Nâng cao chất lượng dân số từ khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh - Bài 2: Đừng bỏ qua khám sàng lọc tiền hôn nhân

Đức Trân 31/03/2022 09:00

Kiểm tra sàng lọc trước hôn nhân (khám tiền hôn nhân) là cơ hội giúp các cặp đôi có cái nhìn tổng quan về sức khỏe của mình và bạn đời. Đây được coi là bước đệm cần có cho một hạnh phúc dài lâu, trọn vẹn.

Khám sàng lọc tiền hôn nhân tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng, do tâm lý e ngại, chủ quan về sức khỏe toàn thân và sinh sản, việc khám sàng lọc tiền hôn nhân lai thường bị bỏ qua và ít nhận được sự quan tâm của các cặp đôi.

90% cặp đôi bỏ qua khám sàng lọc tiền hôn nhân

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BSCKI Nguyễn Thành Trung - Chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đưa ra một thực trạng: Khoảng 90% các cặp vợ chồng khi chuẩn bị kết hôn bỏ qua việc khám sàng lọc tiền hôn nhân. Thực tiễn lâm sàng cho thấy, không ít những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra như sinh con mắc hoặc mang gen các bệnh lý hiếm, lưu sảy thai nhiều lần,… Trong khi đó, những điều này hoàn toàn có thể phát hiện sớm thông qua việc thăm khám sức khỏe sinh sản, sức khỏe toàn thân trước khi kết hôn.

BS Trung kể lại một vài trường hợp được ghi nhận tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Chị A. (35 tuổi, ở Hoà Bình) có thai tự nhiên sau khi kết hôn nhưng không may bị lưu với biểu hiện phù thai ở tuần thứ 20. Một thời gian sau, chị tiếp tục có thai tự nhiên và sinh dược một bé trai. Niềm vui chưa được kéo dài khi gia đình phát hiện cháu có những biểu hiện thiếu máu nặng như xanh xao, biếng ăn… ở thời điểm bé được 5 tháng tuổi. Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, các bác sĩ kết luận cháu bé bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia thể nặng – đây là bệnh lý có liên quan tới yếu tố di truyền, người mắc bệnh Thalassemia thường chậm phát triển thể chất, có nhiều biến chứng do tình trạng thiếu máu và quá tải sắt gây ra. Hiện tại, căn bệnh này chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, chủ yếu là điều trị triệu chứng suốt đời. Cũng tại bệnh viện, nhờ các phương pháp xét nghiệm tìm nguyên nhân, các bác sĩ đã phát hiện cả hai vợ chồng chị A. đều mang gen Alpha Thalassemia điều này đồng nghĩa với việc, nếu tiếp tục mang thai tự nhiên, rất có thể gia đình chị A. sẽ tiếp tục đón những em bé mắc hoặc mang gen của căn bệnh di truyền này.

Một trường hợp khác là gia đình chị H. (40 tuổi, ở Phú Thọ). Một năm sau kết hôn, anh chị chào đón cậu con trai đầu lòng vào năm 2009. Khi con được 9 tháng tuổi, nhận thấy con có những biểu hiện giống với nguời em trai ruột mắc bệnh máu khó đông, cơ thể hay xuất hiện những vết bầm tím dưới da. Chị H. đưa con đi khám thì được bác sĩ thông báo con mắc bệnh Hemophilia hay còn gọi là máu khó đông. Từ bệnh tình của con, vợ chồng chị H. được khuyến cáo thực hiện xét nghiệm và kết quả, chị H. mang gen bệnh Hemophilia và đã di truyền cho con. Từ đó đến nay, hai vợ chồng thay nhau đưa con đi điều trị tại bệnh viện. Rất nhiều đêm cả nhà không ngủ vì căn bệnh máu khó đông hành hạ con với những cơn đau nhức ở các khớp chân khớp tay, chảy máu chân răng,… Biết được bệnh tình của mình nên nhiều năm sau đó chị H. không dám nghĩ đến chuyện sinh thêm con vì nỗi ám ảnh, day dứt khi khiến cậu con trai đầu lòng phải sống chung với căn bệnh hiếm suốt cuộc đời”.

Những trường hợp kể trên là hai trong số rất nhiều trường hợp đáng tiếc mà nếu các cặp vợ chồng thực hiện việc khám tiền hôn nhân, kiểm tra sức khoẻ sinh sản trước khi kết hôn thì có thể tránh được rất nhiều hệ luỵ. Mặc dù với sự phát triển của y học hiện đại và sự tận tâm của các y bác sĩ, gia đình chị A. và gia đình chị H. đều đã đón được những đứa con khỏe mạnh nhờ biện pháp thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nhưng nỗi đau vì tổn hại sức khoẻ, áp lực tâm lý, nỗi day dứt khi không may những đứa con sinh ra mắc bệnh và phải điều trị suốt đời vẫn còn đó.

Sẵn sàng cho cuộc sống gia đình hạnh phúc

Lý giải về nguyên nhân khiến nhiều cặp đôi bỏ qua khám sàng lọc tiền hôn nhân, BS Nguyễn Thành Trung cho rằng: “Một số nguyên nhân có thể kể đến là do người dân thiếu các kiến thức về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản: Ở các khu vực miền núi, nông thôn… việc người dân được tiếp cận với các nguồn thông tin chính thức về sức khỏe còn nhiều hạn chế. Nhiều bạn trẻ còn khá rụt rè, ngại ngùng khi đề cập đến tình dục an toàn, các bệnh lý liên quan tới hệ sinh sản ở cả hai giới. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế khó khăn cũng là một trong số những rào cản khiến người dân bỏ qua khám tiền hôn nhân. Trước kết hôn, các cặp đôi thường sẽ phải chi tiêu rất nhiều cho công việc ngày trọng đại cũng như cuộc sống gia đình sau này. Chính vì vậy, đôi khi các cặp đôi sẽ “tạm thời” bỏ qua bước khám tiền hôn nhân. Đồng thời, tâm lý chủ quan, ngại đi khám, ngại đến bệnh viện, chỉ khi có biểu hiện bệnh mới đi khám, nhiều cặp đôi đã bỏ qua bước thăm khám quan trọng này trước khi kết hôn mà không hề biết rằng có rất nhiều bệnh lý chỉ có thể phát hiện thông qua việc thăm khám, thực hiện một số xét nghiệm sàng lọc”.

(Còn nữa)

Khám sàng lọc trước kết hôn là một hệ thống các thăm khám lâm sàng và xét nghiệm nhằm đánh giá sức khỏe sinh sản và sức khỏe toàn thân của các cặp đôi trước khi kết hôn. Ở những nước phát triển, danh mục khám tiền hôn nhân còn được đưa vào các gói bảo hiểm y tế nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận và chuẩn bị những điều tốt nhất cho cuộc sống gia đình sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng dân số từ khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh - Bài 2: Đừng bỏ qua khám sàng lọc tiền hôn nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO