - Âm nhạc cũng có những nổi trội đặc biệt - Giám đốc sản xuất Âm nhạc Chu Minh Vũ đã rất phấn khởi khi chia sẻ những ấn tượng của anh với một số chương trình âm nhạc và ca sĩ có những hoạt động nổi bật:

“Cá nhân tôi ấn tượng với sản phẩm âm nhạc mang tên “Human” của Tùng Dương và sự trở lại của Ban nhạc Bức Tường. Với Tùng Dương thì như mọi lần anh ấy ra sản phẩm mới là có cái để nghe và đồng điệu. “Human” có tính triết lý xuyên suốt và được đầu tư cẩn trọng trong từng tác phẩm. Tác phẩm anh ấy chọn lựa cũng bề thế, công phu và không phải ai cũng có đủ năng lực để thực hiện tốt được như Tùng Dương. Còn về album mới của ban nhạc Bức Tường sự trở lại đánh dấu độ tuổi 25 của ban nhạc, nhất là sau khi thủ lĩnh Trần Lập đã ra đi, thể hiện một nỗ lực cao độ của các thành viên còn lại của ban nhạc. Họ vẫn phải sáng tạo, tìm kiếm một con đường âm nhạc mới tiếp tục chinh phục khán giả mới và quan trọng hơn, tiếp tục giữ một niềm tin cho Rock Việt mà nhiều năm nay Ban nhạc Bức Tường là cánh chim đầu đàn.

Trong số các nghệ sĩ trẻ hơn, tôi ấn tượng và yêu thích Vũ Cát Tường, ban nhạc Chillies và Thịnh Suy.

Còn chương trình ghi dấu ấn rõ rệt nhất năm 2020 không thể không nhắc tới Rap Việt. Đây là một chương trình giải trí khi đem đến một thể thoại âm nhạc hiện đại nhưng vốn không được để ý nhiều tại Việt Nam là Rap và HipHop. Các nghệ sĩ của dòng này trước đây được coi là underground và có một thế giới của riêng họ. Nay họ toả sáng một cách chính thức, có tiếng nói mạnh mẽ, có thủ lĩnh và ngôi sao, công chúng thì ngày một rộng… Và nếu nhìn lại 2-3 năm trước, bolero lên ngôi và chiếm sóng truyền hình và internet, thì bước chuyển của Rap Việt với nhạc hip hop hiện đại quả là đáng nói. Nó làm thị hiếu xoay chuyển mạnh mẽ, mới mẻ và tích cực hơn”.

4. Năm 2020 - về Đọc - là một năm kinh tế buồn với tất cả các đơn vị xuất bản sách. Tuy nhiên, cuốn Tiểu luận về nhận thức nghệ thuật “Nhìn - Thấy - Yêu - Hiểu” của Nhà nghiên cứu Phê bình Mỹ thuật Nguyễn Quân được phát hành chính thức khoảng tháng 4 năm 2020, bởi Nhã Nam và NXB Thế Giới đã mang đến những tư tưởng nghệ thuật triết học mới.

Với Nhà văn Trần Nhã Thụy: “Ở khía cạnh người đọc, theo tôi, năm qua đánh chú ý là tiểu thuyết “Biên sử nước” của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi biết, cuốn tiểu thuyết này hiện đang có nhiều chiều nhận định khác nhau. Có người thích, có người chê. Thậm chí có người muốn làm “méo mó” nó. Nhưng tôi ghi nhận ở Nguyễn Ngọc Tư những đóng góp về lao động chữ. “Biên sử nước”, không phải là cuốn sách đọc để “kể lại câu chuyện”, nó là cuộc trầm luân của chữ (và bóng chữ). Tôi hi vọng sau cuốn này, Nguyễn Ngọc Tư sẽ bước đi những bước “khinh khoái” hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm qua, xem - nghe - đọc gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO