Ngẫm về Xiếc - Bài 1: Không dễ 'nuôi' đam mê

01/06/2023 08:38

Có một nghịch lý ít người biết về ngành Xiếc, trong tất cả các loại hình nghệ thuật mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang quản lý, Xiếc vẫn là lĩnh vực có lượng khán giả ổn định. Thế nhưng, lâu nay, phần lớn công chúng vẫn nghĩ Xiếc Việt Nam đang rất khó thu hút người xem. Nguyên nhân của thực tế trên là gì?.

Thành lập từ năm 1961, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam (Trường Xiếc, ở Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) được xem là chiếc nôi đào tạo nhiều thế hệ diễn viên, nghệ sỹ xiếc nổi tiếng ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng, ít người biết, mỗi một diễn viên xiếc muốn biểu diễn tiết mục của mình trên sân khấu đều phải trải qua quá trình dày công khổ luyện, thậm chí phải đánh đổi bằng cả mồ hôi, nước mắt.

Lo lắng, sợ hãi, hi vọng… là tâm lý chung của toàn bộ học sinh Trường Xiếc khi bắt đầu theo đuổi môn nghệ thuật thứ 6 này. Những nỗi lo lắng, những nỗi sợ và cả những mong ngóng về một tương lai tươi sáng… luôn thường trực trong tâm trí những đứa trẻ đang theo học tại cái nôi đào tạo nhiều thế hệ diễn viên, nghệ sỹ xiếc nổi tiếng.

Sinh viên năm nhất Trường Xiếc phải có mặt tại trường lúc 7h để tham gia tập luyện.

Theo dõi một vài buổi học của các thế hệ từ năm nhất đến năm cuối đang học tập tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, có thể thấy để trở thành diễn viên xiếc là điều không hề dễ dàng. Quá trình ấy, được đánh đổi bằng cả mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu. Nhưng dù có mệt mỏi, vất vả nhưng các em học sinh vẫn đau đáu niềm đam mê với xiếc, với ngành nghệ thuật nước nhà. Đó cũng là lý do trong tất cả buổi tập thay vì than vãn, các em học sinh từ bé đến lớn luôn nỗ lực để hoàn thiện các động tác mà thầy, cô giáo hướng dẫn.

Học bộ môn đu dây tại Trường Xiếc từ năm 12 tuổi, ngày quyết định rời xa bố mẹ lên Hà Nội học tập, theo đuổi đam mê cũng là lúc em Nguyễn Thị Hằng (Ứng Hòa, Thường Tín, 17 tuổi) đối mặt với nhiều bỡ ngỡ, nỗi buồn và cả sự lo lắng.

Nguyễn Thị Hằng - học sinh năm thứ 5 thực hiện động tác đu dây trên cao.

“Ngày đầu tiên khi vào nhập học, bản thân em còn là một cô bé 12 tuổi, lúc đấy còn rất bé nên khó tránh khỏi cảm giác lo lắng, sợ hãi. Một tuần đầu từ ngày nhập học tại đây, em khóc rất nhiều. Khóc vì nhớ nhà và khóc vì bỡ ngỡ”, Hằng nhớ lại.

Để vượt qua quãng thời gian khó khăn, Hằng kể, các thầy cô trong trường luôn là chỗ dựa, động viên cho em. Được các thầy cô động viên và được tiếp xúc với môn học bản thân yêu thích, Hằng vượt qua được nỗi sợ hãi, lấy lại tinh thần, chuyên tâm học tập.

Giờ đây, cô bé ngày nào đã không còn sự nhút nhát nữa, thay vào đó Hằng trưng trổ những động tác về mặt chuyên môn trong lớp học. Không ngừng trau dồi, luyện tập, tích lũy kinh nghiệm về nghề cho bản thân.

Sau 5 năm theo học tại trường, Hằng được các thầy cô tạo điều kiện tham gia các show diễn, thù lao từ các show diễn em dùng để lo toan cho cuộc sống hàng ngày, đỡ đần cho bố mẹ.

Tuy tập luyện vất vả nhưng những học sinh đang theo học tại Trường Xiếc chưa bao giờ than vãn vì sự lựa chọn của mình.

Khi được hỏi về việc học xiếc, theo đuổi xiếc có khó hay không? Hằng vô tư trả lời, mỗi một bộ môn sẽ có những điểm khó riêng, nhưng có lẽ vì đam mê nên em thấy bộ môn em đang theo đuổi cũng bình thường… Chính vì lẽ này, khép lại quãng thời gian học tập tại đây, Hằng đăng ký tiếp tục học và đi theo những bộ môn khác.

Hằng chia sẻ, mỗi học sinh khi theo học tại đây sẽ phải trải qua 2 thời kỳ tập luyện (2 năm đầu chủ yếu học các môn, bộ môn cơ bản và sau đấy sẽ được lựa chọn vào các dạng tiết mục phù hợp với năng khiếu của từng người). Mỗi tiết mục thuộc ngành Xiếc đều được chuẩn bị kỹ càng, công phu, có thể kéo dài từ 2 -3 năm, thậm chí là 5 năm.

Có một nghịch lý ít người biết đối với ngành Xiếc đấy là, trong tất cả các bộ môn nghệ thuật, xiếc vẫn đang là ngành phát triển tốt. Thế nhưng, lâu nay, nhiều người vẫn thường nghĩ ngành Xiếc tại Việt Nam rất khó khăn. Nguyên nhân của sự vô lý trên được cho là đến từ những bất cập khác của ngành Xiếc.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam:

PV: Xin ông cho biết thực tế đầu vào và đầu ra của học viên tại Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam?

Ông Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam: Đầu vào và đầu ra của ngành Xiếc là một bất cập nội tại. Tức là đầu ra của diễn viên xiếc vào thời điểm hiện nay luôn luôn thiếu vì nó là ngành nghề hiếm, đặc thù, khó tuyển nhưng xã hội có nhu cầu. Hiện nay, không chỉ các đoàn nghệ thuật của Nhà nước, những đoàn nghệ thuật chính quy cần có nhu cầu về diễn viên xiếc, mà nhu cầu của xã hội cũng lớn hơn.

Ngày nay, việc các khu du lịch phát triển đã mở ra một thị trường lớn hơn đối với nhu cầu giải trí, từ đó, diễn viên xiếc và tạp kỹ càng được trọng dụng. Vì vậy, nhu cầu đầu ra cho các sinh viên tại trường rất lớn.

Tuy nhiên, nhìn ngược lại, đầu vào của ngành Xiếc lại cực kỳ khó khăn. Thậm chí khó khăn hơn rất nhiều khi so với những ngành nghề khác. Bởi để đào tạo một diễn viên xiếc, các em sẽ phải bắt đầu theo học ngay từ năm 11 tuổi. Đây là một rào cản lớn, bởi các con còn quá nhỏ, chưa có đầy đủ tư cách pháp nhân, vì vậy mọi quyết định phần lớn đều đến từ phụ huynh và những người thân. Không nhiều bậc phụ huynh có thể chấp nhận để con em mình xa gia đình và luyện tập vất vả sớm như vậy. Phụ huynh phải bản lĩnh lắm, các con phải có đam mê lắm thì mới quyết tâm theo được nghề.

Rào cản tiếp theo cũng xuất phát từ độ tuổi tuyển sinh đặc biệt của Trường Xiếc. Các em được tuyển sinh khi tuổi đời còn quá nhỏ, chưa thể chủ động đăng ký theo học, vì vậy, việc tuyển sinh của trường phải ngược lại, nhà trường thường phải đến tận nơi các em học tập và sinh sống để tìm kiếm những ứng viên thích hợp, khơi gợi niềm đam mê với xiếc và thuyết phục phụ huynh quyết định.

Rào cản thứ nữa là quan điểm cố hữu của nhiều người khi cho rằng diễn viên xiếc khó kiếm việc từ đó cũng không khuyến khích con em theo học. Trong khi trên thực tế, 100% học viên xiếc tốt nghiệp là có việc làm ngay.

Học sinh Trường Xiếc không chỉ đối mặt với quá trình luyện tập khắc nghiệt mà còn phải chịu áp lực khi tuyển sinh.

Rồi bản thân sự đào thải trong nghệ thuật xiếc cũng rất lớn vì nó khắc nghiệt. Chẳng hạn như đầu vào khóa này là 30 đến 35 em, nhưng đến lúc tốt nghiệp chỉ còn 15. Điều này tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Như để đào tạo thành công một diễn viên xiếc phải trải qua cả quá trình sàng lọc tự nhiên. Lúc 11, 12 tuổi, suy nghĩ của các con đơn giản là rất thích xiếc. Nhưng đến độ tuổi 17, 18, thi tốt nghiệp văn hóa xong thì có thể các con lại có định hướng ngành nghề, xã hội khác.

Ông có thể chia sẻ một vài câu chuyện thú vị trong quá trình tuyển sinh?

- Có nhiều trường hợp đặc biệt lắm! Có những em bố mẹ đã đồng ý cho dự tuyển, trúng tuyển cả 3 vòng rồi. Trước khi ra Hà Nội nhập học, qua chào ông bà nội hay ông bà ngoại, thì ông bà lại bảo: “Sao mày lại cho nó đi thế, nó bé thế, mới có 11 tuổi, nhà mày thiếu thốn gì thì ông bà cho chứ sao lại để con xuống tận Hà Nội, cách xa mấy chục cây số”. Thế là ông bà nhất định không cho đi nữa.

Rồi có những cháu lên đây khóc mếu vì không được đi học trong khi đã nộp hồ sơ vào trường, xong hết thủ tục rồi, chờ đến ngày nhập học thôi. Nguyên nhân là vì trước khi nhập học, gia đình làm bữa cơm liên hoan ở gia đình để tiễn con đi, trong bữa cơm liên hoan ấy, cả đại gia đình lại nhất định không cho con cháu đi học, với lý lẽ: “Nó bé thế, là con gái, cho nó đi 5 năm trời thế thì biết thế nào, rồi ở Hà Nội thì nó sống làm sao. Cứ cho là ra trường đi thì biết về đâu…”.

Hiện nay, Trường Xiếc được phép tuyển sinh 50 em một năm.

Trường Xiếc hiện nay đang tuyển sinh theo những kênh nào, thưa ông?

- Trường Xiếc hiện nay đang tuyển sinh ở nhiều kênh. Kênh thứ nhất là đến trực tiếp các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để tuyển sinh. Kênh thứ hai là qua mạng xã hội. Các em có thể đăng ký tuyển sinh online đối với vòng sơ tuyển, sau đó sẽ có 2 vòng tuyển trực tiếp. Vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, trường luôn luôn tuyển sinh trực tiếp. Các kênh này đều hoạt động song song với nhau.

Muốn theo nghề xiếc phải trải qua rất nhiều tiêu chí lựa chọn. Vậy, ông có thể cho biết, 1 năm trung bình trường đào tạo được bao nhiêu học viên tốt nghiệp?

- Trước đây, khi trường còn là trường Trung học chuyên nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hằng năm sẽ có chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể. Những năm ấy, trường xin chỉ tiêu từ 30 đến 35 em. Nhưng theo quy định mới, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ căn cứ vào cơ sở vật chất, vào số lượng giáo viên… để cho giới hạn tối đa. Cơ quan chủ quản không giao chỉ tiêu tuyển sinh như trước nữa.

Hiện nay, Trường Xiếc được phép tuyển sinh 50 em một năm. Tuy nhiên, có những chương trình đặc thù của Bộ, của Chính phủ có thể tuyển hơn lên một chút nhưng không quá 10%. Đấy là theo quy định về luật.

Như ông nói, nếu Bộ không giao chỉ tiêu về số lượng thì các em học viên khi ra trường có được phân về các đoàn nghệ thuật chính thống như trước?

- Không, bây giờ thì không phân. Không phải riêng Trường Xiếc, vấn đề này là chung của nền giáo dục Việt Nam. Bởi hiện nay, Nhà nước xác định đào tạo là đào tạo cho xã hội, chứ không phải đào tạo đặt hàng như cơ chế tập trung bao cấp. Nếu đứng về phía quản lý vĩ mô, quản lý Nhà nước, tôi cho là rất chuẩn.

Nhà nước đầu tư để trường đào tạo ra lượng diễn viên xiếc nhất định, nên dù các em ở đâu thì vẫn là ở trong xã hội Việt Nam, vẫn cống hiến cho xã hội Việt Nam. Nếu các em ở đoàn xiếc thì sẽ đóng góp theo kiểu xiếc chuyên nghiệp. Nhưng ngược lại, nếu các em kí hợp đồng với một doanh nghiệp du lịch, giúp khu du lịch làm dịch vụ tốt, khách đến đông thì có nghĩa là các em đã tạo ra được giá trị thặng dư cho vùng du lịch, đúng theo chủ trương công nghiệp văn hóa mà Đảng đề ra.

Xã hội giờ đây vận hành theo kinh tế thị trường, vì vậy buộc phải cạnh tranh. Vấn đề thu hút được nhân tài không phải vấn đề của riêng đơn vị nào. Thậm chí, các tỉnh tranh nhau thu hút nhân tài cho tỉnh mình, cho thành phố mình, cho đơn vị mình, cho cơ quan mình. Nếu như chế độ đãi ngộ hoặc ưu đãi không tốt thì diễn viên cũng có quyền lựa chọn. Vì vậy, các đoàn công lập phải lưu ý đến việc chế độ chính sách đãi ngộ, để thu hút được những sinh viên giỏi ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Các em ấy phải là ưu tiên số một khi ra trường. Đơn vị sử dụng lao động mang tính chất quyết định về việc thu hút nhân tài.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

(Còn nữa...)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngẫm về Xiếc - Bài 1: Không dễ 'nuôi' đam mê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO