Nạn khai thác vàng trái phép vẫn lộng hành - Bài 2: Bức tử những dòng sông

Tấn Thành - Chí Đại 25/03/2022 15:00

Tình trạng khai thác vàng trái phép không chỉ ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu mà còn diễn ra dọc theo chiều dài của con sông Bồng Miêu thuộc huyện Phú Ninh và sông Quế Phương của huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), khiến nguồn nước tự nhiên bị “đầu độc” ô nhiễm nghiêm trọng.

Một đoạn sông Quế Phương nước có màu vàng đục ngầu.

Theo đó, tình trạng khai thác vàng trái phép và quá trình xử lý tuyển vàng, đất đá, nước hóa chất đã chảy thẳng ra các con suối rồi đổ xuống dòng sông Bồng Miêu, sông Quế Phương. Chưa hết, do 2 con sông này dài, địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn nên nhiều đối tượng lợi dụng lén lút khai thác vàng trái phép rồi xả thải đục ngầu ra sông, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân nơi đây.

Ông Võ Văn T. trú xã Tam Lãnh cho hay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 không có người thuê đi làm nên ông thất nghiệp. Vì vậy, ông cùng vợ ra bờ sông Bồng Miêu để đào đất đá đãi tìm vàng. Ông cho biết, công việc này rất nặng nhọc, đòi hỏi phải có sức khỏe, còn phải thường xuyên chạy trốn khi bị lực lượng chức năng truy quét.

“Để đãi được vàng, trước hết phải đào đất đá lẫn quặng rồi chất vào máng, dùng máy hút nước dưới sông lên xả mạnh để trôi đi đất đá còn lại quặng vàng. Tuy nhiên, lượng vàng làm kiểu này thu được rất ít, mỗi ngày tôi chỉ kiếm được gần 200.000 đồng. Có người ủ bằng hóa chất thì cho thu nhập cao hơn nhưng rất độc hại” - ông T. chia sẻ.

Ông Nguyễn A. - người dân địa phương cho rằng, người dân đãi vàng bằng máng đã khiến dòng sông đục ngầu, nhưng kinh sợ nhất là tuyển vàng bằng hóa chất sẽ khiến nước sông ô nhiễm nặng nề, hệ sinh thái dưới sông như tôm, cua, cá bị chết hoặc bị nhiễm các loại chất độc từ hoạt động khai thác vàng.

“Ngày xưa cá, tôm nhiều lắm bây giờ trở nên khan hiếm rồi. Những hộ dân sinh sống gần dòng sông như tôi lo sợ nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng dẫn đến nguy cơ dễ mắc các loại bệnh tật” - ông A. nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị B. - trú xã Tiên Lập cho biết: “Mấy tháng qua, nguồn nước sông Quế Phương bị vàng đục, nguyên nhân là do quá trình tuyển vàng họ đã xả thẳng nước thải ra sông. Thò chân xuống dưới sông là ngứa không chịu nổi, chúng tôi không dám cho trâu bò uống nước sông, không dám thả lưới bắt tôm cá dưới sông ăn, vì sợ nhiễm chất độc hại. Chính quyền phải làm sao để trả lại nguồn nước sạch cho con sông, điều đó không chỉ đảm bảo sức khỏe của người dân mà còn cho việc chăn nuôi phát triển kinh tế”.

Qua quá trình xâm nhập thực tế, chúng tôi nhận thấy tại các bãi khai thác vàng trái phép, dọc các khe suối ở khu vực Đồi Sim, Thác Trắng, nước vàng đục, đậm đặc chảy thẳng ra sông Bồng Miêu. Còn dọc bờ sông Bồng Miêu và sông Quế Phương, nhiều nơi đang khai thác vàng trái phép.

Tại những rừng keo gần bờ sông Quế Phương và Bồng Miêu, có rất nhiều lều bạt, hồ xái quặng mới và cũ bốc mùi hóa chất nồng nặc và rác thải nhựa như ống dây, bạt, đồ đạc phục vụ công việc tuyển vàng vứt bỏ bừa bãi.

Ông Đình Văn Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho rằng, việc khai thác vàng trái phép dọc bờ sông Bồng Miêu diễn ra nhiều năm qua, khiến nguồn nước sông bị ô nhiễm và từng xảy ra hiện tượng cá chết trên dòng sông này. Lãnh đạo địa phương đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng tổ chức truy quét để lập lại trật tự, đảm bảo môi trường trong sạch. Thế nhưng vẫn còn tình trạng này.

Còn ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về việc dòng sông Quế Phương bị ô nhiễm. Chính quyền huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đi kiểm tra và khẳng định, nguyên nhân là do hoạt động khai thác vàng trái phép.

“UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với UBND xã Tiên Lập tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý một số điểm khai thác vàng trái phép tại xã Tiên Lập giáp ranh xã Tam Lãnh. Tuy nhiên, hoạt động khai thác vàng tại xã Tam Lãnh mới là nguyên nhân chính dẫn đến việc sông Quế Phương bị ô nhiễm” - ông Anh nói.

Được biết, UBND huyện Tiên Phước cũng đã có văn bản gửi Sở TNMT, UBND tỉnh Quảng Nam phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường của dòng sông Quế Phương trong thời gian qua và UBND tỉnh cũng đã có Văn bản chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với Sở TNMT và các đơn vị liên quan xử lý hoạt động khai thác vàng trái phép.

Nếu chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt, cứ để tình trạng khai thác vàng xả thải trực tiếp ra sông thì dòng sông Bồng Miêu và Quế Phương khó có thể phục hồi và sẽ trở thành những con sông “chết”. Vì sức khỏe người dân, vì hệ sinh thái dưới dòng sông cần sớm có những kế sách để cứu 2 dòng sông này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nạn khai thác vàng trái phép vẫn lộng hành - Bài 2: Bức tử những dòng sông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO