Nâng cao chất lượng dân số từ khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Bài cuối: Chủ động ngăn ngừa nguy cơ vô sinh hoặc sinh con dị tật

Nghĩa Toàn (thực hiện) 02/04/2022 14:30

Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích của khám sàng lọc tiền hôn nhân, trước sinh và sơ sinh, cũng như chiến lược của Bộ Y tế để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng bà Đỗ Thị Quỳnh Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương.

PV: Bà có thể cho biết, những lợi ích của các biện pháp khám sàng lọc tiền hôn nhân, trước sinh và sơ sinh?

Bà ĐỖ THỊ QUỲNH HƯƠNG: Để nâng cao chất lượng dân số Việt Nam, từ năm 2007 Bộ Y tế (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) đã thử nghiệm triển khai một số hoạt động can thiệp vào từng giai đoạn của phát triển của con người: Trước sinh, sau sinh, và đã đạt được những kết quả quan trọng trong cải thiện thể lực và trí tuệ con người.

Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh áp dụng những phương pháp, kỹ thuật khoa học tiên tiến, hiện đại là một trong những giải pháp cơ bản nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số. Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện sớm, can thiệp và điều trị các bệnh tật, các bệnh lý liên quan đến rối loạn nội tiết - chuyển hóa di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp trẻ sinh ra có thể phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Đối với tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, đây là biện pháp để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng dân số.

Tư vấn trước khi kết hôn là cung cấp cho các cặp vợ chồng các kỹ năng cần thiết giúp duy trì chất lượng và sự hài lòng trong cuộc sống hôn nhân; khám sức khỏe trước khi kết hôn là kiểm tra tổng thể để phát hiện người mang gen một số bệnh về máu như bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia; một số bệnh rối loạn nội tiết - chuyển hóa di truyền...; một số bệnh lây truyền như viêm gan B, C và HIV/AIDS... Như vậy, thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn giúp phát hiện cá thể mang gen bệnh di truyền hoặc bệnh lây truyền như đã nêu ở trên để có sự lựa chọn, chuẩn bị tốt cho kết hôn và sinh con.

Thực trạng của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở nước ta hiện nay như thế nào, thưa bà?

- Mô hình Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn (trước là Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân) được thí điểm từ 2003 đến 2017, đến năm 2021 được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố. Bước đầu xây dựng các điểm tư vấn, các dịch vụ thân thiện và các cơ sở khám sức khỏe tiền hôn nhân cung cấp kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, các biện pháp phòng tránh, xử lý các nguy cơ sinh con bị dị tật, khuyết tật và nguy cơ vô sinh cho nam, nữ thanh niên trước kết hôn. Tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn đã được đưa vào nội dung sinh hoạt của Câu lạc bộ Tiền hôn nhân, sinh hoạt ngoại khóa phổ thông tại trường học. Các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn được cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, các bệnh di truyền thường gặp, các bệnh của bố mẹ có thể sẽ liên quan bệnh tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh.

Mặc dù vậy, dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn còn hạn chế, số lượng thanh niên được tiếp cận và sử dụng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn mỗi năm còn ít, không đồng đều giữa các tỉnh, số người được khám sức khỏe chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số người được cung cấp kiến thức.

Ở thời điểm hiện tại, mạng lưới cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai đến 63/63 tỉnh, thành phố. Sàng lọc trước sinh được triển khai đến tuyến huyện; Sàng lọc sơ sinh được triển khai đến tuyến xã. Như vậy, người dân ở khắp mọi nơi, vùng nông thôn, vùng xa đều được tiếp cận các dịch vụ này. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh tăng từ 20% năm 2016 lên 60% năm 2021. Tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh tăng từ 23% năm 2016 lên 50% năm 2021. Trên toàn quốc, sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật siêu âm nhằm tầm soát các bệnh, tật có tỷ lệ mắc cao và có thể can thiệp: Hội chứng Down, dị tật ống thần kinh... Sàng lọc sơ sinh bằng kỹ thuật xét nghiệm trên mẫu máu khô với 2 bệnh (suy giáp trạng bẩm sinh và thiếu men G6PD). Ngoài ra các Trung tâm sàng lọc khu vực và một số cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai một số kỹ thuật mới cũng như số lượng mặt bệnh trong sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Mặc dù không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của các biện pháp khám sàng lọc tiền hôn nhân, trước sinh và sơ sinh, nhưng vẫn có một tỷ lệ không nhỏ các cặp vợ chồng thờ ơ, vô tình bỏ qua. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, chiến lược sắp tới của Bộ Y tế như thế nào, thưa bà?

- Khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm. Gần đây nhất, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 7375/BYT-TCDS ngày 31/12/2020 hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện chương trình Tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; ngày 24/5/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2539/QĐ-BYT ban hành kế hoạch hành động thực hiện chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, nhằm: Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện nghiêm các quy định về cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội đối với việc thanh niên tham gia thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; phụ nữ mang thai thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh.

Thời gian tới, Tổng cục Dân số tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát các văn bản, quy định tham mưu với Bộ Y tế chỉnh sửa hoàn thiện các quy định, hướng dẫn chuyên môn cho phù hợp với giai đoạn mới. Trước mắt, tích cực rà soát, xây dựng nội dung chỉnh sửa Quy định tại Quyết định số 25/QĐ-BYT ngày 07/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn chuyên môn về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng dân số từ khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Bài cuối: Chủ động ngăn ngừa nguy cơ vô sinh hoặc sinh con dị tật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO