Nam thanh niên 19 tuổi vẫn chưa 'dậy thì'

P.Vân (tổng hợp) 01/03/2021 15:09

Bệnh nhân này cho biết, từ năm 10 tuổi cậu đã dừng phát triển chiều cao.

Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Dân trí, nam thanh niên N.H.T. đã 19 tuổi nhưng chỉ cao 1,5 m. Điều đáng ngại hơn là đã qua tuổi dậy thì nhưng T. vẫn không phát triển lông nách và lông mu, giọng cao, bộ phận sinh dục kém phát triển, kích thước tinh hoàn chỉ tương đương bé trai. Cũng theo chia sẻ của T., từ năm 10 tuổi, cậu đã dừng phát triển.

Lo ngại về sự phát triển bất thường của bản thân, T. đến khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để thăm khám.

Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận kết quả chụp cộng hưởng từ và nhiễm sắc thể đồ của T. hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, xét nghiệm nội tiết lại cho kết quả bệnh nhân có hormone sinh dục giảm thấp bất thường, ở mức tương đương với trẻ nhỏ, tinh dịch ít và không có tinh trùng trong tinh dịch.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc,Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính nhận định, bệnh nhân bị suy sinh dục thứ phát.

Chuyên gia này phân tích rõ hơn, suy sinh dục thứ phát là tình trạng nam giới không sản xuất đủ lượng hormone testosterone để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bình thường những đặc tính sinh dục nam trong giai đoạn dậy thì. Tình trạng này dẫn đến chậm hoặc không dậy thì ở trẻ nam.

Suy sinh dục nam có thể xuất hiện trong quá trình phát triển của thai nhi, tại thời điểm trước tuổi dậy thì hoặc có thể là ở tuổi trưởng thành.

Suy sinh dục nam là tình trạng không nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên lại ảnh hưởng nặng nề đến tâm sinh lý và sức khỏe sinh sản.

Theo Bác sĩ Bắc, vấn đề nguy hiểm nhất là khả năng sinh sản của bệnh nhân suy sinh dục kém, có thể vô sinh.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo trẻ đến tuổi dậy thì cần được theo dõi, quan tâm về thể chất và tâm lý. Bố mẹ cũng cần chú ý quan sát để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường ở trẻ, từ đó có thể đưa con đi khám và điều trị sớm.

Ảnh minh họa.

Theo Vnexpress, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Loan, (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết dậy thì là giai đoạn phát triển từ trẻ em sang người trưởng thành, được bắt đầu từ 10 tuổi đến 19 tuổi. Trong độ tuổi này lại chia thành 3 giai đoạn khác nhau:

– Giai đoạn 1: 10-14 tuổi,

– Giai đoạn 2: 14-16 tuổi,

– Giai đoạn 3: 16-19 tuổi.

Mỗi giai đoạn lại có một sự thay đổi về tâm sinh lý khác nhau.

Bác sĩ Minh Loan cho biết, để nhận biết con đang bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì, điều đầu tiên bố mẹ cần chú ý đến là sự phát triển về thể chất. Trong giai đoạn dậy thì, dưới tác động của các hormone tăng trưởng và hormone sinh dục, cơ thể trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ cả về chiều cao và cân nặng. Đồng thời xuất hiện các đặc tính sinh dục thứ phát tạo ra sự khác biệt về vóc dáng cơ thể giữa trẻ nam và trẻ nữ. Thông thường, các trẻ em nữ sẽ dậy thì sớm hơn trẻ em nam từ 1 đến 2 năm.

Một số nguyên nhân gây dậy thì muộn

Nguyên nhân gây dậy thì muộn ở bé gái

Vấn đề ở buồng trứng: Suy buồng trứng sớm (do phóng xạ điều trị bệnh bạch cầu và một số loại ung thư hoặc mắc hội chứng Turner - bệnh mất đi một phần hoặc toàn bộ nhiễm sắc thể X ở nữ giới), thiếu hormone tuyến yên (LH, và FSH), cơ thể không sản sinh hormone tăng trưởng đều là nguyên nhân gây dậy thì muộn ở trẻ nữ;

Thể chất: Một số bé gái dậy thì muộn do cơ thể trưởng thành muộn hơn so với bạn bè đồng trang lứa;

Di truyền: Trẻ bị dậy thì muộn có thể do di truyền từ cha hoặc mẹ;

Lượng mỡ trong cơ thể giảm đi: Dậy thì muộn thường xảy ra ở những bé gái hay vận động (chuyên viên thể dục, vũ công múa ba lê, tuyển thủ bơi lội), những trẻ mắc chứng chán ăn tâm lý hoặc người mắc bệnh kinh niên - có hàm lượng chất béo thường xuyên bị giảm so với khối lượng mỡ trong cơ thể.

Nguyên nhân gây dậy thì muộn ở bé trai

Di truyền: Khoảng 70% trường hợp dậy thì muộn ở bé trai là do di truyền từ bố mẹ;

Mắc bệnh mạn tính: Những bé trai mắc các bệnh mạn tính như viêm đại tràng, thiếu máu hồng cầu liềm hoặc xơ nang thường dễ bị dậy thì muộn;

Thiếu hụt hormone: Một số bé trai bị dậy thì muộn do chứng thiếu hụt hormone điều hòa tuyến sinh dục riêng biệt (IGD) biểu hiện ở tình trạng thiếu hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Tình trạng này thường xuất hiện ngay từ khi sinh ra, bé trai mắc phải đều có dương vật nhỏ bất thường;

Vấn đề ở tinh hoàn: Các khiếm khuyết ở tinh hoàn, tinh hoàn quá nhỏ, đã từng phẫu thuật ở tinh hoàn hoặc phẫu thuật điều trị ung thư có thể là nguyên nhân khiến bé trai bị dậy thì muộn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam thanh niên 19 tuổi vẫn chưa 'dậy thì'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO