Nâng cao chất lượng phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp

Việt Thắng 03/11/2021 12:41

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam lựa chọn để phản biện xã hội đối với một số dự thảo văn bản liên quan mật thiết đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đến tổ chức bộ máy nhà nước, đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.

Ngày 3/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước với sự tham dự của các Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành

Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh, ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật”.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, UBTƯ MTTQ Việt Nam xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và các định hướng, nhiệm vụ lập pháp, giải pháp thực hiện được xác định trong Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV.

Do đó, để thực hiện hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị về Đề án và Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian tới UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ sớm xây dựng, ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo phân công.

Về nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp, theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, kết hợp phản biện xã hội với việc tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật của MTTQ Việt Nam.

Theo đó, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được MTTQ Việt Nam phản biện thì hồ sơ dự án, dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền phải bao gồm văn bản phản biện xã hội.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp theo dõi, đôn đốc kịp thời việc tiếp thu, phản hồi ý kiến của các cơ quan, tổ chức được phản biện xã hội và kịp thời phản ánh, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng cho biết, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam lựa chọn để phản biện xã hội đối với một số dự thảo văn bản liên quan mật thiết đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đến tổ chức bộ máy nhà nước, đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.

Để nâng cao chất lượng công tác giám sát việc thực hiện pháp luật, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định: Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam rà soát, đánh giá, sơ, tổng kết các Chương trình phối hợp giám sát, lựa chọn triển khai một số nội dung giám sát thiết thực, hoặc dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ động xây dựng các báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị sau giám sát để gửi đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Tổng kết và sửa đổi các quy chế phối hợp giữa cơ quan MTTQ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước.

Liên quan đến các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Đề án Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, trong 8 nội dung của Đề án, nội dung thứ 7 đã nhấn mạnh về xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ. Cụ thể hóa đầy đủ quyền con người, quyền công dân.

Do đó để thực hiện định hướng này, UBTƯ MTTQ Việt Nam tập trung triển khai một số hoạt động lập pháp theo 2 tuyến là chủ trì và phối hợp.

“Cụ thể, chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật để xác định rõ hơn vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Về phía UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, với tư cách khi là cơ quan chủ trì soạn thảo cần có những hình thức, biện pháp cụ thể để động viên, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân là thành viên MTTQ Việt Nam tham gia tích cực vào quá trình soạn thảo.

Về phía các cơ quan nhà nước ở Trung ương, nhất là các cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra cần có ý thức tôn trọng, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và tinh thần của Hiến pháp về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng dự thảo luật, pháp lệnh thể hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm “Quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Nhà nước là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên theo quy định của Hiến pháp, pháp luật” như Luật MTTQ Việt Nam đã quy định, trước khi trình xem xét thông qua văn bản pháp luật.

Đáng chú ý để nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và nâng cao chất lượng công tác giám sát việc thực hiện pháp luật, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu lưu ý về mặt nhận thức, cần coi trọng sự tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, coi đây là một kênh quan trọng thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

“Đối với nguồn lực về con người cần có chế độ đãi ngộ phù hợp để khuyến khích đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận. MTTQ Việt Nam cần có chính sách quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức. Cần phát huy tiềm năng của các thành viên rộng lớn của MTTQ Việt Nam, của các cá nhân tiêu biểu, các Hội đồng tư vấn của MTTQ Việt Nam, lực lượng cộng tác viên và đoàn viên, hội viên là những chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng kiến nghị cần bảo đảm các điều kiện cần thiết về kinh phí cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội nói chung và trong lĩnh vực xây dựng pháp luật nói riêng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng khẳng định: “Kế thừa kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV này, MTTQ Việt Nam sẽ cụ thể hóa bằng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo phân công và các giải pháp được đề ra tại Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO