Nêu cao trách nhiệm trong đấu tranh chống tham nhũng

H.Vũ (thực hiện) 21/09/2020 06:35

Thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, từ những kết quả đã đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục đẩy mạnh.

Ông Lê Như Tiến.

Trao đổi với ĐĐK, theo ông Lê Như Tiến, ĐBQH khóa XIII, nếu người đứng đầu đơn vị làm tốt sẽ đẩy nhanh công cuộc phòng, chống tham nhũng một cách mạnh mẽ.

PV:Thưa ông, trong thời gian qua dù chúng ta đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên tệ nạn tham nhũng vẫn nhức nhối. Theo ông nguyên nhân chính là do đâu?

Ông Lê Như Tiến: Chúng ta cần đánh giá khách quan hai mặt của vấn đề. Đầu tiên phải khẳng định trong thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã có sự cương quyết. Sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, Ủy ban Kiểm tra của Đảng, Thanh tra Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã đem lại hiệu quả. Qua đó đã phát hiện nhiều vụ tham nhũng lớn, thất thoát lượng lớn tài sản nhà nước. Tinh thần đấu tranh triệt để, không có vùng cấm cũng được thể hiện trong thời gian qua từ việc xử lý những sai phạm của các cán bộ vi phạm.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần phải tiếp tục làm quyết liệt hơn. Nếu tích cực hơn, chúng ta sẽ phanh phui được nhiều vụ án hơn nữa, và nhiều vụ đại án sẽ được đưa ra ánh sáng sớm hơn. Tôi nói ví dụ, 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương gây thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng nếu được phát hiện sớm hơn thì đã không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Nói vậy để thấy rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan truy tố, xét xử, thi hành án. Cần sự vào cuộc nhiều hơn của cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp. Nếu xử lý không nhanh, để kéo dài thì tài sản có thể bị người tham nhũng tẩu tán và người tham nhũng cao chạy xa bay. Lúc đó chúng ta sẽ tốn kém thời gian và tiền bạc để tổ chức truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế.

Cá nhân ông có suy nghĩ gì khi thực tế việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ vẫn là khâu yếu chưa được khắc phục?

- Đây đang là khâu yếu hiện nay và chúng ta cần khắc phục trong thời gian tới. Nhiều vụ án tham nhũng không phải do trong nội bộ cơ quan, đơn vị phát hiện ra mà do chính sự phát hiện của báo chí, người dân.

Phải thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua báo chí và người dân đã góp phần to lớn trong việc phát hiện tham nhũng thay vì lực lượng chức năng. Hay ngay bản thân các cơ quan cấp trên của các cơ quan đó trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng không phát hiện ra những sai phạm. Tôi cho rằng, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đó. Nếu người đứng đầu làm tốt sẽ đẩy nhanh công cuộc PCTN một cách mạnh mẽ hơn.

Năm qua đã có 81 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong khi tham nhũng vẫn được đánh giá là còn nghiêm trọng, thì số người đứng đầu bị xử lý còn “khiêm tốn” cũng là nguyên nhân khiến công tác PCTN chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, thưa ông?

- Ở đây có hai góc độ. Thứ nhất, người đứng đầu có khi biết trong cơ quan mình có tiêu cực, tham nhũng nhưng không dám nêu ra bởi vì sợ trách nhiệm. Do nếu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan thì chính người đứng đầu cũng bị liên đới trách nhiệm, ít nhất là trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo khi quản lý làm sao lại để xảy ra tham nhũng, tiêu cực ngay trong chính cơ quan mình, tỉnh mình, bộ mình quản lý. Cho nên nhiều khi người đứng đầu không muốn làm lớn vấn đề, chỉ rút kinh nghiệm nội bộ.

Thứ hai, người đứng đầu có khi biết nhưng che dấu, vì trong đó có lợi ích nhóm, có sự tham gia của họ. Họ che dấu để vụ lợi cho họ và lợi ích nhóm của họ. Nếu bị phát hiện thì họ bị chịu truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo tôi, đó là hai nguyên nhân chính khiến ít người đứng đầu phanh phui ra tham nhũng, tiêu cực ở chính cơ quan, đơn vị mình.

Như vậy cũng cho thấy sức chiến đấu trong nội bộ của chúng ta đang yếu?

- Đúng vậy. Như thế có nghĩa sức chiến đấu, đấu tranh, tự phê bình và phê bình trong nội bộ đang yếu. Có khi biết nhưng vì nể nang, dĩ hòa vi quý, “tôi không động đến anh, anh không động đến tôi”.

Theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì để quy trách nhiệm người đứng đầu rõ hơn, cũng như giải pháp để ngăn chặn tham nhũng?

- Tại một số luật vừa được sửa đổi, bổ sung như: Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Cán bộ công chức, viên chức, Bộ luật Hình sự đã quy định rõ về trách nhiệm người đứng đầu trong việc PCTN. Tôi cho rằng nếu người đứng đầu công khai, minh bạch về tình hình tham nhũng tại cơ quan đơn vị họ thì cần biểu dương họ để làm gương, khích lệ, tạo hiệu ứng trong xã hội.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra kiểm tra của cơ quan cấp trên, tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực. Nếu không kiểm soát quyền lực, người có quyền sẽ lộng quyền, lạm quyền, chuyên quyền. Cho nên phải tăng cường kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa các tổ chức, đơn vị trong cơ quan. Mỗi cán bộ công chức tại mỗi cơ quan, đơn vị cần phải là “tai mắt”, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nêu cao trách nhiệm trong đấu tranh chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO