Việt Nam luôn là một trong những nước có sản lượng xuất khẩu gạo khá lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để phát triển ổn định, nâng tầm giá trị, chất lượng lúa gạo đòi hỏi phải nhiều nỗ lực hơn nữa. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với GS.TS Võ Tòng Xuân về vấn đề này.
PV: Thưa giáo sư, thời gian qua, gạo Việt Nam đã khẳng định thương hiệu ở nhiều thị trường nước. Theo ông, gạo Việt có còn nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu?
GS.TS VÕ TÒNG XUÂN: Hàng năm Việt Nam vẫn duy trì sản lượng lúa gạo xuất khẩu khá cao. Trung bình xuất khẩu 6 - 7 triệu tấn gạo/năm. Đây là thành tựu lớn đáng ghi nhận của ngành lúa gạo trong nước. Mới đây, động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ giúp doanh nghiệp (DN) gạo đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hơn nữa. Từ trước đến nay, các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam chính là Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Ghana, Bờ Biển Ngà... Đây là những thị trường có nhu cầu lớn với chủng loại gạo trung bình, giá rẻ. Ngoài ra, thị trường cũng ghi nhận, nhiều DN đã đưa gạo chất lượng cao vào một số thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore,...
Sản lượng xuất khẩu gạo hàng năm của Việt Nam so với một số nước khá lớn song giá trị xuất khẩu vẫn chưa cao, lợi nhuận nông dân thu về rất thấp. Thậm chí, có khi còn hòa hoặc lỗ vốn. Theo giáo sư, giải pháp nào để tăng giá trị cũng như lợi nhuận cho ngành lúa gạo?
-Hiện các nước xung quanh Việt Nam đều thiếu gạo nên gạo Việt cũng có thể thâm nhập vào thị trường những nước sử dụng gạo ngon như Nhật Bản, Singapore... với điều kiện giá gạo phải giảm chút đỉnh, thay vì bán 800 USD/tấn, có thể bán 700 USD/tấn. Tuy nhiên, những DN có gạo ngon, gạo chất lượng lại không đồng ý giảm giá bán. Ví dụ, DN không thể bán gạo ST25 với giá 700 - 800 USD/tấn được vì họ đang bán 1.000 USD/tấn (khoảng 40.000 đồng/kg). Gần đây, giá lúa có nhích lên nhưng không bù lại được tiền phân bón và thuốc trừ sâu tăng lên chóng mặt. Vì vậy, xuất khẩu gạo hòa hoặc lỗ. Có thể nói gạo Việt đang ở trong thế khó. Trong khi chờ Nhà nước tính toán tăng giá lúa lên thì ngay bây giờ người nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất. Không dùng phân hóa học nhiều, bón một ít phân vi sinh, một ít phân vô cơ từ đó sâu bệnh ít. Nếu áp dụng hình thức sản xuất này, chúng ta hạ được giá thành sản xuất xuống còn khoảng 1.800 - 2.000 đồng/kg, thay vì phải đầu tư 3.800 - 4.000 đồng như hiện nay. Không sợ gạo bị ế nhưng để bán được giá thành cao phải tính toán lại.
Nhật Bản đã từng thay đổi chính sách nông nghiệp bằng cách nâng giá lúa lên gấp 3 lần, lúa tăng các món hàng khác cũng tăng, lương của công nhân cũng tăng. Nông dân Thái Lan cũng muốn tăng giá lúa gạo nhưng chưa được. Mới đây, Việt Nam, Thái Lan muốn cùng nhau tăng giá lúa giúp nông dân lợi nhuận hơn nhưng theo tôi việc tăng giá lúa không đơn giản. Đây là vấn đề nan giải.
Ngoài việc tăng giá, vấn đề nâng tầm chất lượng gạo có phải vẫn là bài toán khó, thưa giáo sư?
-Nhiều DN đã tiến hành xây dựng thương hiệu gạo cao cấp. Tập đoàn Lộc Trời với thương hiệu gạo Hạt ngọc trời, Công ty Gentraco với thương hiệu gạo Ngọc Đồng, Công ty gạo Hoa lúa cho ra đời sản phẩm gạo sạch Hoa lúa... Ngoài ra còn có một số gạo cao cấp như: ST, Jasmine, Japonica,... Đáng chú ý, một số loại gạo cao cấp đã bước vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Tuy nhiên, liệt kê như vậy để thấy rằng, số lượng gạo Việt đạt chất lượng cao không thật nhiều so với sản lượng lớn xuất khẩu. Việc nâng cao chất lượng gạo Việt đã bàn rất nhiều nhưng đến nay hiệu quả chưa thật sự như kỳ vọng. Bài toán khó do mắc kẹt ở nông dân. Phần lớn nông dân chưa chịu thay đổi cách thức sản xuất theo hướng mới, bà con quen với cách làm cũ khi sử dụng phân hóa học quá nhiều nên chất lượng sản phẩm thấp. Thậm chí có thể chứa chất cấm và nguy cơ xuất khẩu rồi lại phải “hồi hương” là không tránh khỏi. Cần thiết phải sản xuất một cách bài bản, có tổ chức.
Nhằm nâng cao chất lượng gạo, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề án trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Theo giáo sư, làm gì để đề án này có tính khả thi cao, tránh những “vết xe đổ” từ đề án tương tự trước đây, rồi kế hoạch phát triển cánh đồng lúa lớn?
-Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cũng giống như cánh đồng lúa lớn. Vấn đề hiện nay chính là tìm đầu ra cho sản phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Công thương phải xác định được ai sẽ mua, đối tượng mua là người giàu hay người nghèo mới tính đến trồng giống gì. Nếu khách hàng là người giàu trồng ST25, đối tượng khách hàng bình thường thì dùng giống 5044, còn người nghèo lấy giống 5044. Nói chung, phải định hướng cho mỗi vùng của một triệu ha sẽ hướng về thị trường nào, ai sẽ mua để có giống thích hợp và phương pháp trồng thích hợp. Muốn làm vậy phải có một “nhạc trưởng” chung để cùng thực hiện. Điều này cũng đồng nghĩa đưa nông dân tham gia các hợp tác xã để đầu tư tốt, đầu ra hiệu quả. Làm tốt rồi chắc chắn không chỉ dừng lại ở 1 triệu ha, có thể là hơn 2 triệu ha cho đồng bằng Sông Cửu Long, hoặc tính hết cho các nơi. Trường hợp mạnh ai nấy làm như hiện nay chất lượng bị bỏ ngỏ, không biết bán cho ai, rồi thương lái lại ép giá. Liên kết trong sản xuất không bao giờ quá muộn.
Trân trọng cảm ơn giáo sư!