Nâng cao chất lượng phối hợp giữa Mặt trận và cơ quan Nhà nước

Tiến Đạt 05/11/2021 12:21

Sáng 5/11, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan Nhà nước”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài chủ trì Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, thời gian qua, công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan Nhà nước đã được duy trì thực hiện thường xuyên và đạt kết quả tích cực, với những phương thức, hình thức phối hợp cụ thể.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cơ quan bộ, ngành để triển khai thực hiện nhiều nội dung hoạt động quan trọng của Mặt trận và có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, bộ ngành tham gia phối hợp.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp trong một số lĩnh vực còn chậm đổi mới, một số nội dung, lĩnh vực hoạt động có hiệu quả phối hợp chưa cao, công tác phối hợp thực hiện tốt ở cấp Trung ương nhưng ở địa phương nhìn chung phối hợp chưa chặt chẽ.

“Chính vì vậy, việc đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng, giúp cho MTTQ Việt Nam hoàn thành tốt hơn, hiệu quả hơn các chương trình hoạt động của Mặt trận cũng như chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng gợi mở.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đổi mới tiến bộ hơn, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia thảo luận, đánh giá thực trạng công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan Nhà nước, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng của hoạt động phối hợp này.

Theo PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, công cuộc đổi mới ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, yêu cầu về dân chủ của các tầng lớp nhân dân ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều yêu cầu đổi mới, đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao chất lượng sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các cơ quan Nhà nước.

PGS.TS Trần Hậu phát biểu.

PGS.TS Trần Hậu cho rằng, sự phối hợp này cần bám sát yêu cầu đổi mới của cả hệ thống chính trị đặt ra cho mỗi thời kỳ khác nhau, cập nhật những yêu cầu đó một cách nhịp nhàng, bảo đảm tính đồng bộ, không tụt hậu, không thoát ly thực tế đổi mới của cả hệ thống chính trị.

Đồng thời, mọi nội dung và hình thức phối hợp đều nhằm mục đích tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân, được nhân dân đồng tình và ủng hộ, không vì mục đích nào khác.

PGS.TS Lê Bá Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Lê Bá Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, sự đổi mới ở đây không phải là việc thay hoàn toàn cái cũ bằng cái mới một cách máy móc, cơ học mà phải có tính kế thừa, chọn lọc những “hạt nhân hợp lý” của cái cũ để làm nên cái mới đầy đủ hơn, tốt đẹp hơn.

“Hạt nhân hợp lý” theo PGS.TS Lê Bá Trình chính là những thành tựu của hoạt động phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với cơ quan Nhà nước trong thời gian qua, với mục đích phục vụ lợi ích nhân dân, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội, chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng tốt hơn.

Để công tác phối hợp này được đổi mới, phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay, PGS.TS Lê Bá Trình đề xuất, cần chú trọng đổi mới về phương thức, hình thức và phạm vi phối hợp, xác định việc phân cấp, phân quyền phối hợp giữa MTTQ Việt Nam các cấp với các cơ quan Nhà nước một cách rõ ràng, hợp lý, khắc phục tình trạng chồng chéo lẫn nhau.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, quy định cụ thể chủ thể chủ trì phối hợp, phân rõ vai trò trong thực hiện phối hợp; kết hợp giải quyết việc pháp luật chưa có quy định cụ thể về phân cấp trong cơ chế phối hợp giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và các cơ quan Nhà nước ở Trung ương.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu.

Ở góc độ khác, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Vì vậy, đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan Nhà nước trong thực hiện phản biện xã hội là việc làm cần thiết.

Trên thực tế, do nhận thức của hai bên phối hợp chưa thật đầy đủ, dẫn đến việc thực hiện các quy định của Luật MTTQ Việt Nam về quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được đưa ra phản biện chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật.

Ngược lại, về phía Mặt trận cũng chưa thật “mạnh mẽ”, nhắc nhở “quyết liệt” nên vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn phối hợp.

Để khắc phục thực trạng này, GS.TS Trần Ngọc Đường kiến nghị, MTTQ Việt Nam là tổ chức có quyền và trách nhiệm thực hiện chức năng phản biện xã hội, do đó phải tạo điều kiện để cơ quan Nhà nước chủ trì soạn thảo văn bản được đưa ra phản biện thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

Đồng thời, cần chủ động phối hợp với cơ quan Nhà nước chủ trì soạn thảo văn bản bằng việc xây dựng chương trình, kế hoạch phản biện xã hội ngay từ đầu năm hoặc trong 6 tháng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác phối hợp trong phản biện xã hội.

TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu.

Về vấn đề này, TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, bên cạnh hoạt động phản biện xã hội, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước.

Cùng với xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp trong công tác phối hợp, MTTQ Việt Nam cần chú trọng đến vấn đề con người, cụ thể cần lựa chọn ra những cá nhân ưu tú để giám sát, lựa chọn đúng người để phối hợp, hội tụ đầy đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tham gia giám sát với thái độ nghiêm túc, trách nhiệm, qua đó mang lại hiệu quả cao trong việc phối hợp giám sát giữa MTTQ Việt Nam và cơ quan Nhà nước, tránh lãng phí thời gian cũng như tiết kiệm nguồn lực cho Nhà nước.

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài phát biểu tổng kết Hội thảo.

Nâng cao chất lượng phối hợp để phục vụ nhân dân

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh, các ý kiến đã khẳng định việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan Nhà nước là yêu cầu tất yếu khách quan để phù hợp với quá trình đổi mới hệ thống chính trị và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan nhà nước trong thời gian tới, các ý kiến tham luận của đại biểu đều cho rằng, sự phối hợp hoạt động giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan nhà nước phải đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, bám sát yêu cầu đổi mới của cả hệ thống chính trị, trong quá trình phối hợp phải giữ vững tính độc lập của từng cơ quan, tổ chức, bảo đảm tính bình đẳng, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau theo quy định của pháp luật; coi trọng việc cung cấp thông tin, tăng cường đối thoại, luôn đổi mới nhưng bảo đảm sự kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình phối hợp.

Quang cảnh Hội thảo.

Cùng với đó, MTTQ Việt Nam và các cơ quan nhà nước cần quan tâm lựa chọn các nội dung, vấn đề phối hợp sát với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên trong giai đoạn mới.

Tiếp tục quan tâm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, nội dung phối hợp để phát huy vai trò, quyền và trách nhiệm của mỗi bên, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ nhân dân của Nhà nước và của MTTQ Việt Nam.

“Cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình phối hợp giữa hai bên, chú trọng việc đánh giá, sơ, tổng kết việc thực hiện các Quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp để kịp thời phát hiện, đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp. Các bên cần quan tâm hơn đến các điều kiện bảo đảm, nhất là bảo đảm về kinh phí để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng phối hợp giữa Mặt trận và cơ quan Nhà nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO