Nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản

Thành Luân 06/08/2016 08:15

Ngày 5/8, tại TP HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chủ trì Hội nghị.

Nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban
Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: V.L).

Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã báo cáo tóm tắt Dự thảo báo cáo tổng kết Chỉ thị 42-CT/TW, trong đó thông tin kết quả trọng tâm sau 10 năm thực hiện Chỉ thị. Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, ngành xuất bản đã phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, ổn định hệ thống tổ chức, có bước phát triển mới về năng lực hoạt động, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường, bước đầu đáp ứng nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục khẳng định vị thế là một lĩnh vực tư tưởng- văn hóa quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Theo ông Phạm Văn Linh- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của tình hình kinh tế, nhưng các chỉ số phát triển về đầu sách, bản sách vẫn cơ bản duy trì được tốc độ tăng trưởng (khoảng 4%/năm). Năm 2015, toàn ngành đã xuất bản 29.000 đầu sách, trên 369 triệu bản, đạt 4,1 bản sách/đầu người/năm. Lực lượng lao động tại các nhà xuất bản cũng có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng.

Hiện nay, tổng số lao động tại các nhà xuất bản khoảng 6.500 người. Trong lĩnh vực in, cũng có sự chuyển biến nhanh về quy mô, số lượng. Tốc độ tăng trưởng bình quân 8-10%/năm. Năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm in được cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Riêng đối với lĩnh vực phát hành, trung bình mỗi năm lực lượng phát hành sách đã phát hành khoảng 300 triệu bản sách, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và đất nước. Công tác quảng bá, hội chợ sách được quan tâm, đầu tư, thu hút độc giả thuộc mọi lứa tuổi, nâng cao hiệu quả kinh doanh, góp phần phát triển văn hóa đọc.

Dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập mà ngành xuất bản còn tồn tại và những vấn đề này cũng đã được chỉ rõ ngay từ khi ban hành Chỉ thị 42-CT/TW. “Trong thời gian tới, trước những thuận lợi và thách thức đan xen, các đơn vị trong ngành xuất bản phải đặc biệt chú trọng mảng sách chính trị phổ thông, sách đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” , sách khoa học, kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, sách về truyền thống dân tộc và cách mạng, về bản sắc văn hóa và tinh hoa văn hóa dân tộc” - ông Thưởng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO