Nâng tầm hàng Việt

Tuệ Phương 25/02/2021 09:40

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, trong năm 2020, song song với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn.

Hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội được “chắp cánh” xây dựng thương hiệu.

Đến nay, thành phố Hà Nội đã có 142 siêu thị, 28 trung tâm thương mại, khoảng 1.800 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ đang hoạt động.

Để kích cầu nội địa, tăng mức bán lẻ hàng hóa, thành phố đã tổ chức hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất năm 2020 với 300 gian hàng, hoàn thành hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ với 470 gian hàng, hội chợ hàng lưu niệm chất lượng cao, tổ chức mitting hưởng ứng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và khai mạc hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng…

Ngoài ra, còn phối hợp với các tỉnh, thành phố, các kênh phân phối, đơn vị liên quan kết nối, tiêu thụ trên 10.000 tấn nông sản thực phẩm dư cung do dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đã duy trì và phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ thực phẩm an toàn, đẩy mạnh quản lý, phát triển mô hình kinh doanh theo hướng văn minh hiện đại tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Hiện nay, có trên 1.900 siêu thị, cửa hàng tiện ích, địa điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn phủ khắp thành phố.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục và ứng phó với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thành phố Hà Nội cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp mở mới 74 địa điểm kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu về thực phẩm của người dân.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, trước những khó khăn của doanh nghiệp do dịch Covid-19 mang lại, Sở Công thương đã đề xuất giảm 37 loại phí, lệ phí; tổ chức hội nghị, làm việc tại các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các cụm công nghiệp. Hỗ trợ 15 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo CVĐ các quận, huyện, thị xã cùng các đơn vị thành viên đã tuyên truyền, giám sát các cơ sở kinh doanh vật tư y tế liên quan đến công tác phòng, chống dịch, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá để trục lợi; tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc bình ổn giá thị trường tránh tình trạng thu gom hàng hóa gây bất ổn trong thời gian xảy ra dịch bệnh.

“Để tiếp tục phát huy hiệu quả CVĐ, trong thời gian tới cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp trong đẩy mạnh thực hiện CVĐ. Đồng thời, BCĐ các cấp cần tích cực, năng động, vào cuộc nỗ lực hơn. Song song với đó, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu hàng Việt Nam đến người tiêu dùng, bình ổn giá cả thị trường, kết nối thị trường các tỉnh. Ngoài ra, cần tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế, vốn, môi trường cho các doanh nghiệp phục hồi, phát triển; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại” - ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng tầm hàng Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO