Năng lực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất: Chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn

THÁI NHUNG (thực hiện) 03/07/2022 15:00

Bão số 1 (Chaba) đang tiến vào đất liền nước ta có thể gây ra mưa lớn.  Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trong, sau mưa bão lại đặt ra. Trong khi đó, theo thống kê từ Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trong gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra hơn 300 trận lũ quét, lũ bùn đá với quy mô và phạm vi ngày càng lớn. Trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, năng lực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, và việc đầu tư các thiết bị hiện đại là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Tiến.

PV: Thưa ông, tại sao đã cảnh báo nhiều năm, nhưng lũ quét, sạt lở đất ngày càng diễn biến phức tạp?

Ông Nguyễn Văn Tiến: Lũ quét, sạt lở đất là hai trong số các loại hình thiên tai có diễn biến rất phức tạp, xảy ra trên hầu khắp địa hình miền núi nói chung do các nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Nguyên nhân khách quan là địa hình nước ta với 3/4 diện tích là đồi, núi, địa chất phức tạp, phân hóa mạnh; cùng với lượng mưa lớn, trung bình khoảng 2.000 mm/năm tập trung chủ yếu vào các tháng mùa mưa, những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu nên mưa lớn cục bộ, bất thường xuất hiện thường xuyên hơn là những nguyên nhân cơ bản gây lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng.

Nguyên nhân chủ quan do tác động của gia tăng dân số. Theo Niên giám thống kê, trong 20 năm gần đây (từ năm 2000 đến năm 2020) dân số nước ta tăng khoảng 19,9 triệu người. Cùng với đó là tập quán sinh sống gần nguồn nước cũng làm gia tăng nguy cơ rủi ro về lũ quét, sạt lở đất; do ảnh hưởng của việc phát triển kinh tế-xã hội như việc xây dựng các công trình trên sông, suối nhất là công trình giao thông đã làm thu hẹp lòng dẫn, đào sườn núi để xây dựng nhà ở làm tăng độ dốc sườn núi diễn ra ở hầu khắp các địa phương miền núi là những nguyên nhân gây lũ quét, sạt lở đất.

Ngoài ra, việc khai thác quá mức, không theo quy hoạch đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là rừng nguyên sinh cũng đã làm suy giảm khả năng trữ nước, làm gia tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Vậy năng lực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất của Việt Nam hiện ở mức nào, thưa ông?

- Việc cảnh báo chính xác địa điểm và thời gian xảy ra lũ quét, sạt lở đất là nhiệm vụ rất khó khăn đòi hỏi phải có đầy đủ cơ sở dữ liệu về địa hình, địa chất, thảm phủ thực vật, độ ẩm, độ bão hòa của đất, điều kiện thủy văn, nước ngầm. Những năm qua, được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư trang thiết bị, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hiện vẫn chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất.

Do vậy, việc nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo là cần thiết. Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định mục tiêu “Đến năm 2030, nâng cao năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích thiên tai ngang tầm với các quốc gia hàng đầu trong khu vực”.

Nâng cao năng lực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất liên quan rất nhiều đến kinh phí để đầu tư các thiết bị hiện đại. Liệu chúng ta đang có khó khăn gì trong vấn đề này không, thưa ông?

- Theo tôi, việc đầu tư các thiết bị hiện đại là rất quan trọng. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, dân cư sống phân tán, cùng với sự hạn chế về kinh phí, việc đầu tư lắp đặt trang thiết bị chưa được triển khai đồng bộ, mới chỉ thực hiện theo dạng thí điểm tại một số xã có nguy cơ cao bằng ngân sách thực hiện từ các đề tài, dự án hoặc ngân sách của tỉnh; sau khi các nhiệm vụ, dự án kết thúc, việc duy trì kinh phí và nhân lực có trình độ chuyên môn để vận hành các hệ thống này cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Trong giai đoạn trước mắt, điều quan trọng là phải có đầy đủ cơ sở dữ liệu phục vụ việc cảnh báo như địa hình, địa chất, thủy văn, khí tượng, thảm phủ thực vật và các yếu tố về nhà ở, công trình, phương tiện trong khu vực.

Trong gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra hơn 300 trận lũ quét, lũ bùn đá với quy mô và phạm vi ngày càng lớn. Ảnh: Quang Vinh.

Vậy theo ông, chúng ta có nên xã hội hóa nguồn kinh phí để nâng cao năng lực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất?

- Rất cần phải xã hội hóa. Công tác cảnh báo cần phải có sự hợp tác của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Nhiều khi việc cảnh báo chỉ đơn giản là căn cứ vào lượng mưa, vào kinh nghiệm của người dân.

Thiết bị chỉ là hệ thống đo mưa kết hợp với hệ thống truyền tin hoặc loa cầm tay, hệ thống còi, đèn báo động; song thực tế trong công tác phòng chống lũ quét, sạt lở đất những năm qua cho thấy việc xã hội hóa công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất như hỗ trợ thiết bị đo mưa, thiết bị truyền tin cảnh báo, đồng thời có sự tham gia của người dân đã mang lại hiệu quả rất cao.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tháng 7, có khả năng xuất hiện thêm xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông

Nhận định về tình hình khí tượng, thủy văn trong tháng 7/2022, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, trong nửa đầu tháng 7/2022, hiện tượng MJO (là một dao động nội mùa trong khu vực nhiệt đới, ảnh hưởng đến nhiều yếu tố thời tiết như lượng mây bao phủ, lượng mưa, tốc độ và hướng gió, nhiệt độ mặt nước biển) có khả năng góp phần gia tăng mưa cho khu vực phía Nam Việt Nam.

Cũng trong tháng 7, có khả năng xuất hiện 1 - 2 xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông (bao gồm cả cơn bão số 1 - có tên quốc tế là Chaba đang hoạt động). Nắng nóng tiếp tục xuất hiện ở Bắc Bộ và Trung Bộ tuy nhiên cường độ không gay gắt, số ngày nắng nóng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên xuất hiện nhiều ngày mưa rào và dông. Trong cơn dông đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

V.N.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năng lực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất: Chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO