Nan giải lấn chiếm kênh rạch

ĐOÀN XÁ 24/02/2023 06:37

Chính quyền TP Hồ Chí Minh vừa lên kế hoạch cắm mốc ranh giới hành lang để phân định không gian của 59 tuyến sống, kênh chính trên địa bàn với chiều dài hơn 550km với mục đích ngăn chặn tình trạng lấn chiếm ven bờ.

Việc cắm mốc này sẽ giúp xử lý các hành vi lấn chiếm, bảo vệ không gian ven sông và quỹ đất khi thực hiện các công trình giao thông công cộng, công trình thoát nước, đường điện... Theo nhiều ý kiến, việc cắm mốc hành lang ven sông, kênh ở TPHCM là cần thiết và quan trọng nhưng khá muộn. Bởi nhiều năm qua, tình trạng lấn chiếm, sử dụng hành lang kênh rạch đã diễn ra phổ biến và ở gần như tất cả các sông kênh trên địa bàn, với nhiều mức độ khác nhau.

Nằm cạnh những tòa chung cư cao tầng, ở ngay khu trung tâm quận 4 là những dãy nhà lụp xụp, hầu hết lợp tôn và được xây dựng trên mặt nước của các tuyến rạch Ông Lớn, rạch Xáng, rạch Bàng... Tình trạng hàng nghìn căn nhà xây lấn ngay trên mặt nước chứ không phải ở hành lang bảo vệ kênh rạch ở khu vực này thực tế không hề xa lạ mà đã diễn ra hàng chục năm qua.

Tuy nhiên, đây không phải là khu vực duy nhất bởi nhiều tuyến kênh, rạch, sông khác ở TPHCM cũng xảy ra tình trạng tương tự, với quy mô và mức độ khác nhau. Như tuyến rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) cũng nằm ở trung tâm, được lên kế hoạch cải tạo khoảng 20 năm qua nhưng không thể thực hiện được vì vướng nhiều căn nhà lấn chiếm ven mặt nước của rạch. Việc lấn chiếm này là bài toán nan giải cho chính quyền địa phương và cũng là nguyên nhân chính khiến rạch Xuyên Tâm biến thành “rạch chết” bởi ô nhiễm môi trường, rác thải, tù đọng nước...

Ngoài tình trạng lấn chiếm rõ ràng và kéo dài như một số khu vực kể trên, dọc các tuyến sông, kênh, rạch ở TPHCM còn bị lấn chiếm làm quán ăn, nhà hàng, quán cà phê theo hình “view sông”. Việc lấn chiếm này cũng rất phổ biến, có nhiều công trình tạm bợ nhưng gây ảnh hưởng nhiều tới dòng chảy chính. Tình trạng này cũng nan giải không kém bởi thời gian qua, thành phố không có một hành lang bảo vệ sông ngòi, kênh, rạch đủ mạnh khiến những hộ dân sinh sống gần sông có điều kiện lấn chiếm. Đặc biệt thời gian tới, khi những dự án hạ tầng liên quan tới khu vực ven sông, kênh, rạch được thực hiện sẽ rất khó khăn để giải tỏa và lấy lại quỹ đất.

Thời gian qua, TPHCM đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để “hồi sinh” những dòng sông, kênh như Tham Lương - Bến Cát, Xuyên Tâm... mà điều khá đặc biệt là một phần đáng kể số vốn ở trên dành cho việc giải phóng, đền bù những công trình từng lấn chiếm hành lang sông, ven kênh, rạch nhiều năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải lấn chiếm kênh rạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO