Bền bỉ và có phần lặng lẽ, TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho người ta cảm giác chị cứ âm thầm gieo cấy trên một “cánh đồng”, nhiều khi có chút gì đó cô đơn, nhưng khi những hạt mầm trồi lên, cánh đồng dần trở nên xanh tươi hơn thì “người nông dân chăm chỉ Thụy Anh” cũng bắt đầu bớt lẻ loi…
Tôi đã có lúc nghĩ như vậy, khi quan sát hành trình gieo những hạt mầm bé nhỏ của TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh. Từ việc chị lập Câu lạc bộ Đọc sách cùng con cho tới những trại hè Eco Camp do chị Thụy Anh làm “thuyền trưởng”.
Và, mới đây, chị giới thiệu bộ sách “Chào Tiếng Việt". Đây là bộ sách biên soạn theo Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018, hướng đến đối tượng trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Sáu cuốn chia theo các cấp độ khác nhau, trong đó, sử dụng phương pháp tiếp cận trẻ em thông qua trò chơi, hoạt động cụ thể để khơi dậy trong các em sự thích thú sử dụng tiếng Việt khi giao lưu, tương tác với người thân và cộng đồng người Việt. Ngoài ra, bộ sách còn cung cấp các kiến thức về văn hoá, lịch sử, địa lí Việt Nam.
TS Thụy Anh nói rằng, chị hoàn thành bộ sách này trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội vì Covid-19. Bộ sách cũng hướng tới đối tượng sử dụng là các thầy cô giáo, các phụ huynh hướng dẫn trẻ em học tiếng Việt ở các nhóm lớp hoặc trong các gia đình người Việt ở nước ngoài. Bộ tài liệu này cũng hữu ích cho quá trình dạy và học tiếng Việt trong các trường quốc tế ở Việt Nam.
Thực sự, tôi không bất ngờ lắm khi thấy TS Nguyễn Thụy Anh ra bộ sách này. Không bất ngờ, bởi lẽ, những ai đã theo dõi hành trình bền bỉ của TS Nguyễn Thụy Anh đều nhận ra, chị là một người nặng lòng với tiếng Việt, nhất là tiếng Việt xa xứ.
17 tuổi, Thụy Anh theo gia đình sang Nga. Khi đó, bố chị mới được bổ nhiệm là Tùy viên quân sự làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga. Ông đã quyết định đưa cả gia đình sang Nga trong nhiệm kỳ công tác. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, bố Thụy Anh đã mất đột ngột vì trọng bệnh. Kể từ sau cú sốc đó, Thụy Anh càng quyết tâm hơn, cứng cỏi hơn. Vượt qua tất cả, Thụy Anh sống như những cây bạch dương ở xứ này, độc lập và luôn tỏa ra vẻ đẹp riêng bất kể mùa nào.
Tôi vẫn nhớ mình đã đọc những trang văn xuôi của Thụy Anh, đó là những truyện ngắn chị ở Nga gửi về đăng trên báo chí trong nước. "Những Nắng chiều", "Gió trắng", "Tuyết ấm", đến "Vĩnh biệt Lusia", "Cây cải Tashkent"… không chỉ mang tới cho người đọc những câu chuyện nhân văn sâu sắc mà còn cho thấy một vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt của một tâm hồn đẫm chất thơ ca.
17 năm sống, học tập và làm việc ở Nga, có lúc Thụy Anh đã nghĩ chị sẽ ở lại định cư. Vì thế, không lạ khi thấy chị có nhiều hoạt động ở xứ sở Bạch Dương này. Đặc biệt là khi chị lập gia đình riêng và nuôi con nhỏ.
Chị từng tâm sự rằng, khi đã làm mẹ, giống như nhiều người Việt xa quê, thì rất tự nhiên, chị cảm thấy mình có một nỗi sợ. Ấy là sợ con mình lớn lên sẽ không biết tiếng Việt, hoặc không thể tâm tình với cha mẹ bằng thứ tiếng Việt phong phú, thuần khiết.
Nguyễn Thụy Anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Matxcơva năm 1997, sau đó chị đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành Giáo dục học. Là người được đào tạo bài bản, TS Nguyễn Thụy Anh hiểu rằng, tiếng Việt của người Việt xa xứ là căn cốt, là sợi dây để kết nối với quê nhà. Trong khi đó, ở những nơi chốn xa xôi bên ngoài Tổ quốc, tiếng Việt đang bị chi phối, đang có những khó khăn nhất định. Ở góc độ cá nhân, chị cố gắng để con mình phải nói tốt tiếng Việt trước khi đến trường ở nơi xa xứ.
Vậy là Thụy Anh bền bỉ nuôi dưỡng con trong một tinh thần “thượng tôn tiếng Việt”. Người mẹ trẻ nghĩ ra đủ thứ, nào những lời ru, nào những bài thơ, đọc sách cho con, kể chuyện cho con… Tất cả, tất nhiên, đều bằng tiếng Việt.
Với việc dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài, TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng, cách tiếp cận gần như tiếp cận một ngoại ngữ. Về mặt phương pháp là cần tuân thủ hai nguyên tắc: tạo động lực và tổ chức học thông qua hoạt động của trẻ.
Nặng lòng với tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, nên ngay cả khi rời nước Nga xa xôi trở về Việt Nam sinh sống (năm 2008), TS Nguyễn Thụy Anh vẫn luôn đau đáu với việc phải làm gì đó để lan tỏa tiếng Việt ở nước ngoài. Năm 2012, chị đã hợp tác với ông Lê Xuân Lâm - Hiệu trưởng trường tiếng Việt mang tên Lạc Long Quân ở Warszawa (Ba Lan) để tổ chức một trại hè học tiếng Việt cho trẻ em người Việt Nam ở Ba Lan.
Tại đây, có nhiều hoạt động đã diễn ra: trò chơi, câu chuyện, tiểu phẩm tương tác, các hoạt động thể chất, các cuộc thi nhảy múa, ca hát, các cuộc thi đấu thể thao, những buổi giao lưu với người hoạt động nghệ thuật trong cộng đồng như các dịch giả, nhà thơ, họa sĩ, diễn viên... với ngôn ngữ hoạt động trong trại hè là tiếng Việt.
Kể từ đó, nhiều trại hè đã được tổ chức, giúp trẻ em xa xứ thấy được sự gắn kết với quê hương và thêm hiểu, thêm yêu tiếng Việt. Năm 2017, TS Nguyễn Thụy Anh tiếp tục mở trại mùa thu trong cộng đồng người Việt ở Stuttgart (Đức).
Với tên gọi "Trường phù thủy Stuttgart", qua những hoạt động diễn ra vào dịp nghỉ thu và lễ Halloween, tiếng Việt đã vang lên cùng các trò phiêu lưu của các phù thủy nhỏ Stuttgart. Từ đó, tình yêu, động lực học tiếng Việt được thắp lửa trong trái tim mỗi người Việt xa quê, nhất là những em nhỏ - thế hệ được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.
Cũng theo TS Thụy Anh, điều quan trọng nhất khi dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài là cần khơi gợi sự hứng thú, tò mò và nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Việt của các em thông qua các hoạt động tương tác như trò chơi, lễ hội… Từ đó, tự bản thân các em sẽ tìm hiểu, học và sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp.