Nâng cao chất lượng nhân lực y tế khu vực công

An Thái 09/01/2023 07:00

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, hiện tỷ lệ cán bộ y tế có trình độ đại học (ĐH) và sau ĐH ở khối tư nhân cao hơn so với khối công lập. Hơn một nửa cán bộ tại cơ sở y tế tư nhân có trình độ ĐH và sau ĐH, trong khi tỷ lệ này ở khối công lập là hơn 40%.

Khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở. Ảnh: TL.

Thiếu nhân lực tuyến cơ sở

Các số liệu thống kê cho thấy, hiện, hơn 88% trạm y tế xã/phường ở Hà Nội có bác sĩ cơ hữu (biên chế tại trạm). 66 trạm y tế còn lại phải đưa bác sĩ từ trung tâm y tế tuyến quận/huyện luân phiên về.

Theo UBND TP Hà Nội, chế độ đãi ngộ đối với ngành y còn hạn chế nên tuyến y tế cơ sở vẫn thiếu bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên khoa sâu. Đáng chú ý, nhân lực của một số chuyên ngành như lao, tâm thần, truyền nhiễm, giải phẫu bệnh, pháp y… chưa đủ. Hơn thế, việc đào tạo y tế cần thời gian dài, khối lượng kiến thức lớn, trong khi học phí cao, không phù hợp với thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, nguồn thu của các đơn vị tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, ảnh hưởng tới việc cử cán bộ đi đào tạo dài hạn.

Điều đáng nói là các cơ sở y tế công lập phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao với các cơ sở y tế ngoài công lập, các cơ sở y tế Trung ương, bộ, ngành. Do đó, nếu không có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quy hoạch phù hợp, các đơn vị sẽ khó thu hút, giữ chân người lao động có chuyên môn cao. Bên cạnh đó, một số cán bộ y tế được cử đi đào tạo, sau khi hoàn thành khóa học có nguyện vọng chuyển công tác tới các bệnh viện tuyến cao hơn gây khó khăn cho một số bệnh viện, bởi thực hiện tự chủ tài chính các bệnh viện rất cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút người bệnh.

Phấn đấu 15 bác sĩ/10.000 dân

Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực ngành y tế Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Theo đó, tính theo chỉ tiêu trên một vạn dân, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 15 bác sĩ; 26,4 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và 8,4 dược sĩ ĐH. Hiện, tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân của Hà Nội là 13,7 - cao hơn mức trung bình ở Việt Nam là 10 bác sĩ.

Trong giai đoạn tới, thành phố sẽ duy trì chỉ tiêu 26,4 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y/10.000 dân và 8,4 dược sĩ ĐH/10.000 dân; 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc, trong đó, 95% trạm y tế có bác sĩ cơ hữu tại trạm; phấn đấu 41% viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập có trình độ ĐH và sau ĐH; 100% cán bộ trong quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước theo quy định

Để hoàn thành các chỉ tiêu này, kế hoạch xác định 4 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch phát triển giường bệnh cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; bảo đảm đến năm 2025, dự kiến tăng thêm tối thiểu 4.704 giường bệnh. Khi tuyển dụng đủ nhân lực theo quy định với số giường bệnh trên, sẽ có thêm 5.610 người, trong đó có 1.555 bác sĩ; 2.595 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y; 338 dược sĩ và 1.122 cán bộ khác.

TP Hà Nội cũng sẽ xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyển dụng viên chức, tuyển dụng lao động hợp đồng hằng năm, bảo đảm bố trí đủ số lượng và cơ cấu nhân lực cho các cơ sở y tế hiện có trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phối hợp với các trường ĐH, cao đẳng khối ngành sức khỏe thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao đăng ký dự tuyển vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế sau khi tốt nghiệp; xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cán bộ được cử đi học ĐH, sau ĐH để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và các chuyên khoa lao, tâm thần, truyền nhiễm, giải phẫu bệnh, pháp y. Mặt khác, thành phố động viên các cán bộ y tế mới nghỉ hưu còn đủ sức khỏe tiếp tục đăng ký hành nghề tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập.

Cùng với đó là việc khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập. Quản lý và hướng dẫn các cơ sở hành nghề y dược tư nhân nâng cao chất lượng hoạt động, phối hợp với hệ thống y tế công lập thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố…

Từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có Nghị định mới thay thế/sửa đổi Nghị định 56 năm 2011 về phụ cấp ưu đãi nghề cho người làm trong ngành y tế. Bộ Y tế đang đề xuất phương án tăng mức phụ cấp từ 40% lên 100% cho viên chức trực tiếp, thường xuyên làm chuyên môn y tế dự phòng; Viên chức làm việc ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh… sẽ được bổ sung mức hưởng phụ cấp ưu đãi nghề là 100%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng nhân lực y tế khu vực công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO