Nắng nóng xuất hiện trên diện rộng

T.H 27/06/2022 09:58

Nhận định về tình hình nắng nóng trong những ngày tới, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ trở lại và từ ngày 27/6 sẽ có nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhất là khoảng ngày 28 - 29/6.

Những ngày qua, Hà Nội được ghi nhận là nơi có nhiệt độ cao. Ảnh: Quang Vinh

Ông Lâm cũng lưu ý, nắng nóng và nắng nóng gay gắt còn có khả năng xảy ra trong cuối tháng 6 và đầu tháng 7 tại khu vực Bắc Bộ và kéo dài trong tháng 7, tháng 8 tại khu vực Trung Bộ. Thời gian tới, nhiệt độ nắng nóng trong khoảng 38 - 39 độ C trở lại.

Về nguyên nhân của đợt nắng nóng này, theo ông Lâm, xuất phát từ vùng áp thấp nóng phía Tây, cộng thêm tác động hiệu ứng gió phơn. Khi hai hiệu ứng này kết hợp với nhau đã gây ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng.

Những ngày qua, khu vực Hà Nội được ghi nhận là nơi có nhiệt độ cao; nhiệt độ đo được tại Sơn Tây lên tới 40,3 độ C, tại Láng là 40 độ C. Khu vực Hà Tĩnh trong ngày 20/6 có nhiều điểm, nhiệt độ đo được lên tới 39 độ C. Đây là những khu vực nóng nhất trong cả nước ở đợt nắng nóng vừa qua.

Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao

Cùng với nắng nóng, những ngày qua, một số khu vực thuộc Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to, nhất là các tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh. Dự báo trong những ngày tới Bắc Bộ sẽ xuất hiện có những đợt mưa lớn, vì vậy, người dân cần phải hết sức đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thì lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân sống ở vùng núi phải thường xuyên chú ý, quan sát xung quanh nơi ở để sớm phát hiện các dấu hiệu sạt lở như vết lún, vết nứt trên mặt đường, tường nhà, cây cối nghiêng dần, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... cần chạy nhanh ra khỏi khu vực sạt lở, tuyệt đối không đi qua các khu vực đã sạt lở vì vẫn tiềm ẩn khả năng tiếp tục sạt lở.

Các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại...

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho rằng, cao điểm mùa mưa tại khu vực Bắc Bộ là tháng 7-8 (đặc biệt là trong tháng 8), do vậy trong thời gian tới vẫn có thể có các đợt mưa với cường độ lớn xảy ra ở khu vực Bắc Bộ bao gồm cả Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nắng nóng xuất hiện trên diện rộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO