Nên có cơ chế 'ở dưới nói thì trên nghe'

Mai Loan 28/10/2022 18:45

ĐB Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, khi các bệnh viện có ý kiến thì Bộ Y tế, Chính phủ nghe, xử lý kịp thời.

Ngày 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Phát biểu tại Quốc hội, đề cập đến Nghị quyết 54, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ khi ra đời Nghị quyết 54 đã có tác dụng rất quan trọng với phát triển thành phố gần 5 năm qua. Nếu không có Nghị quyết 54 thì tình hình thành phố về mặt xã hội, phòng chống dịch, phát triển kinh tế không được như ngày hôm nay. Tuy nhiên ông Nhân cho rằng, việc thực hiện có hạn chế, chưa đạt được như mong muốn do 2 năm phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, có lý do chủ quan là có những công việc thành phố làm chưa thực sự quyết liệt. Do đó nên kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết Quốc đến cuối năm 2023.

Theo ông Nhân, hiện thành phố đang chuẩn bị tích cực cùng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị có nghị quyết về phát triển thành phố 2030 hướng đến năm 2045. Khi có nghị quyết này, trong thời gian sớm nhất có thể đưa ra Quốc hội trong phiên họp bất thường sớm nhất để vừa phát huy những mặt đạt được, bổ sung, hạn chế, đặc biệt liên quan đến mô hình chính quyền đô thị. Theo đó, thành phố về cam kết mạnh hơn nữa, trở thành nơi điển hình giải quyết các khó khăn chung cả nước trên địa bàn thành phố như: Đầu tư công, nhà ở xã hội, phát triển giao thông, khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu, phát triển nhân lực, khoa học công nghệ và kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Để khắc phục 6 điểm nghẽn trong hoạt động của các bệnh viện công hiện nay, ông Nhân phân tích: Các bệnh viện hoạt động trong điều kiện cơ chế thị trường nhưng có nhiều quyết định hiện nay không phù hợp với thực tế và trái cơ chế thị trường. Do đó cần thay đổi những quy định này. Ví dụ, Nghị định 85 năm 2012 xác định từ 2018 trở đi giá dịch vụ phải phản ánh đầy đủ 7 loại chi phí nhưng đến nay vẫn chỉ có 4 loại, còn 3 loại chưa có. Vì vậy phải khẩn trương bổ sung và có thể giao dưới cơ sở xây dựng đủ 7 chi phí này.

Liên quan đến đấu thầu, theo ông Nhân, Thông tư 15 năm 2019 quy định giá đấu thầu của năm nay không được cao hơn giá đấu thầu đã thắng thầu năm ngoái. “Việc này rất phi thị trường”-ông Nhân chỉ rõ.

Chỉ ra điểm phi lý, ông Nhân cho biết, giá phụ thuộc thị trường. Ông ví von “nếu một nhà hàng hoặc một công ty thực phẩm họ đấu thầu mua gạo và thịt. Khi yêu cầu giá gạo thịt năm nay thắng thầu phải thấp hơn giá năm ngoái. Điều đó không thể xảy ra”.

Từ đó, ông Nhân đề nghị giá đấu thầu thời điểm nào là do điều kiện thị trường thời điểm đó quyết định, không so sánh với giá thắng thầu năm ngoái.

Cũng theo ông Nhân, Nhà nước phải khẳng định trách nhiệm của mình đầu tư cho các bệnh viện. Hầu hết các bệnh viện tham gia tự chủ là tự chủ chi phí thường xuyên chứ không tự chủ chi phí đầu tư. Nhưng đến nay, hầu như chúng ta không bố trí ngân sách cho các bệnh viện tự chủ chi thường xuyên có kinh phí đầu tư. Không có kinh phí đầu tư thì không mua được máy móc thiết bị mới. Cho nên buộc phải thuê máy, đặt máy để làm dịch vụ.

“Chừng nào chúng ta chưa bố trí kinh phí năm 2020, 2021, 2022 cho các bệnh viện thì các bệnh viện đó tiếp tục được thuê máy, đặt máy cho đến khi có kinh phí đầu tư để việc hoạt động không bị dừng lại. Chúng ta nên công bố kế hoạch đầu tư cho các bệnh viện, mà danh mục từ đây đến 2025 để trên, dưới chuẩn bị triển khai cho tốt”-ông Nhân nói và cho rằng năm 2022 giải ngân đầu tư y tế chỉ có 12%, 88% chưa giải ngân nên đề nghị nên cho chuyển sang 2023.

Ông Nhân cũng kiến nghị phải ban hành đủ các văn bản về định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến hoạt động ngành y tế. Hiện nay thống kê có 17.216 dịch vụ nhưng định mức ban hành chỉ có 1.937, chiếm 11,5%; 9.190 không có định mức thì quy đổi vào 1.927, quy đổi này nhiều nội dung không hợp lý và đặc biệt còn hơn 6 nghìn hoạt động dịch vụ không có định mức thì không biết chờ đến bao giờ.

Do đó ông Nhân kiến nghị, những định mức nào mà bộ chưa công bố thì giao cho các thành phố thành lập Hội đồng các Giám đốc bệnh viện cùng Giám đốc Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và đầu tư để bàn và đưa ra định mức ở tại địa phương mình trình Chủ tịch tỉnh, thành phố quyết định các địa phương tự làm, cho đến khi nào bộ ban hành định mức thì theo của bộ.

Ông Nhân cũng đề nghị bỏ các quy định không khả thi. Ví dụ theo Thông tư 58 trong đấu thầu có những lĩnh vực có thể có 3 báo giá, nhưng có lĩnh vực thì không thể có đủ 3 báo giá.

Cho rằng đã cho tự chủ chi thường xuyên, theo ông Nhân nên cho bệnh viện được quyết định mức thu nhập cho cán Bộ Y tế. Bởi chúng ta không cấp chi phí thường xuyên bệnh viện, các đơn vị tự chủ nhưng chúng ta quy định là chỉ được trả lương bao nhiêu, cơ bản không quá 2 lần Quỹ tiền lương và thưởng 3 tháng thì không hợp lý. Vì thế nên để việc này cho bệnh viện quyết định, miễn làm sao cán bộ giữ được người tốt, hoạt động hiệu quả, thu thường xuyên càng cao.

Ông Nhân cũng kiến nghị nên có cơ chế “ở dưới nói thì trên nghe”. Theo đó, khi các bệnh viện có ý kiến thì Bộ Y tế, Chính phủ nghe, xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nên có cơ chế 'ở dưới nói thì trên nghe'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO