Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu đi lại, thăm thân của người dân tăng cao, đặc biệt người ở nước ngoài muốn về quê ăn Tết nhưng lại ngại cách ly, sẽ làm gia tăng tình trạng nhập cảnh trái phép.
Các chuyên gia y tế cho rằng, cần quản lý chặt chẽ hơn ở khu cách ly, quản lý chặt người nhập cảnh để SARS-CoV-2, trong đó có chủng biến thể mới, không lọt ra ngoài cộng đồng.
Các chuyên gia y tế cho rằng, việc bệnh nhân 1435 được phát hiện nhiễm chủng SARS-CoV-2 biến thể VOC 202012/01 là một trong những dấu hiệu cho thấy công tác kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Với ca bệnh trên các chuyên gia khẳng định không gây nguy hiểm cho cộng đồng vì được cách ly tốt, nhưng biến chủng mới gây nhiều lo ngại trong bối cảnh cận Tết Nguyên đán. Công tác kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam vì thế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nhìn nhận, chủng mới của SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh có khả năng lây truyền mạnh hơn rất nhiều so với chủng virus trước đây, nhưng độc lực không thay đổi. Cụ thể, chủng mới này có khả năng bám chặt vật chủ nhiều hơn so với chủng cũ nên khả năng nhiễm bệnh và lây truyền sớm hơn dù người bệnh có tải lượng virus thấp. Chủng SARS-CoV-2 trước đây thường mất khoảng 5 ngày để có khả năng lây bệnh, còn chủng mới chỉ mất 3 ngày. Các chuyên gia y tế cho rằng, công tác cách ly và điều trị chủng mới không khác gì so với các bệnh nhân Covid-19 trước đó, điểm khác là phải quản lý chặt chẽ hơn ở khu cách ly, quản lý chặt người nhập cảnh để virus không lọt ra ngoài cộng đồng. Đặc biệt, những ngày cận Tết Nguyên đán sẽ có nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép. Nếu các trường hợp này không được phát hiện kịp thời, thì khả năng lây lan trong cộng đồng rất cao, nhất là khi họ nhiễm bệnh bởi biến chủng của SARS-CoV-2.
Còn theo ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận có tốc độ và khả năng lây lan rất nhanh, nhất là khi nó xuất hiện trong cộng đồng. Khi một cộng đồng có nhiều người cùng mắc bệnh, khả năng họ vào bệnh viện và lây nhiễm tại đây rất cao. Trong khi đó, bệnh viện là nơi khá nhạy cảm, nhiều bệnh nhân nặng, miễn dịch kém. Khi biến chủng này xuất hiện trong bệnh viện, công tác kiểm soát và điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay đã có hơn 40 quốc gia đưa ra lệnh hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cấm các chuyến bay đến - đi từ Anh và các quốc gia có ghi nhận biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Theo đó, Đức, Hà Lan, Bulgaria là các quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới với Anh; Pháp bắt buộc hành khách cách ly triệt để và có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Bộ Y tế cũng cho biết, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm nhập cảnh đối với người đến từ Anh đến hết tháng 1/2021. Hoa Kỳ và phần còn lại của châu Âu đã giảm số chuyến bay đến và đi từ Anh. Tại châu Á, Nhật Bản đã cấm nhập cảnh đối với người từ tất cả các quốc gia trên thế giới đến hết tháng 1/2021, Indonesia cấm nhập cảnh đối với người đến từ Anh.
Chính vì vậy, nhằm tiếp tục khống chế và kiểm soát dịch, Bộ Y tế vừa ban hành Chỉ thị 26/CT-BYT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong đợt cao điểm từ nay đến Tết, đặc biệt trong công tác kiểm soát nhập cảnh. Bộ Y tế đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng và các cơ quan liên quan dừng tổ chức và hạn chế cấp phép các chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có lây nhiễm chủng biến thể virus SARS-CoV-2.
Cùng đó, nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho chuyên gia, công dân Việt Nam nhập cảnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức 5 đoàn thực hiện kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly và giám sát y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với chuyên gia (người thân), công dân Việt Nam nhập cảnh tại các địa phương. Thời gian kiểm tra, làm việc từ ngày 4/1-22/1. Các Đoàn kiểm tra làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, thành phố về công tác quản lý nhập cảnh, cách ly và giám sát y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với chuyên gia, công dân Việt Nam nhập cảnh. Kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, khai báo y tế tại cửa khẩu, cách ly và giám sát y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với chuyên gia (và người thân), công dân Việt Nam nhập cảnh.
Từ nay đến Tết Nguyên đán nhu cầu đi lại của người dân tăng rất cao, đặc biệt người Việt ở nước ngoài muốn về quê ăn Tết, sẽ làm gia tăng nguy cơ lây dịch Covid-19. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, các chuyên gia kiến nghị, trước tiên là phải tăng cường lực lượng chốt chặn ở các tuyến biên giới. Từ đầu năm 2020, Bộ đội Biên phòng đã triển khai 1.600 tổ chốt ở các tuyến biên giới, vào trong nội địa có lực lượng Công an kiểm soát. Cho nên, từ nay đến Tết Nguyên đán, các lực lượng này cần tiếp tục duy trì và bố trí thêm lực lượng tuần tra kiểm soát ở tuyến biên giới, đặc biệt là đường mòn, lối mở của biên giới phía Bắc, Tây Nam để kịp thời phát hiện, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, hoặc các đường dây, ổ nhóm đưa người xuất nhập cảnh trái phép. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương có tuyến biên giới đường bộ, tuyến đường biển cần phải tăng cường trách nhiệm lên cao hơn nữa, tuyên truyền đến mọi gia đình có những người thân ở nước ngoài, nếu có nhu cầu về nước phải theo con đường chính thống, hợp pháp, thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, không thể vì ngại cách ly mà gây nguy hiểm cho cộng đồng. Bảo đảm cho người dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu an lành, ngành Y tế nhanh chóng chuẩn bị kịch bản ứng phó với tất cả các tình huống, đặc biệt là tình huống xấu, bất ngờ.
Kiểm soát, phòng bệnh do chủng SARS-CoV-2 mới, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt thông điệp “5K” của Bộ Y tế là “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”. Tuy nhiên, vì khả năng lây lan của chủng mới rất mạnh nên chúng ta cần tuân thủ “5K” nghiêm túc hơn, triệt để hơn với cường độ cao hơn (ở mọi nơi) thì sẽ khống chế được chủng mới của SARS-CoV-2. Người dân cần bình tĩnh, chủ động tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, phải phối hợp với ngành y tế và các lực lượng chức năng khi cần thiết. Phải đảm bảo mỗi người, mỗi gia đình, mỗi khu phố, mỗi thành phố… cùng chống dịch.
Giảm căng thẳng, trầm cảm do đại dịch kéo dài
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều người lo lắng. Thêm vào đó, các biện pháp phòng dịch như giãn cách xã hội, cách ly khiến người ta cảm giác bị cô lập, cô đơn và gia tăng lo âu. Căng thẳng liên quan đến vấn đề dịch bệnh có thể dẫn đến một số tình trạng sợ và lo lắng về sức khỏe của bản thân và người thân, về tình hình tài chính và công việc hoặc mất đi các dịch vụ hỗ trợ cần thiết. Nhiều người sẽ bị thay đổi thói quen ăn và ngủ, khó ngủ hoặc khó tập trung. Tình trạng này có thể làm tệ đi các vấn đề sức khỏe mạn tính hoặc sức khỏe tinh thần. Một số người gia tăng sử dụng thuốc lá, bia rượu và các chất khác. Điều này khiến họ rất dễ tổn thương khi đối diện với căng thẳng, thậm chí là tự tử.
Theo CDC Hoa Kỳ, có nhiều cách để bảo vệ một người khỏi ý định và hành vi tự tử. Việc nhận được hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng, cảm thấy được kết nối và được cố vấn, trị liệu sẽ giúp nhiều người giảm được tình trạng nghĩ quẩn. Đối với tất cả mọi người, để giảm căng thẳng trong đại dịch, ngoài chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm lý thật tốt, CDC khuyên đôi khi nên ngừng xem, đọc, nghe tin tức về đại dịch, bao gồm cả trên mạng xã hội. Việc nghe quá nhiều thông tin về đại dịch có thể gây cảm xúc tiêu cực. Đối với những người mắc các bệnh tâm lý trước đó hoặc rối loạn sử dụng chất kích thích, điều cần thiết là họ phải tiếp tục được điều trị và nhận thức được các triệu chứng mới hoặc khi bệnh trạng trở xấu. Trong trường hợp phát hiện những bất thường, hăy sớm liên hệ với các trung tâm chăm sóc sức khỏe.