Nâng tầm giám sát, phản biện

Tuệ Phương 21/11/2020 10:00

Với việc Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217 và số 218, MTTQ không chỉ thực hiện nhiệm vụ động viên nhân dân đoàn kết thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội, mà còn có trách nhiệm giám sát, phản biện, góp ý xây dựng những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Đó là vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. Nhưng cũng từ đó, vị thế, tầm vóc của Mặt trận ngày càng được khẳng định, nâng cao.

MTTQ quận Hà Đông (Hà Nội) giám sát thực hiện chi trả hỗ trợ tiền cho các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 tại phường Nguyễn Trãi. Ảnh: Oanh Trần.

Khi Đảng, nhân dân gửi gắm niềm tin

Năm 2020, khối lượng công việc của cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp dường như “tăng gấp đôi”. Bởi ngoài triển khai các cuộc vận động, chương trình hành động thông thường, Mặt trận còn cùng nhân dân cả nước tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Song, có một điều không phải ai cũng biết đối với cán bộ Mặt trận trong cuộc chiến chống Covid-19: Họ là những người phải “đi trước, về sau”.

Đi trước là vận động nhân dân sớm nâng cao tinh thần cảnh giác ngay từ khi dịch bệnh chưa đến. Sau khi cùng người dân chống dịch; vận động nhân dân đoàn kết giúp đỡ nhau để vượt qua dịch bệnh, công việc vẫn chưa kết thúc. Cán bộ Mặt trận chỉ thực sự yên tâm trở về nhà khi hoàn thành nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Công tác giám sát tại TP Hà Nội là một điển hình. Cán bộ Tổ dân phố tham gia từ khâu lập, xét duyệt danh sách cho đến khâu chi trả. Đối với hỗ trợ các đối tượng là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, MTTQ thành phố có 6 đoàn kiểm tra, 83 đoàn giám sát cấp huyện và 1.075 đoàn giám sát cấp xã. Nhờ những nỗ lực này mà 100% trong số hơn 385 nghìn đối tượng được trả đúng, trả đủ, không xảy ra thắc mắc, khiếu kiện. Đây chỉ là một trong rất nhiều hoạt động giám sát của hệ thống MTTQ các cấp trong những năm gần đây.

Trải qua 90 năm hình thành, phát triển, bên cạnh sứ mệnh đoàn kết toàn dân, MTTQ lại thực hiện những nhiệm vụ cụ thể. Nếu từ năm 1930 đến năm 1975, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận là đoàn kết các giai tầng trong đánh đuổi đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thì từ năm 1975, nhất là từ năm 1986 đến nay, nhiệm vụ chính là vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong công cuộc đổi mới.

Song, xã hội luôn vận động, đổi thay. Những vấn đề mới của đất nước liên tục phát sinh. Những năm gần đây, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên nền kinh tế thị trường ngoài tác động tích cực còn kéo theo những hệ lụy. Nhiều vụ tiêu cực liên quan đến cả những lãnh đạo cấp cao sai phạm đến mức phải xử lý. Cùng với đó là nạn chạy chức, chạy quyền. Nhiều công trình bị rút ruột, để lại hậu quả nghiêm trọng. Phê bình - tự phê bình, kiểm tra, giám sát vốn là một “vũ khí” để làm trong sạch, lành mạnh đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Cho nên với tinh thần phát huy dân chủ một cách cao độ, phát huy tối đa nguồn lực của nhân dân, Đảng ta đã đề ra chủ trương tăng cường vai trò giám sát, phản biện của nhân dân. Cụ thể, năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành hai quyết định hết sức quan trọng là Quyết định số 217 về Quy chế Giám sát và Phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218 Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền.

Quyết định số 217 và Quyết định số 218 là công cụ quan trọng để Mặt trận giám sát, ngăn chặn từ xa các hành vi sai phạm; đồng thời, huy động nguồn lực trí tuệ của nhân dân trong góp ý xây dựng chính quyền. Được Đảng, nhân dân tin cậy là nguồn động viên to lớn để cán bộ Mặt trận các cấp dấn thân vào lĩnh vực còn nhiều mới mẻ trong thời gian tới.

Nâng cao trách nhiệm, nâng tầm vị thế

Cùng với sự ra đời của Quyết định số 217 và số 218 thì các cơ chế, chính sách, pháp luật về giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội từng bước được hoàn thiện từ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nghị quyết liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Hàng năm, MTTQ các cấp đều xây dựng kế hoạch giám sát. Trong đó, tập trung vào những nội dung quan trọng, những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường… Mặt trận cũng tích cực vận động nhân dân đóng góp ý kiến vào xây dựng các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Gần đây nhất, MTTQ các tỉnh, thành đã vận động nhân dân góp ý vào xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, thu được nhiều kết quả tích cực. Ngoài vận động nhân dân nói chung, MTTQ nhiều tỉnh, thành còn tổ chức gặp gỡ các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau để lấy ý kiến.

Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao phó cho đội ngũ cán bộ Mặt trận trọng trách. Nhưng đi kèm trách nhiệm là không ít những thách thức, khó khăn. Cán bộ Mặt trận phải tích cực hơn, năng động hơn, theo sát những diễn biến của kinh tế, xã hội. Có nắm vững luật pháp, nắm vững chuyên môn ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ công nghiệp, thương mại, cho tới các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… mới có thể giám sát việc thực thi, hạn chế những thiếu sót trong chính sách, những sai phạm khi thực hiện các dự án…

Cùng với tự bổ sung kiến thức cho mình, cán bộ Mặt trận từ Trung ương đến địa phương còn phải đổi mới hoạt động, làm sao để huy động các chuyên gia trong từng lĩnh vực phát huy trí tuệ, cùng Mặt trận tích cực tham gia giám sát, phản biện. Mỗi cuộc giám sát, phản biện hay tổ chức đóng góp ý kiến, là sự chuẩn bị kỳ công của những người làm Mặt trận.

Những ý kiến phản biện xuất sắc của các chuyên gia trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, anh sinh xã hội… trong các cuộc giám sát, phản biện, đều có dấu ấn của đội ngũ cán bộ Mặt trận âm thầm phía sau. Nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với các cấp ủy, chính quyền do Mặt trận tổ chức. Những hoạt động này khiến nhân dân hết sức phấn khởi khi có thêm một kênh giám sát; các cơ quan Đảng, Nhà nước, có thêm kênh thông tin góp ý. Cán bộ Mặt trận trong thời đại mới mang một hình ảnh khác, năng động hơn, và cũng gần gũi nhân dân hơn, đại diện cho tiếng nói của nhân dân một cách mạnh mẽ hơn.

Hưởng ứng quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng về tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã chú trọng triển khai mạnh mẽ việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, MTTQ Việt Nam đã phát động Giải báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Qua 2 lần phát động, Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm tác phẩm báo chí thuộc các thể loại khác nhau. Với quyết tâm hành động, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thống nhất ban hành và triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020 trong toàn hệ thống Mặt trận với nhiều giải pháp quyết liệt.

Tại Đại hội Thi đua yêu nước Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2020-2025, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025. Trong 5 nội dung thi đua, nội dung giám sát, phản biện được chú trọng. Cụ thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thường xuyên lắng nghe ý kiến nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại, giải đáp những vấn đề nhân dân quan tâm, đồng thời theo dõi, giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành dân chủ, thực hiện kỷ cương, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Nội dung này là nền tảng cơ bản để MTTQ các cấp tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng tầm giám sát, phản biện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO