Nan giải xử lý rác từ biển

Nguyễn Chung 17/02/2023 06:54

Với địa hình bờ biển vòng cung như chiếc vịnh nhỏ, bờ biển huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa nằm giữa hai cửa lạch: Lạch Sung và Lạch Trường. Hàng ngày, dải bờ biển này phải hứng chịu một lượng lớn rác thải từ ngoài biển trôi dạt vào bờ. Mặc dù, chính quyền và người dân đã rất nỗ lực trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng vẫn chỉ như muối bỏ bể.

Các xã ven biển của huyện Hậu Lộc đang gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý rác thải từ biển.

Hàng nghìn tấn rác đổ bộ

Xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc) có bờ biển kéo dài 1,5km nhưng lượng rác thải trôi dạt từ biển đổ bộ vào đây mỗi năm lên đến hàng nghìn tấn.

Theo quan sát của phóng viên, dọc đê biển, rác thải hiện hữu ngay trên tuyến đê khi thủy triều rút. Từ nilon, vỏ chai nhựa,... ngập ở cống nước thải từ các khu dân cư chảy ra. Rác nằm xen lẫn với tàu thuyền, vương vào các bãi đá...

Theo người dân nơi đây, đã nhiều năm nay gần như không còn tình trạng người dân đổ thải ra biển như trước, do ý thức của bà con trong giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng lên. Bên cạnh đó còn do UBND xã Ngư Lộc đã có hợp đồng với đơn vị vận chuyển, thu gom rác. Tuy nhiên rác từ biển trôi dạt vào sau mỗi lần thủy triều dâng rất nhiều, gây ô nhiễm tuyến đê biển, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con.

Ông Nguyễn Văn Bình - một người dân trú tại xã Ngư Lộc cho biết: Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, trước hết là do thiếu ý thức của một bộ phận chủ tàu, thuyền viên khi đánh bắt xa bờ đã xả rác ra môi trường biển. Nguồn rác này chủ yếu là túi nilon, vỏ chai nhựa. Bên cạnh đó, một lượng lớn rác thải từ thượng nguồn các con sông đổ về hạ lưu Lạch Sung, Lạch Trường rồi cuộn theo dòng chảy dồn ứ đẩy vào bờ biển các xã Ngư Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc.

“Mặc dù chính quyền các địa phương cũng như người dân thường xuyên tổ chức thu gom rác ven biển, song khối lượng rác tồn đọng lớn, đòi hỏi phương tiện, máy móc để xử lý” - ông Bình cho biết thêm.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do rác thải trên bờ biển, UBND xã Ngư Lộc cũng thường xuyên vận động, tuyên truyền nhắc nhở, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc thu gom chất thải rắn phát sinh và vệ sinh sạch sẽ khu vực sơ chế hải sản. Ngoài ra, tại khu vực dọc tuyến đê biển, UBND xã đã giao các đoàn thể (Hội Liên hiệp phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân) chịu trách nhiệm tự quản về môi trường, định kỳ hàng tháng UBND xã tổ chức phát động người dân tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường dọc tuyến đê biển.

Còn tại xã Đa Lộc, thực trạng rác thải tồn ứ tại rừng chắn sóng cũng như tại khu vực cửa cống Ba Gồ gây ô nhiễm môi trường cũng đang khiến địa phương khá “đau đầu”. Ông Bùi Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết, Đa Lộc có hơn 4km đường bờ biển, lượng rác thải từ biển đổ dồn vào bờ mỗi năm lên tới hàng chục tấn. Mỗi khi thủy triều lên, rác thải từ biển đẩy vào vướng vào rừng chắn sóng, bãi đá, cửa cống tiêu thoát Ba Gồ. Lượng rác tồn đọng lớn, xử lý không kịp thời gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Nan giải xử lý

Được biết, để giải quyết vấn đề rác thải, UBND huyện Hậu Lộc đã ban hành nhiều chính sách cũng như đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường. Để khuyến khích xây dựng các lò xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt, HĐND huyện ban hành nghị quyết về việc hỗ trợ cho các xã có lò đốt áp dụng công nghệ trong nước là 300 triệu đồng; công nghệ nhập ngoại là 1 tỷ đồng. Đã có 3 xã được hỗ trợ là xã Phú Lộc, Đại Lộc và Hòa Lộc.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, các mô hình lò đốt rác này bộc lộ nhiều hạn chế từ công nghệ đến công suất xử lý, hiệu quả không như kỳ vọng. Sau một vài năm hoạt động, đến thời điểm hiện tại đã có 2/3 mô hình (lò đốt rác xã Hòa Lộc và Đại Lộc) đã phải ngừng hoạt động. Trong khi đó, huyện đã quy hoạch một nhà máy xử lý rác thải quy mô lớn cho 5 xã ven biển tại xã Minh Lộc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại việc kêu gọi nhà đầu tư cũng như triển khai dự án vẫn dậm chân tại chỗ.

Với thực trạng các nhà máy, dự án xử lý rác thải gặp khó, rõ ràng để xử lý một lượng rác khổng lồ trôi dạt từ biển là điều không dễ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Năm - Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết, lượng rác thải lớn, mỗi lần xử lý lên tới hàng trăm tấn, với chi phí cả trăm triệu đồng. Hàng năm, UBND xã phải trích 50 triệu đồng, cùng với nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường (khoảng 20 - 30 triệu đồng/năm) để huy động máy móc, phương tiện vận chuyển rác.

Để có thêm nguồn kinh phí, hàng năm, UBND xã đều có tờ trình báo cáo gửi UBND huyện xin hỗ trợ. Đơn cử từ nguồn kinh phí huyện hỗ trợ 250 triệu đồng cuối năm 2021, UBND xã Ngư Lộc đã chia thành 2 đợt thu gom, vận chuyển rác thải ven biển (tháng 4 và tháng 8/2022). “Hiện tại, chúng tôi cũng mới có tờ trình gửi UBND huyện xin hỗ trợ nguồn kinh phí. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề, theo tôi cần có nguồn kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động thu gom, xử lý, cũng như có một đơn vị chuyên trách riêng biệt đảm nhận” - ông Năm cho biết.

Theo ông Bùi Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc thì do khó khăn về nguồn kinh phí, hiện tại xã mới chỉ thực hiện việc thu gom và xử lý bằng hình thức đốt một phần lượng rác thải. Để xử lý nguồn rác tồn đọng phải có máy móc, phương tiện vận chuyển. Việc này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn lên tới hàng trăm triệu đồng, vượt quá khả năng của xã.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải xử lý rác từ biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO