Nền kinh tế vượt bão

Nam Việt 29/10/2020 11:00

Chưa năm nào nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn như năm nay. Ngay từ đầu năm phía Bắc đã mưa đá, sương mù và tới đầu tháng 10 đã có những đợt rét sớm. Có ngày, nhiệt độ ở Sa Pa xuống 7 độ C. Còn ở phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long năm nay coi như không có mùa nước nổi; trong khi đó triều cường cao đẩy mặn vào sâu nội đồng, nhiều nơi lại khô hạn. Nhưng khủng khiếp nhất là những đợt mưa lũ kéo dài ở miền Trung suốt từ đầu tháng 10 tới nay. Hàng trăm ngàn ngôi nhà chìm trong nước, hơn 100 người tử nạn. Và, suốt từ đầu năm tới nay cả nước phải căng mình chống đại dịch Covid-19, phải thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khởi công tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, tháng 9/2020.

1. Do biến đổi khí hậu cùng với sự cực đoan của thời tiết, việc sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Trong những khó khăn đến từ thiên nhiên thì đợt lũ lịch sử đã và đang diễn ra tại các tỉnh miền Trung (từ Nghệ An tới Quảng Nam) rất khốc liệt.

Kể từ ngày 2/10, mưa lớn trút xuống miền Trung. Những trận mưa tầm tã, vắt từ ngày sang đêm, từ ngày này sang ngày khác. Đợt mưa đầu tiên chưa qua thì đã bắt ngay vào đợt mưa thứ hai, kể từ ngày 15/10.

Những vùng núi cao của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam bị nước lũ tấn công. Ở đây, địa hình hẹp và dốc, nhiều sông suối nên khi mưa lớn kéo dài thì lập tức nước sông suối dâng cao và tạo nên những trận lũ lớn. Nước ầm ầm như thác trước khi đổ về hạ du thì cũng đã kịp cuốn đi hàng ngàn nóc nhà, chia cắt, cô lập các thôn bản trong vùng. Nước ngập lâu ngày khiến đất nhão ra, gây nên sạt lở. Hai vụ sạt lở cực kì nghiêm trọng ở A Lưới (Thừa Thiên-Huế) và Hướng Hóa (Quảng Trị) đã cướp đi sinh mạng hàng chục con người, cả cán bộ, chiến sĩ quân đội và người dân.

Những đợt tìm kiếm, cứu nạn vô cùng gian nan vừa qua cho thấy sự khốc liệt nơi vùng núi của các tỉnh miền Trung mỗi khi mùa mưa bão đến.

Ở khu vực này, những vùng trũng, trong đó có cả các đô thị cũng không thoát khỏi bị nước dữ tấn công. Người dân phải đi thuyền ngay trên những con đường làng ngày nào vốn rất bình yên, thơ mộng. Nhiều người dân phải trèo lên nóc nhà tránh lũ trong đói rét. Thành quả lao động vun vén biết bao ngày bị cuốn đi chỉ trong một trận lũ. Sản xuất đình trệ, người dân khốn khổ.

Trong mùa mưa lũ, hệ thống hồ thủy lợi, thủy điện, đập tràn ở miền Trung cũng đứng trước thử thách lớn. Hồ đập ở đây đều đã no nước, trong khi nước từ các dòng sông vẫn tiếp tục dồn về với mức báo động 3. Nước lũ lên nhanh nhưng lại rút chậm khiến tình hình rất căng thẳng. Khi lũ đang dâng, việc xả lũ của hệ thống hồ đập sẽ gây ra lũ chồng lũ, vì thế việc điều tiết xả lũ là vô cùng hệ trọng. Trong đợt mưa lũ này, hồ Kẻ Gỗ của Hà Tĩnh là một ví dụ điển hình khi mà lượng nước xả tràn có hôm lên tới 1000 m3/s.

Miền Trung trong mưa lũ kéo dài lại tiếp tục âu lo về bão số 8, bão số 9 hình thành trên Biển Đông. Và như vậy, tình hình phát triển kinh tế ở khu vực này năm nay coi như bằng không.

2. Cùng với thiên tai, thì đại dịch Covid-19 bắt đầu từ đầu năm cho tới nay vẫn chưa chấm dứt.

Ngay từ đầu năm cả nước đã phải áp dụng những biện pháp mạnh, đó là khoanh vùng, truy vết, giãn cách, cách ly… Vì thế, các hoạt động kinh tế cũng bị ngưng trệ. Rõ nhất là giao thông, du lịch, khi cả hai ngành này đều sụt giảm nghiêm trọng. Khách du lịch quốc tế gần như về không, khách du lịch trong nước chỉ “bùng lên” sau đợt dịch thứ nhất rồi lại “im ắng” với đợt dịch thứ hai. Ngành du lịch, giao thông đã tổ chức nhiều đợt khuyến mại, giảm giá dịch vụ sâu nhưng vẫn chưa thể tái hoạt động bình thường.

Cùng đó, cộng đồng doanh nghiệp, cả nhà nước và tư nhân, cũng gặp vô vàn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải cầu cứu khi mà hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đình trệ. Không ít doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động; người lao động bị giãn việc, thu nhập giảm sút; nhiều lao động mất việc, thất nghiệp.

Hoạt động kinh doanh buôn bán nhỏ cũng gặp khó khăn khi nhiều tiểu thương phải dừng bán hàng, nếu tiếp tục hoạt động thì cũng chỉ là cầm cự.

Vậy, trong “khó khăn kép”, trong “bão” như vậy, nền kinh tế nước nhà ứng phó ra sao?

3. Trong nhiều chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ luôn nhấn mạnh tinh thần không để “virus trì trệ” trói chân trói tay chúng ta. Không ngành nào, địa phương nào được phép chần chừ “nhìn trước ngó sau” mà phải vào cuộc, vừa chống dịch vừa hồi phục, phát triển kinh tế.

Nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp, hỗ trợ người nghèo được Chính phủ tiến hành. Trong khó khăn phát triển kinh tế, điều vô cùng hệ trọng luôn được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra là không được để người nghèo thiếu ăn, đói rét, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Như vậy là, đất nước vừa phải chống đại dịch, đương đầu với thiên tai, khôi phục sản xuất trong khó khăn thì cũng phải làm hết sức mình để lo cho dân, an sinh xã hội. Nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Nhưng, trong tình thế khó khăn ấy, chúng ta đã tìm ra lối thoát dựa trên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và những chủ trương đúng, những hành động quyết liệt.

Ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Đây là mốc son trong hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. EU, gồm 27 quốc gia với hơn 500 triệu dân, thu nhập của người dân cao là thị trường đầy tiềm năng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Ngay sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã lên đường thâm nhập thị trường. Những container đầy ắp nông sản, trái cây của Việt Nam đã xuống tàu biển nhắm hướng sang châu Âu. Việc này một lần nữa cho thấy giá trị và sức mạnh của nông nghiệp của Việt Nam. Chúng ta đã vào tốp đầu thế giới về xuất khẩu gạo, hồ tiêu, cao su, điều, cà phê… thì nay những loại trái cây thơm ngon như xoài, thanh long, chôm chôm, vải thiều lại tiếp tục chinh phục người tiêu dùng trên thế giới. Trong lúc nền kinh tế gặp khó khăn, thì nông nghiệp xứng đáng là trụ đỡ, là “vịnh tránh bão” an toàn.

Một điểm sáng, mạnh mẽ nữa trong việc thúc đẩy nền kinh tế chính là lĩnh vực đầu tư công. Chính phủ đã hết sức coi trọng việc này khi đưa dòng vốn lớn vào sản xuất. Nếu như từ đầu năm cho tới tháng 9, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp, thì từ đó tới nay tốc độ giải ngân đã được đẩy mạnh. Thủ tướng rất kiên quyết khi nhấn mạnh nơi nào giải ngân chậm thì người đứng đầu địa phương, bộ ngành đó phải chịu trách nhiệm. Nơi nào chậm giải ngân, sẽ điều chuyển vốn cho nơi khác.

Từ chủ trương đúng và cách làm kiên quyết, nên dòng chảy vốn đầu tư công đã được khơi thông. Lượng tiền lớn bơm vào xã hội sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển, đó là điều chắc chắn.

Ngày 30/9, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai đồng loạt tổ chức lễ khởi công 3 Dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Phát biểu tại Lễ phát động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm vui mừng khi đất nước bắt đầu triển khai xây dựng tuyến cao tốc lớn nhất kết nối hai miền Bắc - Nam. Đây là dự án trọng điểm Quốc gia, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, với các công trình hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh. Mặt khác, sẽ góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế; giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ đã và đang đầu tư; tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương có dự án đi qua; phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển GTVT. Đây cũng là việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo công ăn việc làm, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Cụ thể: Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 có chiều dài khoảng 63,37 km, trong giai đoạn I xây dựng 4 làn xe hạn chế, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỷ đồng. Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8 km, trong giai đoạn I đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế với tổng mức đầu tư giai đoạn là hơn 10.853 tỷ đồng. Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài khoảng 99 km, giai đoạn I xây dựng theo quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư điều chỉnh là hơn 12.577 tỷ đồng.

Đây là số tiền rất lớn và cũng là quyết tâm rất lớn của Chính phủ khôi phục, phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đất nước gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó mang đến cho chúng ta niềm tin về một nền kinh tế vượt bão.

Đến thời điểm này, nhiều tổ chức quốc tế nhận xét, Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương trong năm 2020 đầy khó khăn này. Và đó là thành tích rất đáng tự hào của đất nước trong một năm cực kỳ khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nền kinh tế vượt bão

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO