Nâng cao ý thức cộng đồng để chống dịch

H.Vũ (thực hiện) 13/05/2021 06:47

Trong bối cảnh chống dịch do chủng virus mới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, cần nâng cao ý thức cộng đồng, trong đó chủ động khai báo y tế và thực hiện khuyến cáo 5 K của Bộ Y tế.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga.

PV: Thưa ông, việc giải trình tự gene các mẫu do các địa phương gửi về có ý nghĩa gì trong công tác chống dịch hiện nay? Qua đó chúng ta có phương pháp điều trị gì trong chống dịch ở thời điểm này khi nhiều tỉnh, thành có nhiều ca nhiễm mới?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Việc giải mã gene có tác dụng truy vết để chúng ta biết xem nguồn virus lây ở đâu ra, chủng đó là gì để sử dụng vắc xin sao cho phù hợp. Việc giải mã gene để đánh giá mức độ dịch tễ học, tính nguy hiểm của như thế nào. Ví dụ như chủng Ấn Độ là do chuyên gia tại Yên Bái lây ra. Còn chủng của Anh thì trước đây ở trong nước đã phát hiện ra rồi. Việc giải mã gen để xác định xem dịch từ bên ngoài vào hay dịch ở trong nước. Từ đó giúp truy vết dịch tễ, nguồn gốc lây nhiễm để tìm được độ phát tán, đường đi của nó giúp cho chúng ta khoanh vùng để dập dịch.

Ở các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc liên tiếp có ca mắc tăng cao do nhiễm chủng của Ấn Độ. Vậy ông có khuyến cáo gì trong chống dịch tại các địa phương này?

-Trước tiên chúng ta cần đề phòng vì bây giờ ở các tỉnh trên có các ca mắc mới tăng nhiều. Nếu có bệnh nhân nặng phải cấp cứu, dùng máy thở, ngành y tế cần chuẩn bị các tình huống để cấp cứu cho những người mắc bệnh là người cao tuổi, người có nhiều bệnh lý nền bởi họ là những đối tượng dễ bị biến chứng nhất. Đặc biệt, cần chú ý không để những người này lây sang những người khác là đội ngũ y, bác sĩ.

Công tác truy vết, khoanh vùng hiện đang được thực hiện rất nhanh, các cán bộ ngành y tế và các lực lượng chức năng đã nỗ lực làm hết sức mình. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là ý thức tự giác của người dân. Ví như người dân tiếp xúc với những người thuộc diện có nguy cơ nhiễm bệnh mà người dân lại không khai báo thì sao chúng ta biết được để ngăn chặn? Chưa kể khi đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh thì họ có thể bị nhiễm và làm lây ra những người khác. Chính vì thế trong lúc này ý thức cộng đồng rất là quan trọng, người dân cần giữ gìn bản thân, khai báo y tế. Nếu đi đến khu vực khác cũng phải chủ động khai báo y tế.

Với virus mới này chúng ta cần có kịch bản đối phó và dịch do nó gây ra ra sao, thưa ông?

-Bản chất của virus là muốn lây nhanh, tìm nơi sinh sống mới để phát triển nòi giống của nó. Những trường hợp nặng bị phát hiện thì đã bị cách ly nên khó có thể lây lan, hoặc trường hợp virus gây ra tử vong cho người bệnh thì khi người bệnh đã tử vong cũng không làm lây ra cộng đồng. Nhưng những ca nhẹ, không có triệu chứng nên người dân đi lại rất nhiều, lúc đó khả năng lây lan rất mạnh. Như tại các nước khác, người dân đi lại nhiều nên lây lan nhanh sang nhiều người. Con đường đi của virus là nếu gây chết người chính là “ngõ cụt” của nó, vì lúc đó nó không phát triển được nữa trong khi mục đích của virus là muốn lây sang nhiều người, như tôi đã nói. Do đó, người bị bệnh đã nằm viện, trong khu cách ly sẽ ít có khả năng lây cho người khác. Còn người bị bệnh thể nhẹ, không có triệu chứng, vẫn đi đá bóng, đi chợ nên có khả năng cao lây cho nhiều người.

Virus chủng Ấn Độ, Anh tuy lây nhanh hơn rất nhiều song tỷ lệ tử vong lại thấp hơn. Như Ấn Độ 1 ngày có 3 đến 4 ngàn người tử vong, song so với số người mắc hàng chục triệu người thì tỷ lệ đó dự tính khoảng 0,5%. Riêng Việt Nam từ lúc xuất hiện đợt dịch mới đến nay có hơn 500 người nhiễm song chưa có ai tử vong cả. Tức là tỷ lệ tử vong do virus này đã thấp hơn so với virus trước đây. Sở dĩ Ấn Độ có nhiều ca tử vong là do có nhiều người bị bệnh, số ca nhiễm tăng quá nhanh dẫn đến hệ thống y tế sụp đổ. Những người tử vong là do cấp cứu không kịp vì thiếu phương tiện y tế, máy thở. Còn ở nước ta những trường hợp tử vong trước đây tại Bệnh viện Đà Nẵng là do những bệnh nhân nặng có bệnh lý nền. Tôi xin nói rằng nếu có hàng trăm, hàng nghìn ca mắc mà vật tư y tế, thầy thuốc, thuốc men không đủ thì khó cứu chữa, tử vong sẽ tăng lên. Đó cũng là lý do mà Anh và Brazil có số người tử vong cao. Vì thế nước ta kiên quyết chống không để dịch lây lan ra cộng đồng là như vậy.

Trong lúc này theo ông người dân cần làm gì để chung tay cùng Nhà nước chống dịch?

-Trong lúc này người dân không nên hoang mang, mà cần nâng cao ý thức phòng chống dịch. Phải thực hiện đúng tinh thần 5 K theo khuyến cáo của Bộ Y tế là: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Con virus này chỉ lây từ người sang người, không khí ở ngoài trời không có bệnh. Virus chỉ lây trong không khí trong không gian hẹp như: quán bar, karaoke, massage, hay phòng đóng kín như công xưởng, nhà máy. Ở ngoài trời chỉ lây trong trường hợp đứng sát nhau, còn đứng cách xa trên 2 m thì không thể lây được. Vì thế cần đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, sát khuẩn, đứng cách nhau trên 2 m, đó cũng chính là những khuyến cáo được Bộ Y tế đưa ra. Nếu chúng ta thực hiện đúng theo khuyến cáo đó thì sẽ không bị lây nhiễm.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao ý thức cộng đồng để chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO