Ngày 13/7, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban cán sự Đảng TAND tối cao và Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác Dân vận trong hoạt động hòa giải.
Tham dự Hội nghị có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng; Chánh án TAND tối cao; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; ông Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương và đại biểu tại 63 điểm cầu tại địa phương.
80,6% vụ việc được hòa giải thành công
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, hơn 20 năm qua, với sự tham gia tích cực của MTTQ Việt Nam, ngành Tư pháp, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Con số gần 100.000 tổ hòa giải cơ sở, 600.000 hòa giải viên, gần 900.000 vụ, việc đã được tiến hành hòa giải trong 5 năm qua với tỷ lệ 80,6% hòa giải thành mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc, không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh, mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, thắt chặt tình cảm, góp phần cho sự bình yên, ổn định, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa bàn dân cư.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết, đến nay, với Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và hoạt động của hòa giải viên lao động, trọng tài lao động trong quy định của Bộ luật Lao động góp phần giải quyết tranh chấp lao động, cùng với các cơ chế hòa giải, đối thoại được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... hoạt động hòa giải đã bao quát hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội.
Nhắc tới những mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, “Tổ hòa giải điển hình tiên tiến”, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, các tổ hòa giải, hòa giải viên tiêu biểu ở nhiều nơi đã khẳng định không vận động tốt không thể hòa giải có hiệu quả.
Quá trình hòa giải là quá trình tuyên truyền, vận động chính sách, pháp luật; nêu cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, ý thức chấp hành pháp luật; gắn với lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; tạo sự đồng thuận, tích cực hòa giải để tìm được tiếng nói chung, giải tỏa được vướng mắc, mâu thuẫn.
“Quá trình đó cũng là quá trình phối hợp nhịp nhàng giữa MTTQ Việt Nam, ngành Tư pháp, Tòa án nhân dân, các cơ quan, tổ chức với chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở, cùng với việc quan tâm xây dựng, động viên đội ngũ hòa giải viên có uy tín, kiến thức, kinh nghiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải có hiệu quả”, bà Trương Thị Mai khẳng định.
Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong công tác hòa giải
Đề cập đến việc phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam, các thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh, trong các văn kiện của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam, Luật Hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Thời gian qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở tại các địa phương nhìn chung được triển khai có hiệu quả. 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 6 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đến nay các địa phương đã tiếp nhận tổng số 875.573 vụ việc, trong đó hòa giải thành: 707.945 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,85%; hòa giải không thành: 167.628 vụ việc. Nhiều địa phương có tỷ lệ hòa giải thành rất cao như Hậu Giang đạt 91,79%; Khánh Hòa: 92,54%...
Đây là một kết quả đáng ghi nhận của công tác hòa giải ở cơ sở, nhiều tranh chấp, mâu thuẫn trong sinh hoạt, tranh chấp trong đất đai được giải quyết ngay từ cơ sở, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân. Đồng thời, thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã kịp thời được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cộng đồng dân cư.
“Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, kết hợp đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các chương trình phối hợp giữa MTTQ với các cơ quan, ban, ngành đã nhân lên những giá trị đạo đức tốt đẹp tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích chung, vì cộng đồng, văn hóa xin lỗi...; nhiều khu dân cư không phát sinh vụ việc phải hòa giải, góp phần tích cực xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình hạnh phúc”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
Có được những kết quả này Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng phần lớn nhờ vào công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan tư pháp trong việc triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở có những chuyển biến tích cực, nhất là sau khi có Nghị quyết liên tịch số 01/2014/CP-UBTWMTTQVN, ngày 18/11/2014 của Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam về hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Cùng với đó, mạng lưới Tổ hoà giải được củng cố, mở rộng, thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia. Số lượng, chất lượng của đội ngũ Hòa giải viên từng bước được đảm bảo, hầu hết Hòa giải viên đều nêu cao tinh thần tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm, nhiều Hòa giải viên vững về chuyên môn, nghiệp vụ, thành thạo về kỹ năng hòa giải ở cơ sở.
“Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã làm tốt vai trò nòng cốt trong tham gia công tác hòa giải, những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, hạn chế đơn thư, khiếu nại, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan nhà nước và Nhân dân, tạo nên không khí vui vẻ, gắn kết trong cộng đồng dân cư”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định.
Nhắc đến vai trò của MTTQ các cấp trong công tác hòa giải, báo cáo chuyên đề của Bộ Tư pháp cũng nêu rõ, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm Ủy ban MTTQ các cấp đã chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp tổ chức kiểm tra thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở. MTTQ Việt Nam ở cơ sở cũng làm tốt vai trò chủ trì bầu hòa giải viên, Tổ trưởng Tổ hòa giải và cử hội viên ứng cử làm hòa giải viên ở cơ sở.
Cùng với đó, tình hình mâu thuẫn, tranh chấp và giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở luôn được coi là một nội dung trong sinh hoạt chi bộ của thôn, xóm, tổ dân phố do Ban Công tác Mặt trận chủ trì. MTTQ Việt Nam đã gắn việc thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở thông qua các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận phát động như “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Vì an ninh Tổ quốc”…
Những hoạt động trên cho thấy, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã phát huy tính chủ động, tích cực, đóng góp thiết thực vào kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở thời gian qua.