Nát bươm một khúc sông quê

Phương Nguyên 18/05/2016 06:28

Những ngày này, bám dọc theo đường đê Việt Trì, ven sông Lô để ngược lên các xã như Tiên Du, An Đạo, Lệ Mĩ… (Phù Ninh, Phú Thọ) người ta hết sức lo lắng cho sự an toàn của dòng chảy, các phương tiện giao thông thủy nội địa. Bởi tuyến đê, bờ sông ở đây đang bị băm nát, cùng với đó là những bến tập kết vật liệu xây dựng trái phép được dựng lên. Thực tế ấy đã được người dân phản ánh nhiều lần, thậm chí có xã đã làm báo cáo gửi lên cho lãnh đạo huyện, nhưng không được xử lý triệt để.

Bến tập kết vật liệu trái phép của gia đình ông Hoàng Văn Ba.

Bến không phép tồn tại… hơn 20 năm

Trên tuyến đường Đê Việt Trì, bám theo sông Lô, đi qua các xã như Tiên Du, An Đạo, Lệ Mĩ… thật nhức mắt bởi các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng được dựng lên. Việc tiếp cận khảo sát, không khó khăn khi bắt gặp những bến trái phép, do các cá nhân dựng lên. Cùng với sự trái phép này là việc thu hẹp, gây cản trở dòng chảy, an toàn luồng lạch.

Từ ý kiến, phản ánh của nhân dân, trên địa bàn xã An Đạo, trong các bến bãi trái phép này, “nhức mắt” nhất phải kể đến bến tập kết trái phép của ông Hoàng Văn Ba, sinh năm 1958 (người dân khu vực này thường gọi là Ba “té”). Bến này nằm cạnh cảng Nhà máy giấy Bãi Bằng, ngay ngã ba rẽ vào UBND xã An Đạo, kéo dài đến sát mép sông, được coi là khá đồ sộ, có thâm niên cũng như quy mô hoạt động.

Ngày cũng như đêm, hàng chục, hàng trăm lượt tàu khai thác cát sỏi, không rõ nguồn gốc “hồn nhiên” vào đây bốc dỡ, cẩu cát sỏi lên trên bờ. Những “núi” cát, “núi” sỏi cũng như hàng trăm lượt phương tiện vào ra “ăn hàng” gây cản trở và tiềm ẩn những rủi ro về an toàn giao thông.

Tiếp xúc, không chút nề hà, ông Ba, chủ của bến tập kết vật liệu trái phép này cho biết: Tôi làm từ năm 1993 đến nay và chưa có bất kì một thứ giấy phép nào đúng với quy định của pháp luật. Vẫn theo ông Ba, ngay cả diện tích đất ven sông Lô, rộng tới vài trăm m2 nằm ngoài đê này của nhà ông Ba cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Kéo dài, không đủ thủ tục và hoạt động trái phép như vậy nhưng những bến tập kết vật liệu xây dựng này vẫn cứ tồn tại. Theo ông Ba, bến này được gia đình ông dựng lên, coi như “phương tiện” kiếm sống cho gia đình đã 20 năm qua. Ông ba cho biết, từ trước đến nay, chỉ bị nhắc nhở và xử phạt chứ chưa thấy cơ quan ban ngành nào đình chỉ hoạt động cả.

Dọc theo sông Lô, qua địa phận Phù Ninh, lên tới giáp huyện Đoan Hùng, nơi ngã ba sông được hình thành bởi sông Lô và sông Chảy này hiện nay có cả chục bến trái phép như vậy được hình thành. Ngoài bến bãi của gia đình ông Hoàng Văn Ba thì còn 1 bến tập kết vật liệu trái phép khá nổi tiếng của hai vợ chồng có tên là Tuấn Nguyệt.

Theo bà Nguyệt, vợ ông Tuấn thì bến do gia đình quản lý vốn trước đây là bến đò, hiện đang chuẩn bị làm thủ tục xin chuyển đổi sang bến tập kết vật liệu xây dựng. Tuy không có phép, nhưng theo người dân, bến này vẫn hoạt động bình thường và không có ai… để ý đến cả.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Đem câu hỏi và thực tế này đến với lãnh đạo các xã, nhất là xã An Đạo, nơi được coi là có nhiều bến bãi trái phép, không chút nề hà, ông Nguyễn Văn Sáu, Chủ tịch xã cho biết: “Chúng tôi cũng đã nghe ý kiến phản ánh của người dân, nhất là khu vực bến tập kết vật liệu trái phép của gia đình ông Hoàng Văn Ba. Với chức năng và quyền hạn của mình, chúng tôi đã xuống lập biên bản nhiều lần. Tuy nhiên, chức năng của xã chỉ làm được như vậy, còn cấm và có hoàn thiện được thủ tục khác thì phải do các cơ quan cao hơn”.

Được biết, trước kêu ca của dân, trước báo cáo của xã, gần đây nhất, vào ngày 23/3/2016, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Phù Ninh đã cử đoàn công tác do ông Nguyễn Công Thành- Phó Trưởng phòng Tài nguyên- Môi trường xuống kết hợp với lãnh đạo xã để xử lý. Ngoài hành vi lập bến bãi trái phép thì đoàn còn phát hiện gia đình ông Hoàng Văn Ba còn tự ý san lấp trái phép 159m2 đất hành lang đê, với khối lượng san lấp trái phép lên đến 643m3, cao hơn mép sông 4m.

Trước đó, ngày 22/3/2016, với trách nhiệm của mình, UBND xã An Đạo cũng đã làm văn bản mang số 17BC-UBND để gửi cho UBND huyện Phù Ninh và Phòng Tài nguyên Môi trường. Tuy nhiên, sau đó hơn 2 tháng, khi tiếp xúc thì thấy tình trạng hoạt động bến bãi trái phép của nhà ông Hoàng Văn Ba vẫn diễn ra hết sức bình thường.

Ở đây, câu hỏi được đặt ra là trách nhiệm của các cơ quan ban ngành huyện Phù Ninh đã thực hiện đến đâu? Hơn nữa, ngoài các cơ quan này thì còn lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy ngày đêm thực hiện tuần tra kiểm soát nữa. Các bến tập kết vật liệu trái phép, không lén lút và nằm lộ diện ngay bờ sông sao lại có thể dễ dàng qua mắt được các cơ quan chức năng?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nát bươm một khúc sông quê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO