Nga từng bước đưa Sputnik V từ phòng thí nghiệm ra thực tiễn

Hà Anh (tổng hợp) 21/08/2020 19:15

Dù vấp phải không ít phản ứng trái chiều từ truyền thông phương Tây khi trở thành nước đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa Covid-19 mang tên Sputnik V một cách nhanh chóng, Nga đã từng bước chứng minh với người dân trong nước và thế giới về tính ứng dụng an toàn của loại vaccine quan trọng này.

Ảnh: Tass.

Quyết tâm của Nga

Ngày 21/8, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev công bố với báo giới rằng, Nga sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào tuần tới.

Ông Dmitriev cho biết, việc tiêm chủng cho các bác sĩ sẽ được thực hiện đồng thời với các thử nghiệm lâm sàng sau khi đăng ký.

"Việc tiêm chủng cho các nhóm có nguy cơ cao (các chuyên gia y tế) sẽ bắt đầu cùng lúc với quá trình thử nghiệm lâm sàng sau đăng ký. Những người nhận vaccine sẽ được theo dõi để đảm bảo rằng tất cả các quy trình được tuân thủ. Sau khi đăng ký, việc tiêm chủng có thể bắt đầu, phần lớn sẽ diễn ra ở Nga", ông Dmitriev tuyên bố.

Ông Dmitriev lý giải thêm rằng, đây hoàn toàn là việc tự nguyện cũng giống như tiêm chủng cho toàn bộ người dân Nga.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Marat Husnullin thông báo đã thực hiện tiêm chủng ngừa Covid-19. Ông Husnullin là quan chức chính phủ đầu tiên của Nga thực hiện tiêm vaccine Sputnik-V.

Việc quyết định triển khai tiêm vaccine cho các chuyên gia y tế ở Nga một cách nhanh chóng có lẽ là nhờ những thành công bước đầu của quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Theo đó, trong ngày 20/8, ông Denis Logunov, Phó Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh vật học Gamaleya cho biết, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận trong hồ sơ y tế của những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Sputnik V.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến thảo luận về vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới, ông Denis Logunov chia sẻ, vaccine đã được tiêm cho những tình nguyện viên khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 60 và cho thấy mức độ an toàn rất tốt. Không một tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận.

Theo ông Logunov, các tác dụng phụ thường gặp nhất chỉ là đau tại chỗ tiêm, hạ thân nhiệt ở một số tình nguyện viên và đau đầu.

“Tất cả những tác dụng không mong muốn này được coi là không đáng kể”, ông Logunov khẳng định và không quên giải thích thêm, giống như trong các thử nghiệm tiền lâm sàng khác, nhân viên của trung tâm đã nghiên cứu hiệu quả của vaccine Sputnik V bằng cách kích thích phản ứng miễn dịch. Thực tế cho thấy, 100% tình nguyện viên tham gia đã hình thành các kháng thể với số lượng lớn.

Ảnh: Tass.

Sự tin tưởng từ bên ngoài

Ngày 21/8, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard thông báo, Moscow đã cung cấp ít nhất 2.000 liều vaccine ngừa Covid-19 cho Mexico để bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Việc thử nghiệm dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9.

Cuối tuần trước, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Harry Roque cho biết, nếu việc điều trị được cơ quan giám sát ma túy của Philippines chấp thuận, Tổng thống Duterte sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Nga sớm nhất vào ngày 1/5/2021.

Ông Roque cũng cho biết, Manila rất mong được hợp tác với Moscow để tìm ra phương pháp điều trị Covid-19.

Cùng với đó, Thống đốc Bang Tierra del Fuego của Argentina Gustavo Melella cũng đã lên tiếng thể hiện sự quan tâm đến việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của Nga.

Ông Melella tin tưởng sự hợp tác giữa các quốc gia là cần thiết để đẩy lùi đại dịch Covid-19 và rằng, vaccine do Nga giới thiệu, với phác đồ liều kép sẽ tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài.

Trước đó cùng ngày, RDIF và bang Parana của Brazil đã đồng ý hợp tác sản xuất và tiếp thị vaccine Sputnik-V.

Ông Jorge Callado, người đứng đầu Viện Công nghệ Parana (Tecpar) của Brazil cho biết, Brazil có thể bắt đầu sản xuất Sputnik-V vào nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, ông Callado cũng lưu ý rằng, Chính phủ Brazil có thể nhập khẩu trực tiếp sớm hơn nếu Sputnik-V được chứng nhận và đăng ký tại Brazil.

Cùng chung mong muốn sử dụng vaccine Sputnik V của Nga, Đại sứ Nga tại Venezuela Sergei Melik-Bagdasarov cho biết, Venezuela đã sẵn sàng tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine ngừa Covid-19 của Nga. Nếu thử nghiệm thành công, Sputnik V sẽ được sử dụng và quảng bá trên thị trường Venezuela.

Đại sứ Bagdasarov bày tỏ hy vọng, Venezuela sẽ là một trong số những quốc gia đầu tiên được hưởng thành quả từ thành tựu nghiên cứu vaccine của Nga.

Trước đó hôm 11/8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vắcxin ngăn ngừa bệnh Covid-19.

Vaccine này do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển dựa trên một nền tảng đã được sử dụng để phát triển một số loại vaccine khác nhiều năm trước đây.

Giới chức Nga khẳng định, kết quả thử nghiệm đã cho thấy vaccine phát huy hiệu quả, có độ an toàn cao và khả năng miễn dịch kéo dài đến 2 năm.

Việc bào chế loại vaccine này sẽ được thực hiện tại hai cơ sở ở Nga gồm Viện Gamaleya và Công ty Binnopharm.

Theo ông Kirill Dmitriyev, Giám đốc điều hành của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), cho đến nay, Nga đã nhận được đơn đặt hàng trên 1 tỷ liều vaccine từ ít nhất 20 quốc gia trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nga từng bước đưa Sputnik V từ phòng thí nghiệm ra thực tiễn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO