Ngăn chặn biến tướng của lễ hội truyền thống

Minh Quân 12/07/2022 05:51

Lễ hội truyền thống được coi là nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, theo ThS Ninh Thị Thương - Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số (Trường Đại học Văn hóa), du lịch đã có tác động đến môi trường văn hoá lễ hội truyền thống cả mặt tích cực và tiêu cực. Do đó, việc đánh giá, nhìn nhận thực trạng giữa hai lĩnh vực là vô cùng cần thiết để có được các giải pháp phát triển hài hoà.

Tại Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh). Ảnh minh họa: Quang Vinh

Nguy cơ biến tướng

Theo số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đến nay cả nước có 8.274 lễ hội truyền thống. Các lễ hội truyền thống rất đa dạng về loại hình, mang những giá trị, đặc trưng riêng gắn với từng vùng, miền. Mỗi lễ hội truyền thống đều gắn với không gian văn hoá nhất định nhưng không ngoài mục đích thu hút du khách. Dù vậy, có tình trạng một số lễ hội tổ chức trên sân khấu, nghệ nhân trở thành diễn viên đã làm cho không gian văn hoá lễ hội truyền thống mất đi tính chất thiêng liêng của lễ hội. Cho dù, việc sân khấu hóa là cách để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của lễ hội nhưng phần nào cũng đã làm mất đi tính thiêng của lễ hội.

Bên cạnh đó, để quảng bá du lịch, lễ hội truyền thống hiện đang được phục dựng, làm mới ở nhiều địa phương kể cả những nơi chưa đủ điều kiện để tổ chức, dẫn đến tình trạng một số lễ hội na ná giống nhau về hình thức. Chưa kể nội dung, không còn giữ được yếu tố đặc trưng vốn có, mất đi giá trị truyền thống, yếu tố tâm linh suy giảm, giá trị kinh tế lấn át giá trị thực hành văn hóa và việc bảo tồn giá trị văn hóa lễ hội truyền thống... dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi lễ hội truyền thống là nguồn lợi riêng của địa phương. Điều này làm cho môi trường lễ hội truyền thống không còn hấp dẫn du khách.

Tại một số địa phương, lễ hội truyền thống tổ chức còn có sự mất cân đối giữa phần lễ và phần hội, có địa phương nghiêng về phần lễ, phần hội ít được chú trọng, thậm chí không được tổ chức và ngược lại có địa phương chỉ chú trọng phần hội để thu lợi nhuận mà coi nhẹ phần lễ, làm giảm tính thiêng liêng, trang trọng của nghi lễ truyền thống. Các trò chơi dân gian đặc sắc trong các lễ hội vẫn được tổ chức nhưng không nhiều, thay vào đó là các môn thể thao hiện đại thậm chí còn xuất hiện một số trò chơi mang tính thương mại có tính chất đỏ đen như cò quay, vui chơi có thưởng trá hình…

Hiện tượng sân khấu hóa nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, là sự đóng vai, diễn xuất, diễn xướng, hát, vũ đạo... trong các lễ hội truyền thống ngày càng phổ biến với mục đích quảng bá tiềm năng du lịch địa phương khiến cho người dân cảm thấy lễ hội truyền thống đó trở nên xa lạ. Mặc dù không thể phủ nhận việc khai thác lễ hội truyền thống để phát triển du lịch đã mang lại một nguồn lợi đáng kể cho người dân, song, nếu vì mục đích lợi nhuận kinh tế, làm đơn giản hóa lễ hội sẽ ảnh hưởng tới môi trường văn hoá của lễ hội truyền thống.

Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam). Ảnh: Quang Vinh

Có thể thấy rằng, dưới tác động của du lịch, môi trường văn hóa lễ hội truyền thống đang có những biến động theo chiều hướng phong phú, đa dạng nhưng bên cạnh đó du lịch cũng có tác động tiêu cực, làm suy thoái, ô nhiễm môi trường văn hóa lễ hội truyền thống. Vấn đề này không được nhìn nhận, đánh giá một cách chân thực sẽ làm cản trở quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Hài hòa để phát triển

Theo ThS Ninh Thị Thương, trong những năm gần đây vấn đề tổ chức, quản lý lễ hội truyền thống tuy đã được quan tâm song vẫn còn chưa thật sự chặt chẽ làm nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa lễ hội truyền thống. Các văn bản hướng dẫn thi hành luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và tổ chức lễ hội chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế. Bên cạnh việc phát huy thế mạnh, các yếu tố tích cực thì vấn đề quản lý các hoạt động tiêu cực trong lễ hội truyền thống dưới tác động của du lịch cũng đang hết sức cấp thiết.

“Để hài hòa trong việc gắn kết du lịch với lễ hội truyền thống cần đề cao, chú trọng vai trò chủ thể văn hóa trong tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống là sản phẩm sáng tạo của người dân, họ cũng sẽ là người giữ gìn, thực hành và trao truyền. Vì vậy, công tác tổ chức, quản lý lễ hội truyền thống cần đề cao vai trò này, đó là để họ tham gia vào các hoạt động tế lễ, sinh hoạt văn hóa của mình” – bà Hương nêu quan điểm đồng thời cho rằng, nên hạn chế sự tham gia của các diễn viên chuyên nghiệp trong các hoạt động lễ hội.

Lễ hội vật cầu Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh

Cùng với đó cần tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng địa phương và du khách về các quy phạm pháp luật, về những gì được làm và không được làm trong thực hành lễ hội, về cái hay, cái đẹp, cái xấu,… trong sinh hoạt lễ hội để người dân ý thức tự giác hướng theo những điều tốt đẹp, phù hợp với giá trị, chuẩn mực, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tránh xa các hoạt động lệch chuẩn, biến tướng trong hoạt động lễ hội truyền thống để đây thực sự một môi trường độc đáo, đáp ứng nhu cầu giải trí, tâm linh, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng.

Có thể nói, hiện nay, lễ hội truyền thống đã trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, dưới tác động của du lịch, môi trường văn hoá lễ hội truyền thống đang bị biến đổi, xuất hiện những vấn đề bất cập, hoạt động lệch chuẩn ảnh hưởng tới lối sống của người dân Việt Nam. Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, việc nhìn nhận mối quan hệ giữa lễ hội truyền thống và du lịch cần khách quan, đúng mức để lễ hội truyền thống thực sự trở thành môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa lễ hội truyền thống, xây dựng lối sống con người Việt Nam theo chiều hướng tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn biến tướng của lễ hội truyền thống