Nắng nóng gay gắt, bất ngờ tiền điện

Minh Phương 03/06/2021 07:02

Theo phản ảnh của nhiều hộ gia đình, tháng 5 vừa qua tuy chưa phải là cao điểm mùa hè nhưng hóa đơn tiền điện đã tăng vọt, do việc sử dụng các thiết bị điện gần như tối đa.

Mạng lưới điện chịu nhiều áp lực khi mức tiêu thụ tăng đột biến do nắng nóng dữ dội.

Nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, nguyên nhân chính của đợt nắng nóng này là do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây vào mùa này phát triển mạnh kết hợp với gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn. Số liệu đo được của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trong hai ngày 1-2/6, nhiệt độ tại khu vực Hà Nội, một số nơi đến ngưỡng 39-40 độ C.

Sẽ bất ngờ với hóa đơn tiền điện

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngày 31/5, tiêu thụ điện lên mức cao nhất từ trước đến nay, với công suất đỉnh là 41.549 MW và sản lượng điện là 850,3 triệu kWh. Dù đã được khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm để tránh nguy cơ cháy nổ cũng như gia tăng hóa đơn tiền điện, nhưng do quá nóng thì điều đó cũng thật khó thực hiện.

Theo phản ảnh của nhiều hộ gia đình, tháng 5 vừa qua tuy chưa phải là cao điểm mùa hè nhưng hóa đơn tiền điện đã tăng vọt, do việc sử dụng các thiết bị điện gần như tối đa. Chị N.T.T.D. (phố Chùa Láng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, những ngày nắng nóng, các thiết bị làm mát được nhà chị sử dụng hết công suất.

“Cả nhà có 3 phòng ngủ và một phòng khách, 4 chiếc điều hòa chạy 24/24h. Trẻ con không có một phút nào rời khỏi phòng vì bước chân ra ngoài là nóng hầm hập. Cả điều hòa cả quạt đều tận dụng hết. Thế nên hóa đơn tiền điện tháng vừa rồi tăng cao” - chị D. chia sẻ .

Tiền điện tăng cao, theo người tiêu dùng còn là do giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn áp biểu giá lũy tiến 6 bậc thang, và tất nhiên còn là do nhu cầu sử dụng điện lại tăng mạnh vì nắng nóng buộc các hộ gia đình hầu như nhà nào cũng sử dụng hàng loạt các thiết bị điện làm mát, do đó hóa đơn điện tăng là tất yếu.

Dù chưa có thống kê chi tiết nhưng theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), tiêu thụ điện những ngày tháng 5 tăng mạnh so với những tháng trước. Cụ thể, bình quân lượng điện tiêu thụ một ngày trong tháng 5 (tính đến ngày 21/5) là 66,071 triệu kWh, tăng 17,7% so với bình quân tháng 4/2021, có thời điểm đạt gần 90 triệu kWh.

Không quá nóng như Hà Nội, nhưng người dân TP HCM cũng “bất ngờ” với hóa đơn tiền điện tháng 5. Số liệu thống kê mới nhất của Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay, sản lượng điện tiêu thụ của thành phố duy trì ở mức cao, có thời điểm đạt 90,69 triệu kWh/ngày, vượt mốc kỷ lục 90,03 triệu kWh vào tháng 4/2019. Sản lượng bình quân ngày trong tháng 5 đạt 81,94 triệu kWh, vượt 46% so với bình quân ngày của tháng 2.

Nguy cơ quá tải, sự cố lưới điện

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 2/6 của EVN, Tập đoàn này cho biết, nắng nóng gay gắt tiếp tục làm tiêu thụ điện tăng đột biến. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc ngày 1/6/2021 tiếp tục lập kỷ lục mới với con số là 880,3 triệu kWh, tăng tới gần 25% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng hơn 15% so với trung bình tuần trước đợt nóng. “Nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm các thiết bị trên lưới điện liên tục vận hành đầy tải, thậm chí quá tải ở một số thời điểm dẫn đến nguy cơ xảy ra các sự cố cục bộ trên lưới điện” - EVN cho hay.

Trước tình hình lượng điện tiêu thụ tăng vọt, trong khi những ngày nắng nóng gay gắt được dự báo còn tiếp tục kéo dài, để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ khi sử dụng thiết bị điện dẫn đến quá tải, cũng như hóa đơn tiền điện không bị “tăng sốc”, các chuyên gia ngành điện khuyến cáo, khách hàng cần chủ động theo dõi lượng điện sử dụng hàng ngày, có giải pháp tiết kiệm để giảm những nguy cơ. Cụ thể, khi thời tiết nắng nóng, tiêu thụ điện của máy lạnh, điều hòa tăng cao, chiếm từ 28 - 64%, thậm chí chiếm đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Lúc này, việc tiết kiệm sẽ hạn chế việc phải trả quá nhiều tiền ở bậc giá cao...

Theo EVN, thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do nhiều thiết bị điện ở ngoài trời đã phải chịu đựng môi trường nhiệt độ cao dài ngày, ngay cả ban đêm cũng rất oi bức; một số đường dây, trạm biến áp vận hành bị quá tải ở một số thời điểm.

Bên cạnh đó, trong mấy ngày vừa qua do nắng nóng gay gắt cũng đã làm một số tổ máy nhiệt điện khu vực miền Bắc bị suy giảm công suất do các nguyên nhân khác nhau, trong đó về cơ bản có nguyên nhân do nhiệt độ nước làm mát bị tăng cao.

Ngoài ra, tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt, độ ẩm rất thấp còn làm tăng cao nguy cơ gây cháy rừng dẫn đến ảnh hưởng vấn đề vận hành an toàn của các đường dây truyền tải điện. Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Điều này dẫn tới những nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường.

Trước tình hình đó, EVN khuyến cáo các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân cần tiếp tục chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối. Cụ thể theo EVN, cần chú ý sử dụng các thiết bị điện vào các giờ cao điểm: Buổi trưa từ 11h30 đến 15h00, buổi tối từ 20h00 đến 23h00.

“Ngoài việc sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ C trở lên, sử dụng kết hợp với quạt), chúng ta cũng không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện…) để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng điện cho khách hàng, đồng thời cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với bình thường” - theo EVN.

Đặc biệt, trong tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay thì các cơ quan Y tế cũng khuyến cáo hạn chế dùng điều hòa, thay vào đó cần mở cửa sổ, tăng cường sử dụng quạt để lưu thông không khí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nắng nóng gay gắt, bất ngờ tiền điện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO