Nga-Mỹ trong thế đối đầu nguy hiểm ở Syria

Khánh Duy 21/06/2017 08:05

Rủi ro xảy ra cuộc đối đầu trực diễn giữa quân đội Nga-Mỹ trên lãnh thổ Syria đã gia tăng đột biến sau khi chính quyền Moscow tuyên bố rằng họ sẽ coi bất cứ máy bay nào của liên minh do Mỹ dẫn đầu ở khu vực phía Tây sông Euphrates là một mục tiêu tiềm tàng.

Sự việc máy bay Syria bị Mỹ bắn hạ đã đẩy Nga, Mỹ vào tình thế đối đầu nguy hiểm. (Nguồn: Reuters).

Tuyên bố được đưa ra sau sự việc các máy bay của Mỹ bắn hạ một phi cơ chiến đấu của chính phủ syria trong hôm cuối tuần trước. Washington sau đó cho rằng, họ hành động như vậy nhằm bảo vệ các lực lượng mà Mỹ hậu thuẫn, hiện đang tái chiếm lại thành phố Raqqa từ tay phiến quân IS. Đây là lần đầu tiên Mỹ tấn công nhằm vào một máy bay chính phủ Syria kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu cách đây 6 năm.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trong hôm đầu tuần đã cho rằng, đòn tấn công của Mỹ “phải được nhìn nhận là sự bất tuân luật pháp quốc tế”. Bộ Ngoại giao Nga cũng nói rằng họ sẽ phản ứng trước hành động trên bằng cách ngừng kênh thông tin của họ với quân đội Mỹ, vốn được thiết lập để tránh các vụ đụng độ và đối đầu nguy hiểm trên không phận Syria.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Mỹ - Joseph Dunford, trong hôm 20-6 đã tìm cách giảm nhẹ bầu không khí căng thẳng, khẳng định rằng đường dây nóng giữa Bộ Tư lệnh Mỹ ở Qatar và của Nga ở Syria vẫn được duy trì và nó sẽ được tận dụng để giảm tình trạng căng thẳng hiện nay.

Trong khi đó, quân đội Nga cũng cảnh báo sẽ ngừng đường dân liên lạc này. Trước đó, trong tháng 4 vừa qua, Nga cũng từng dọa ngừng kênh liên lạc này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị cuộc tấn công tên lửa nhằm vào một căn cứ không quân của Syria do cáo buộc chính phủ nước này tấn công hóa học. Tuy nhiên sau đó đường dây vẫn được duy trì.

Tình hình căng thẳng tột độ giữa Mỹ và Nga trên lãnh thổ Syria hiện nay là do một quyết định mà Tổng thống Trump đưa ra, trong đó cho phép các tướng lĩnh quân đội được quyết định chiến lược quân sự của họ ở Syria. Lầu Năm Góc thì cho rằng họ không cố ý làm gia tăng căng thẳng, mà chỉ bảo vệ lực lượng liên minh với Mỹ gần khu vực mà phi cơ của chính phủ Syria không kích.

Tuy nhiên, ngoài vụ tấn công tên lửa hồi tháng 4 vừa qua, thì các lực lượng do Mỹ dẫn đầu đã từng tấn công nhằm vào lực lượng chính phủ Syria ít nhất 3 lần trong tháng trước, ở khu vực sa mạc phía Đông Syria, gần biên giới Iraq.

Trong phản ứng cứng rắn nhất của mình, Nga nhấn mạnh rằng trong thời gian tới họ sẽ theo dõi các phi cơ chiến đấu của lực lượng liên minh Mỹ dẫn đầu, thêm rằng “các máy bay trên chỉ bị đe dọa nếu như chúng có hành động đe dọa tới máy bay của Nga”.

“Mọi loại phương tiện bay, trong đó có cả máy bay và máy bay không người lái (UAV) của liên minh quốc tế mà Mỹ dẫn đầu, bị phát hiện đang hoạt động ở phía Tây sông Euphrates sẽ bị theo dõi như các mục tiêu bởi các hệ thống SAM của Nga” - Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Quân đội Mỹ đã xác nhận rằng chiếc máy bay F/A-18 Super Hornet của Hải quân đã bắn hạ một chiếc SU-22 trong hôm cuối tuần trước. Họ cho rằng máy bay Syria đã thả bom gần vị trí của lực lượng dân chủ Syria (SDF), phe nổi dậy hiện đang được Mỹ hậu thuẫn. Trong khi chính phủ Syria khẳng định rằng máy bay của họ đang chiến đấu chống phiến quân IS.

Đại tá John Thomas, người phát ngôn Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ, cho hay SDF đã bị đe dọa trong suốt 2 giờ đồng hồ, khiến Mỹ buộc phải có hành động.

Hiện nay, căng thẳng gia tăng giữa Washington và Moscow do cả hai bên đều có chiến dịch riêng nhằm tái chiếm lại thành phố Raqqa từ tay IS. Dường như đã khiến cho kế hoạch hàn gắn quan hệ với Nga của Tổng thống Trump đi lạc hướng hoàn toàn.

Nga, hiện đang ủng hộ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đã liên tiếp thúc đẩy Mỹ phối hợp trong chiến dịch tiêu diệt IS cả trên không lẫn dưới mặt đất, nhưng các cuộc thảo luận về tương lai chính trị ở Syria đã ngăn chặn nỗ lực đó.

Chiến lược đầy mơ hồ của chính quyền Tổng thống Trump trên lãnh thổ Syria thời điểm hiện nay đã gây ra nhiều sự kiện nguy hiểm, khiến ngay cả giới lập pháp trong nước này cũng tỏ rõ sự quan ngại. Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Chris Murphy mới đây còn cảnh báo trên Twitter rằng: “Tổng thống Trump đang âm thầm khởi động một cuộc chiến mới mà Quốc hội không hề cho phép. Đáng báo động”.

Tiến trình hòa bình Syria cũng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, khi các vòng đàm phán hòa bình ở Astana, Kazakhstan do Nga bảo trợ dự kiến sẽ được tổ chức cùng ngày 10/7 tới với các vòng hòa đàm mà Mỹ đứng ra tổ chức ở Geneva, Thụy Sỹ. Trong hôm đầu tuần, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố thời gian tổ chức hòa đàm nói trên, thêm rằng Đặc phái viên LHQ ở Syria, ông Staffan de Mistura, cũng tham dự.

Australia tạm ngừng chiến dịch không kích ở Syria

Do lo ngại về tình hình căng thẳng giữa Nga-Mỹ trên lãnh thổ Syria sau vụ máy bay quân sự Syria bị liên quân Mỹ dẫn đầu bắn hạ, Australia trong hôm 20/6 đã tuyên bố tạm ngừng các cuộc không kích nhằm vào IS ở Syria. Australia đã triển khai 6 phi cơ chiến đấu tới một căn cứ ở UAE để phục vụ các chiến dịch ở Syria.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nga-Mỹ trong thế đối đầu nguy hiểm ở Syria

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO