Nắng nóng gay gắt, rừng phòng hộ vẫn bị khai thác

HẠNH NGUYÊN 26/06/2021 06:30

Tháng 6, nền nhiệt ở Hà Tĩnh luôn ở mức cao, cấp độ cảnh báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Thế nhưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu vẫn cho phép chủ rừng khai thác gỗ keo ở rừng phòng hộ. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy khó lường.

Đưa gỗ keo lên xe đi tiêu thụ.

“Cạo trắng” rừng phòng hộ

Sáng 24/6, nhận được phản ánh của người dân địa phương về việc mở đường, khai thác gỗ keo, đốt thực bì ở khu vực rừng phòng hộ tại khoảnh 1, tiểu khu 297 (thuộc địa bàn xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã đến hiện trường.

Vào mùa nắng nóng, Hà Tĩnh thường xuyên xảy ra cháy rừng, việc khai thác lâm sản vào mùa này và gây nên cháy rừng là sự việc nhãn tiền, để lại nhiều hệ lụy đối với đời sống người dân cũng như công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Cấp phép cho chủ rừng khai thác lâm sản ở rừng phòng hộ như Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà liệu có “ẩu” hay không?

Chúng tôi được người đàn ông tên T. dẫn đường và phải đi bộ 2-3 km đường rừng mới đến được địa điểm khai thác. Con đường vừa mới đào xới vẫn còn nham nhở, gập ghềnh, dọc hai bên đường lộ lên những tảng đá khổng lồ cùng những gốc cây to vừa mới bị cưa đổ.

Điểm khai thác là khu vực triền đồi với một bên là lạch biển, giáp với xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), với một bên là rừng phòng hộ vừa có chức năng chắn sóng, vừa bảo vệ cảnh quan, bảo vệ rừng. Phía dưới đồi, đi dọc bờ biển là các di tích lịch sử Đền Cá, đền Lê Khôi và còn có Đền cá Ông do ngư dân địa phương tôn tạo.

Theo người dẫn đường, khu vực này có 3 chủ rừng là bà Phan Thị Hiền, Nguyễn Phi Tùng, Phạm Ngọc Thắng (đều trú tại xã Đỉnh Bàn) với tổng diện tích 27,2 ha. Đường lên khai thác rừng rộng chừng 3 m, được máy đào khoảng 1 tháng nay, đi xuyên qua phần đất rừng của 3 hộ nói trên. Ngoài đường chính, ở mỗi phần đất của các hộ còn có nhiều đường phụ được phát mở ngang dọc, tứ tung trông hết sức nham nhở.

Đội quân khai thác keo đã “cạo trắng” gỗ ở phần đất của chủ rừng Nguyễn Phi Tùng. Hàng trăm cây keo, gỗ tạp nay chỉ trơ lại gốc, dọc những con đường mới đào vẫn còn nhiều khúc gỗ, cành cây được sắp đặt ngăn nắp. Đáng nói, một số đám rừng bị cạo trắng vẫn còn vết tích của việc đốt thực bì, tàn củi đang cháy âm ỉ, khói bay lên ngùn ngụt. Giữa thời tiết nắng nóng trên 37 độ C, đi giữa đám cháy chưa tàn, không một bóng cây lớn, cảm giác như đi giữa “lò thiêu”.

Điểm khai thác này chỉ cách di tích lịch sử Đền Cá chưa đầy 20 m. Đứng phía trên nhìn xuống đền, nhiều cục đá tảng như chực chờ lăn xuống. “Cây lớn bị cưa ngang hết thế này chỉ cần trận mưa đổ xuống thì nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến đền là rất lớn”, người dẫn đường tên T. lo ngại.

Để khai thác cây keo trên diện tích đất rừng của ông Nguyễn Phi Tùng phải làm đường băng qua phần đất của bà Phan Thị Hiền. Nhưng vấn đề ở chỗ, mặc dù chưa được phép khai thác nhưng đội khai thác keo vẫn thuê máy, đào luôn phần đường ở đất của chủ rừng Phạm Ngọc Thắng. Thời điểm chúng tôi có mặt, chiếc máy đào cỡ nhỏ đang làm việc cật lực, xúc ủi, đào xới tạo nên những đoạn đường áp sát để chờ cơ hội “tấn công” những cây gỗ lớn.

“Máy này được anh Ba thuê đào hơn 1 tháng nay rồi. Họ chưa nói dừng lại nên chúng tôi vẫn cứ đào tiếp đến khi nào nói dừng mới thôi”, người đàn ông chủ máy đào nói.

Khai thác keo ngay trong những ngày nắng nóng.

Được phép khai thác?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 3 hộ là chủ rừng nói trên chỉ có hộ ông Nguyễn Phi Tùng được phép khai thác gỗ keo. Ngày 28/4/2021, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu ký Quyết định số 2451/QĐ-UBND về việc khai thác rừng trồng keo thuộc nguồn vốn nhà nước đối tượng quy hoạch rừng phòng hộ.

Theo đó, chủ rừng Nguyễn Phi Tùng được chấp thuận khai thác tại khoảnh 1, tiểu khu 297, diện tích khai thác 3 ha, tổng số cây khai thác 1.050 cây, với tổng trữ lượng 209,01 m3, sản lượng thương phẩm là 146,31 m3. Thời hạn khai thác kể từ ngày ban hành đến 30/6/2021.

Chủ rừng Nguyễn Phi Tùng cho hay, ông bán số lâm sản trên cho người đàn ông tên Minh người Thanh Hóa với số tiền 55 triệu đồng, việc khai thác, trồng mới cây keo ông đều “khoán” cho người này. “Chiều tối hôm qua (ngày 23/6) họ đốt thực bì để chuẩn bị đào hố trồng mới cây keo. May là không để xảy ra cháy rừng nếu không thì tôi phải đi tù rồi”, ông Tùng nói.

Việc đốt thực bì giữa thời tiết trên 35 độ C ở khoảnh rừng của ông Nguyễn Phi Tùng khiến chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng sở tại một phen hoảng loạn. “6 giờ sáng 24/6, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót gọi điện báo cháy rừng ở đó khiến chúng tôi hốt hoảng, tôi lập tức chỉ đạo anh em phối hợp với chính quyền địa phương trực tiếp đến hiện trường kiểm tra”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà Lê Thanh Hải chia sẻ.

Việc đốt thực bì này là sai, mặc dù không gây cháy rừng diện rộng nhưng nguy cơ rất cao, chính quyền xã Đỉnh Bàn đã lập biên bản và quyết định xử phạt hành chính 3 triệu đồng đối với chủ rừng Nguyễn Phi Tùng.

Riêng đối với vấn đề mở đường ở phần đất của 2 chủ rừng chưa có giấy phép khai thác lâm sản, anh Nguyễn Viết Tiến, cán bộ địa chính, tài nguyên môi trường xã Đỉnh Bàn cho rằng không đúng quy định. Còn Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thạch Hà Lê Thanh Hải lại khẳng định là được phép.

Theo ông Hải, trong luật và quy hoạch của ngành nông nghiệp cho phép chủ rừng mở đường để khai thác lâm sản và làm đường băng cản lửa để chữa cháy khi xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, chủ rừng phải trồng lại cây trên phần đường đó theo đúng mật độ quy định.

Trước lo ngại chủ rừng khoán lại cho các đối tượng khai thác keo và những người này sẽ lợi dụng việc khai thác ở phần đất có giấy phép để “khoắng” luôn lâm sản của 2 hộ chưa có giấy phép, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thạch Hà nói chắc như đinh đóng cột: Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nếu phát hiện khai thác trái phép sẽ bắt dừng ngay và xử lý theo quy định pháp luật.

Nói vậy nhưng thực chất việc kiểm tra, kiểm soát của chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng có được chặt chẽ hay không lại là việc khác. Đơn cử như việc người dân đốt thực bì sai quy định nói trên chỉ đến khi có người cấp báo thì lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương xã Đỉnh Bàn mới biết và xử lý sau khi đã cháy sạch thực bì.

Ngoài ra, trong Quyết định 2451/QĐ-UBND chấp thuận cho ông Nguyễn Phi Tùng khai thác gỗ keo của Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu nêu rõ: “Trong thời gian nóng cấp dự báo cháy rừng cấp IV, V hộ gia đình dừng việc khai thác gỗ rừng trồng và các hoạt động liên quan đến sản xuất lâm nghiệp”. Và, chính ông Lê Thanh Hải cũng nhận định, trong tháng 6 này, cấp dự báo cháy rừng ở Thạch Hà, Hà Tĩnh đều ở cấp IV, cấp V. Thế nhưng, việc khai thác lâm sản ở đây vẫn không hề bị “tuýt còi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nắng nóng gay gắt, rừng phòng hộ vẫn bị khai thác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO