Nền kinh tế tiếp tục đà tăng tốc

Lục Bình 02/03/2018 07:00

Vượt lên thói quen “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nền kinh tế tiếp tục đà tăng tốc, nhiều lĩnh vực chuyển biến mạnh mẽ trên đà của năm 2017- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết như vậy tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 1/3. Chiều cùng ngày Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo thông tin về phiên họp này.

Nền kinh tế tiếp tục đà tăng tốc

Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018 diễn ra chiều qua 1/3.

Không để tụt hậu

Tổng kết lại việc tổ chức đón Tết cho nhân dân, truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã chủ động, tích cực, làm hết sức mình để chuẩn bị cho nhân dân vui xuân, đón Tết.

Về tình hình kinh tế - xã hội hai tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ và đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực và tăng tốc là khí thế chủ đạo trong bức tranh chung với nhiều điểm sáng như theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 22,9%; xuất siêu hơn 1 tỷ USD (cùng kỳ nhập siêu gần 50 triệu USD).

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,2% cao gấp trên 6 lần mức tăng cùng kỳ năm trước (2,4%).

Trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 17,7% (cùng kỳ tăng 6,6%), khai khoáng đã tăng trở lại, đạt 5,7% (cùng kỳ giảm 13,7%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,1% (cùng kỳ tăng 5,1%).

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh đạt trên 2,86 triệu lượt, tăng 29,7%.

Riêng về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng có Tết Nguyên đán tăng 0,73%, bình quân 2 tháng tăng 2,9% (cùng kỳ tăng 5,12%), theo ông Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý đến con số này.

“Tình hình thế giới có nhiều biến đổi, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, cần lưu ý sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn”, do đó, “các Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các bộ, ngành liên quan cần phải tính toán kỹ việc điều chỉnh lộ trình giá thị trường một cách phù hợp, đặc biệt là giá điện, nước, giáo dục, y tế”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập cần sớm khắc phục như vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước vẫn đạt thấp, 2 tháng đạt gần 9% kế hoạch năm. Trong khi đó, việc thu hút các nguồn lực từ trong nước và nước ngoài để chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn đặt ra rất gay gắt.

Làm sao sức dân, sức sản xuất trong nước được giải phóng để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển? Nếu không trả lời tốt câu hỏi này nền kinh tế sẽ tụt hậu.

Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải tính đến hiệu quả đầu tư

Trả lời câu hỏi ý kiến khác nhau giữa tư vấn Pháp và TPHCM về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Ngọc Đông- Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, phải đặt việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trong bối cảnh phát triển chung cảng hàng không khu vực này và theo lộ trình đến năm 2025 đưa sân bay Long Thành vào khai thác. Khi đưa vào khai thác sân bay Long Thành không có nghĩa sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đóng cửa, mà vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, giống như một số sân bay tương tự tại Nhật Bản, Thái Lan...

“Chúng ta phải xác định, cân nhắc hiệu quả đồng vốn đầu tư, hiệu suất sử dụng để không dư thừa năng lực, đồng tiền khi đầu tư… Tất cả những mặt này đã được nghiên cứu kỹ từ tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài”- Thứ trưởng Đông nói.

Về những ý kiến phản biện của nhóm tư vấn TP HCM, ông Đông cho hay, Bộ sẽ tiếp thu và làm rõ việc quy hoạch trước kia còn phù hợp hay không trong bối cảnh tương quan 2 sân bay (Long Thành và Tân Sơn Nhất).

Theo ông Đông, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc và xây thêm đường băng thứ 3 hay không đã được đề cập trước đây, qua nghiên cứu, tư vấn nước ngoài đề nghị không xây dựng đường băng thứ 3 và phát triển thêm đường lăn, phát triển ga hàng hoá, cơ sở dịch vụ hàng không…

Bộ sẽ tiếp thu cả những ý kiến mang tính phản biện, hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng trong tháng 3.

Bổ sung thêm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng cho phép Bộ Giao thông - Vận tải thuê tư vấn nước ngoài đánh giá toàn diện và độc lập về các phương án quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Thời gian qua TP HCM cũng chủ động có nhóm nghiên cứu của thành phố với tinh thần tích cực và trách nhiệm.

“Thủ tướng đã nghe tổ tư vấn của TP HCM báo cáo, việc các bên tư vấn có quan điểm khác nhau là bình thường. Trong tuần sau, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe các báo cáo liên quan và lãnh đạo Chính phủ sẽ xem xét vấn đề theo quy định”- ông Dũng cho biết.

Phong hàm phải đảm bảo chất lượng

Câu chuyện ồn ào trên dư luận thời gian qua về phong hàm giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đã được nêu ra nhiều tại cuộc họp báo như kết quả rà soát thế nào? Chính phủ có muốn các thành viên của mình bỏ thời gian để có các chức danh như GS, PGS không?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng thông tin, việc xét công nhận đạt chức danh GS, PGS là công việc thường niên Bộ GD&ĐT vẫn làm.

Trong năm 2017, số lượng đạt chức danh GS, PGS tăng nhiều hơn năm trước do thời gian nộp hồ sơ kéo dài thêm 6 tháng nên tăng ứng viên đủ điều kiện, do những năm gần đây Chính phủ có các đề án cho giảng viên các trường đại học được đi đào tạo tại nước ngoài, nhiều cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập rất chú trọng việc đào tạo để có các chức danh GS, PGS…

Bổ sung thêm ý của Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngay khi có ý kiến về đào tạo tiến sĩ, chức danh GS, PGS, Thủ tướng đã lập tức có chỉ đạo, yêu cầu rà soát toàn bộ lại các ứng viên.

Hôm nay, Bộ GD&ĐT đã chính thức báo cáo Thủ tướng về kết quả rà soát, có 94 ứng viên chưa đủ tiêu chuẩn.

Nghiên cứu thêm về BOT

Trả lời câu hỏi về phương án giải quyết trạm BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã đưa ra 4 phương án nhưng các phương án này đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, thời gian thu phí cũng khác nhau.

“Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm các phương án và báo cáo Thủ tướng trong vài ngày tới, trong đó có cả phương án giảm thu phí từ 30% đến 100% cho người dân ở các xã lân cận trạm BOT”- ông Đông nói.

Về cấm Uber, Grab ở 11 tuyến phố, ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tổ chức giao thông, thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội. Grab, Uber là loại hình vận tải, nếu tuyến phố cấm, phải công bằng các loại phương tiện, xe vận tải hành khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nền kinh tế tiếp tục đà tăng tốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO