Nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng

H.Hương-Y.Thanh 04/10/2022 06:00

Các số liệu kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn dự kiến. Hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc, các tổ chức kinh tế thế giới cũng đánh giá cao về sức bật của kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh lạm phát gia tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới.

Nền kinh tế đang đà bật dậy và vững vàng trong sóng gió. Ảnh: Quang Vinh.

Năm 2022 đã đi qua được 2/3 chặng đường. Các dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2022 của đất nước rất khả quan. Phục hồi và tăng đồng đều trong cả 3 khu vực, nông - lâm nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, lần lượt là 2,99%, 9,44% và 10,57%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng của GDP Việt Nam trong quý 4 cũng như cả năm 2022, với 2 kịch bản. Kịch bản thấp là dự kiến trong quý 4, tình hình kinh tế được đánh giá là vẫn còn nhiều khó khăn, khó đoán định, nên phương án thấp là tăng trưởng đạt 7,5%. Với kịch bản là trong bối cảnh diễn biến như hiện nay, không có đột biến, thuận lợi đối với nền kinh tế từ bên ngoài, Bộ KHĐT dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng 8%.

Kinh tế vĩ mô ổn định chắc chắn

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, với CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đến ngày 26/9 tín dụng tăng 10,83% so với cuối năm trước; tỷ giá ổn định, phù hợp với dư địa điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, giảm áp lực tăng giá đầu vào nhập khẩu và áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.

Về xuất khẩu, 9 tháng đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1%, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%. Nền kinh tế sau 9 tháng xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc, trong đó, sản xuất công nghiệp phục hồi tốt.

Dưới góc độ doanh nghiệp (DN), ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các DN dệt may đã chủ động chuyển đổi, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước để chủ động về thời gian giao nhận, tiết kiệm chi phí vận chuyển; đồng thời thường xuyên đàm phán, tìm kiếm khách hàng, đơn hàng mới nhằm đảm bảo duy trì sản xuất. Ngoài ra, các DN được khuyến nghị nên chủ động trong các vấn đề liên quan đến tỷ giá, thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định tính thanh khoản, đảm bảo cho hoạt động của DN được thông suốt.

Tại buổi họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam diễn ra ngày 21/9, ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Kinh tế phục hồi ổn định nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh là điều kiện quan trọng nhất để giúp cho Việt Nam phục hồi và tăng trưởng nhanh. So với một số nước, kể cả những nước phục hồi và tăng trưởng tốt, nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô không ổn định và chắc chắn như Việt Nam. Đây chính là lý do trong bảng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương được nâng cấp trong khi các nền kinh tế khác hoặc bị hạ xuống hoặc giữ nguyên.

Còn theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,2% trong năm 2022, trên cơ sở nhu cầu quốc nội phục hồi mạnh mẽ và hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.

Cụ thể hơn, báo cáo của WB cho biết, các động lực tăng trưởng của Việt Nam dự kiến sẽ xoay quanh nhu cầu từ cả trong và ngoài nước, từ ngành chế biến chế tạo cho đến ngành dịch vụ khi xuất khẩu sang các thị trường lớn (Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc) ở mức trung bình.

9 tháng đầu năm 2022, kinh tế phát triển rất ấn tượng.

Tăng trưởng lạc quan

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, sự tăng trưởng GDP tích cực ngoài mong đợi, khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần đồng lòng, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp. Đây là minh chứng thuyết phục cho thấy nền kinh tế đang đà bật dậy và vững vàng trong sóng gió, nhờ có những nền tảng vững chắc và dư địa nhiều, tăng trưởng sẽ là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế trong thời gian còn lại của năm.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Trọng Thịnh, có nhiều nguyên nhân để các định chế tài chính cũng như giới chuyên gia lạc quan về tăng trưởng Việt Nam. Trong đó tình hình dịch bệnh được kiểm soát là nền tảng căn bản cho duy trì sự ổn định xã hội, tâm lý người dân, các hoạt động kinh tế quay trở về trạng thái bình thường, ổn định và phát triển sau một thời gian dài “cửa đóng then cài”.

Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận các chính sách hỗ trợ sản xuất, an sinh xã hội kịp thời, đúng đối tượng là tiền đề cho tiến trình khôi phục sản xuất, đảm bảo an toàn, an sinh tới mọi người dân. Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi mạnh, nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất tăng, nhu cầu du lịch, đi lại của người dân tăng mạnh, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao.

Những yếu tố này vẫn sẽ là nhân tố tích cực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 3 tháng còn lại của năm. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ sản xuất thông qua chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022-2023 cũng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà cho nền kinh tế phát triển.

Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng của GDP Việt Nam trong quý 4 cũng như cả năm 2022, với 2 kịch bản. Kịch bản thấp là dự kiến trong quý 4, tình hình kinh tế được đánh giá là vẫn còn nhiều khó khăn, khó đoán định, nên phương án thấp là tăng trưởng đạt 7,5%. Với kịch bản là trong bối cảnh diễn biến như hiện nay, không có đột biến, thuận lợi đối với nền kinh tế từ bên ngoài, Bộ KHĐT dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng 8%.

Trả lời báo giới, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, bên cạnh các yếu tố tích cực, khó khăn vẫn còn nhiều. Trong đó mọi biến động trên thế giới rất khó lường cùng những ảnh hưởng trong thời gian tiếp theo, đặc biệt là địa chính trị, thiên tai, bão lũ… sẽ làm suy giảm cầu của thế giới, từ đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu; tác động trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân, DN. Đồng thời, giá xăng dầu, năng lượng, một số nguyên liệu đầu vào trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất. Sự thay đổi, áp lực của tỷ giá quốc tế cũng tác động đến lãi suất, tỷ giá ở Việt Nam, tạo áp lực cho đầu vào của sản xuất trong nước, từ đó sản phẩm đầu ra có khả năng tăng giá.

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính:

Sức mạnh kinh tế thể hiện ở khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng

Sức mạnh kinh tế được thể hiện ở khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát. Khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài của Việt Nam giai đoạn vừa qua cũng tốt hơn hẳn các nước đồng hạng. Yếu tố thứ hai là nền tảng về chính sách tài khóa. Việt Nam đã thực hiện chính sách tài khóa thận trọng. Lạm phát, bội chi được hạn chế và giảm xuống. Nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Tái cơ cấu nợ công hiệu quả, chi phí đi vay của Việt Nam đang thấp xuống và chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước là chính. Đây là hai yếu tố cơ bản để Moody’s đánh giá và quyết định nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam từ từ Ba3 lên Ba2.

Ông Lê Trung Hiếu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:

Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm khôi phục nền kinh tế, đối phó với diễn biến lạm phát tăng cao cũng như áp lực tăng giá. Kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng của năm 2022 là một minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua và những triển vọng tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2022. Nhiều tổ chức dự báo, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao trong cả năm 2022. Cụ thể, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022. ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% năm 2022… Như vậy, nhìn chung, các tổ chức quốc tế đều nhìn nhận tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022.

Dựa vào kết quả hoạt động kinh tế 9 tháng năm 2022, ước tính tăng trưởng sản xuất của các ngành, lĩnh vực và đánh giá hiệu quả từ các chính sách kinh tế của Việt Nam, Tổng cục Thống kê đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2022. Dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam đạt 7,5 - 8%.

T.Hằng(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng