Nga có thực sự can dự vào bầu cử Mỹ?

Khánh Duy 03/08/2016 09:00

Giới truyền thông và chính trị gia Mỹ thời gian qua liên tiếp cáo buộc Nga đã hack email của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) mà không đưa ra chứng cứ. Moscow đã gọi cáo buộc này là “ngớ ngẩn”, trong khi website công bố rò rỉ - WikiLeaks - cũng từ chối công khai nguồn của họ và tuyên bố sẽ tiếp tục tung thêm tài liệu rò rỉ trước kỳ tổng tuyển cử tháng 11 tới.

Nga có thực sự can dự vào bầu cử Mỹ?

Cựu Chủ tịch DNC Debbie Wasserman Schultz (trái) và bà Hillary Clinton
đều cho rằng Nga đứng đằng sau vụ rò rỉ email. (Nguồn: Reuters).

Khoảng 20.000 bức emil của DNC đã được công bố bởi WikiLeaks trong ngày 22/7 vừa qua, trong đó phanh phui mối quan hệ giữa giới chức đảng Dân chủ và một số nhân vật có ảnh hưởng trong giới truyền thông chính thống ở nước Mỹ, cùng lúc phối hợp với bà Hillary Clinton để loại bỏ ứng viên đối thủ Bernie Sanders.

Vụ bê bối đã khiến cho Chủ tịch DNC, bà Debbie Wasserman Schultz, phải tuyên bố từ chức ngay trước khi đại hội toàn quốc đảng Dân chủ tổ chức tại Philadelphia; sau đó phản bác lại bằng việc đưa ra cáo buộc rằng Nga đứng đằng sau các vụ tấn công mạng và công bố email rò rỉ trên; cho rằng Moscow đang hậu thuẫn ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Trong suốt thời gian vừa qua, sự việc đã trở thành miếng mồi ngon cho hàng loạt các hãng tin lớn ở nước Mỹ, với các tiêu đề lên trang chủ như “Tình báo Nga hack email của DNC” (NBC), “Nga bị nghi hack DNC” (Yahoo News), “Mọi dấu hiệu đều cho thấy Nga đứng sau vụ hack DNC” (Motherboard), “Chứng cứ cho thấy kẻ hack DNC liên quan tới Nga” (The Hill) hay “Chúng ta biết gì về vai trò của Nga trong vụ hack DNC” (Politifact).

Tuy nhiên, chưa có chứng cứ nào để chứng tỏ điều này. Thay vào đó, báo chí Mỹ chỉ chủ yếu dựa vào những lời nói bóng gió kiểu như: “Dường như giới chuyên gia an ninh mạng đều nhất trí rằng” Nga chịu trách nhiệm cho việc này. Một số chuyên gia khác còn chỉ ra “chứng cứ” rằng ông chủ WikiLeaks Julian Assange đã đứng đầu một show truyền hình trên hãng thông tấn RT của Nga - dù chương trình này đã được phát sóng từ năm 2012.

Các tuyên bố về sự dính líu của Nga thực chất xuất hiện từ khoảng trung tuần tháng Sáu vừa qua, khi các tài liệu bị rò rỉ của DNC lần đầu tiên xuất hiện trên blog của Guccifer 2.0, một hacker người Romania từng tuyên bố nhận trách nhiệm vụ việc. Nhưng CrowdStrike, công ty an ninh mạng mà DNC thuê để điều tra vụ rò rỉ, sau đó lại kết luận Nga đứng sau sự việc mà không đưa ra chứng cứ.

Về phần mình, Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc trên, nói rằng điều đó thật “ngớ ngẩn”. Người phát ngôn Dmitry Peskov còn nói rằng đó là “phong cách Mỹ” khi luôn đổ tội đầu tiên rồi sau đó mới bắt đầu điều tra.

“Ở Nga, chúng tôi có thói quen điều tra trước rồi mới buộc tội ai đó. Chúng tôi tin rằng điều này hợp lý và chính xác hơn” - ông Peskov tuyên bố.

“Những thông tin bị rò rỉ rất thú vị, nó chỉ ra các hành động đặc biệt nhằm thảo túng dư luận trong khoảng thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử” - ông Peskov nói thêm - “Trong trường hợp này, người ta cố gắng che đậy sự thao túng trên bằng cách đổ tội cho nước Nga. Nga không hề can dự và sẽ không bao giờ can dự vào chuyện nội bộ nước khác, đặc biệt là quá trình bầu cử ở các nước trong đó có cả Mỹ”.

Trong khi đó, ông chủ WikiLeaks, Julian Assange, cũng gọi những lời cáo buộc của DNC là một hành động nhằm hướng sự chú ý của dư luận sang một vấn đề khác nội dung các tài liệu bị rò rỉ. Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN tại đại sứ quán Ecuador ở London, nơi mà ông xin diện tị nạn hồi tháng 6-2012, Assange cũng bác bỏ sự ngờ vực rằng Nga đứng đằng sau vụ tấn công mạng này.

“Tôi là một nhà báo nên sẽ không tiết lộ nguồn tin của mình” - Assange nói - “Mục tiêu của WikiLeaks là đóng vai trò tổ chức truyền thông biến một thế giới đen tối thành một thế giới sáng hơn thông qua việc đưa tin, và chúng tôi đang làm điều đó”.

Vụ rò rỉ đã gây không ít rắc rối cho phía đảng Dân chủ ở Mỹ ngay trước khi họ tổ chức đại hội đảng toàn quốc ở Philadelphia. Nhiều cử tri từng bỏ phiếu ủng hộ ứng viên Bernie Sanders đã tỏ ra rất tức giận khi nghe tin ông này đã bị DNC gây sức ép để nhường vị trí ứng viên đại diện cho bà Clinton.

Vụ tấn công mạng khiến rò rỉ email của DNC cũng khiến cho phía đảng Dân chủ rất tức giận. Một số tuyên bố từ DNC và chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton đã mô tả WikiLeaks và Donald Trump là “điệp viên của Kremlin” - bị Trump phản bác là “một trò đùa mới”.

Hiện nay, dù cả hai ứng viên của hai chính đảng Mỹ đều có lượng cử tri ủng hộ tăng lên sau đại hội đảng, một cuộc thăm dò do Đại học Nam California và tờ Los Angeles Times thực hiện mới đây cho thấy Donald Trump hiện đang dẫn trước bà Clinton 4 điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nga có thực sự can dự vào bầu cử Mỹ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO