Nan giải nạn vi phạm sở hữu trí tuệ

Thành Luân 13/08/2016 09:10

Kiểm tra trên 38.000 vụ về hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong năm 2015, lực lượng quản lý thị trường các địa phương phát hiện tới trên 25.000 vụ vi phạm. Thực trạng nêu trên được đưa ra tại buổi tọa đàm “Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của báo chí” Cục SHTT (Bộ KH-CN) phối hợp cùng Dự án JICA (Nhật Bản) tổ chức vào ngày 12/8 tại TP HCM.

Huế đăng ký thương hiệu “Bún Bò Huế” đang tạo nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến quyền SHTT.

Nhiều hình thức vi phạm sở hữu trí tuệ

Luật sư Lê Xuân Lộc cho biết, thời điểm từ đầu năm 2016 đến nay vẫn tiếp tục phát hiện thêm hàng ngàn vụ vi phạm quyền SHTT, gây nhức nhối, bức xúc trong xã hội. Thêm vào đó, một thực trạng hết sức báo động khi các hành vi vi phạm quyền SHTT có dấu hiệu ngày càng tăng trong những năm gần đây. Không chỉ dẫn đến thiệt hại cho các doanh nghiệp, thương hiệu, nhãn hiệu, mà còn đặt Việt Nam vào thách thức vô cùng lớn khi đồng thời phải thực hiện các cam kết chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia đầu tư vào trong nước.

Theo Luật sư Lộc, các hành vi vi phạm quyền SHTT điển hình như chiếm đoạt quyền, mạo danh tác giả; Công bố, phân phối mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu; cắt xén, sửa chữa, xuyên tạc đối tượng được bảo hộ; sử dụng dấu hiệu trùng, tương tự gây nhầm lẫn; tiếp cận, thu thập, sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh được bảo hộ và nhiều các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác.

Hiện nay, các hành vi vi phạm quyền SHTT được quy định xử phạt chặt chẽ bởi các Điều 28, 35, 126, 127, 129, 130 (Luật SHTT), tuy nhiên báo cáo của cả 3 cơ quan quản lý về quyền SHTT cho thấy tình trạng vi phạm vẫn không thể kiểm soát. Cụ thể, kiểm tra trên 38.000 vụ về hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) riêng trong năm 2015, lực lượng quản lý thị trường các địa phương phát hiện tới trên 25.000 vụ vi phạm.

Còn Thanh tra Bộ KH-CN tổ chức 64 cuộc thanh tra riêng về sở hữu công nghiệp thì cũng phát hiện xử lý 40 cơ sở vi phạm; tịch thu hàng ngàn sản phẩm giả mạo; loạt bỏ yếu tố xâm phạm 73.000 sản phẩm; buộc tiêu hủy 17.000 vật phẩm xâm phạm… Trong khi đó, Hải quan các địa phương đưa ra con số đáng báo động hơn khi tính cả buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT thì đã xử lý tới 19.360 vụ việc vi phạm; khởi tố 27 vụ án hình sự và chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 87 vụ.

Ông Nguyễn Văn Bảy- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo (Cục SHTT) đưa ra dẫn chứng về một vụ việc điển hình trong những ngày gần đây, đó là việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho đăng kí chứng nhận nhãn hiệu “Bún bò Huế” có kèm theo logo riêng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là việc nên làm nhằm bảo vệ thương hiệu, cũng như tên gọi của một món ăn đặc sản và khá phổ biến ở Việt Nam, đồng thời cũng là một cách làm thương hiệu và tránh trường hợp bị vi phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, dư luận cũng dấy lên các ý kiến trái chiều khi hàng ngàn hộ kinh doanh “Bún Bò Huế” trên cả nước đứng trước nguy cơ vi phạm về quyền SHTT. Trong khi đó, “Bún bò Huế” từ lâu đã trở thành món ăn truyền thống, thuộc sở hữu chung của dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, tranh luận về bản quyền thương hiệu “Bún Bò Huế” vẫn chưa có hồi kết.

Vì sao vi phạm sở hữu trí tuệ còn “đất sống”?

Ông Phạm Văn Toàn – Phó chánh Thanh tra Bộ KH-CN cho biết, hiện nay việc xử lý các vi phạm về quyền SHTT thông qua 4 biện pháp thực thi cơ bản là dân sự, hình sự, hành chính và biên giới. Trong các giải pháp này thì các cơ quan thực thi quyền SHTT thường xuyên sử dụng biện pháp hành chính và dân sự.

Theo đó, các phán quyết của cơ quan tòa án đảm bảo thực thi việc buộc chấm dứt hành vi vi phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa;…

Tuy nhiên, ông Toàn cũng thừa nhận thực tế việc phát hiện, xử lý các vi phạm về quyền SHTT là hết sức khó khăn. Một phần do nhận thức của công chúng còn hạn chế, nhưng chính năng lực của cán bộ thực thi cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi, cơ quan quản lý và cơ quan giám định cũng chưa tốt.

Từ những bất cập còn tồn tại, ông Lê Ngọc Lâm– Phó Cục trưởng Cục SHTT cho rằng, đã đến lúc cần thiết phải có các hoạt động trong việc nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp khi thực trạng vi phạm về quyền SHTT đang trở nên gia tăng và phức tạp hơn trong những năm gần đây.

Ông Lâm cũng nhấn mạnh về giải pháp nâng cao nghiệp vụ đối với các cán bộ thuộc các cơ quan thực thi quyền SHTT, cũng như sự vào cuộc của các cơ quan báo chí trong việc phát hiện, tuyên truyền, nâng cao nhận thức nói chung trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Bảy thì nhìn nhận, để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm SHTT thì báo chí phải là kênh tham gia tích cực, cùng với quá trình các cơ quan chức năng thực thi quyền SHTT. Bởi vì, nhà báo không phải là chuyên gia SHTT nhưng lại thường xuyên “đụng” đến các vấn đề SHTT thông qua các tác phẩm báo chí.

Theo ông Bảy, các cơ quan thực thi quyền SHTT ngoài thực thi nhiệm vụ của mình thì trong công tác tuyên truyền chỉ có thể thông qua việc tổ chức các tọa đàm, hội thảo, hội nghị, nhưng lại hạn chế trong việc mở rộng phạm vi ra nhiều các đối tượng người dân. Trong khi đó các cơ quan báo chí là công cụ rất đặc biệt để đưa thông tin đến gần nhất với từng tầng lớp nhân dân.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các cơ quan Quản lý thị trường, Thanh tra Bộ KH-CN, Hải quan, Cục SHTT cũng đã bàn thảo các giải pháp trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT và báo chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải nạn vi phạm sở hữu trí tuệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO