Ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ

Bắc Phong 30/09/2020 09:00

Chiều ngày 27/9, TAND quận Liên Chiểu đưa ra xét xử vụ án chống người thi hành công vụ, xảy ra ở phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Hình ảnh ghi lại một vụ đối tượng lăng mạ công an phường Cầu Kho (Q.1,TPHCM) khi bị xử lý vi phạmẢnh: Đức Cương.
Hình ảnh ghi lại một vụ đối tượng lăng mạ Công an phường Cầu Kho (Q.1,TP HCM) khi bị xử lý vi phạm. Ảnh: Đức Cương.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát cho biết, vào chiều ngày 4/8/2020, Tổ công tác của UBND phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đến giải quyết việc gia đình bị cáo Nguyễn Văn Cường đang xây dựng công trình nhà vệ sinh không có giấy phép xây dựng trong thời gian giãn cách xã hội và lấn chiếm, ảnh hưởng đến hành lang an toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam tại tổ 4, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Trong lúc Tổ công tác thi hành công vụ thì các bị cáo đã có hành vi chống đối, dùng tay, chân xô đẩy và dùng đá, gạch, lưỡi cưa kim loại tấn công lực lượng quy tắc và Công an phường, gây thương tích.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 5 bị cáo gồm: Nguyễn Văn Cường (27 tuổi) 1 năm 6 tháng tù giam, Nguyễn Ngọc Cường (23 tuổi) 1 năm 3 tháng tù giam, Nguyễn Văn Hướng (62 tuổi) 9 tháng tù giam, Phan Xuân Hiếu (19 tuổi) 6 tháng tù giam. Riêng bị cáo Nguyễn Thị Chiến (62 tuổi) bị tuyên phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo.

Rất buồn là cả 5 bị cáo đều là người trong một gia đình.

Dẫn vụ án trên như một ví dụ mới nhất về việc chống người thi hành công vụ, mà hậu quả là không hề nhỏ. Mặt khác cũng để một lần nữa nhìn nhận rõ hơn vấn đề này khi mà tình trạng chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra.

Báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật cho biết, từ đầu năm đến nay toàn quốc xảy ra 369 vụ chống người thi hành công vụ, tăng 14,24% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xảy ra 285 vụ chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ, tăng 280%; tính chất, mức độ chống đối ngày càng nghiêm trọng, manh động và liều lĩnh.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ- Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, đó là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân không tốt. Thứ hai, xuất phát từ chính những người thi hành công vụ đã vi phạm đạo đức công vụ hoặc vi phạm quy định của pháp luật về thực thi công vụ. Từ đó dẫn tới hành động chống đối.

Ông Bộ cũng cho rằng, bất luận trong trường hợp nào thì hành vi chống người thi hành công vụ là sai, cần lên án và chấn chỉnh. Cần xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ vì nếu không xử lý triệt để sẽ dẫn tới “hiệu ứng lan truyền”.

Chống đối người thi hành công vụ được pháp luật quy định rất rõ tại Điều 330, Bộ luật Hình sự, gồm 2 nhóm hành vi. Một là hành vi chống lại bằng vũ lực. Hai là cản trở người thi hành công vụ. Khoản 1, Điều 330 BLHS quy định mức án cao nhất lên đến 3 năm tù. Ở Khoản 2, nếu người vi phạm có tổ chức và phạm tội từ 2 lần trở lên, hoặc xúi giục lôi kéo động những người khác chống người thi hành công vụ, hoặc là các hành vi chống người thi hành công vụ dẫn tới gây thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đồng trở lên; hoặc tái phạm thì hình phạt của nó là cao nhất đến 7 năm tù. Nặng hơn nhiều được quy định tại Khoản 1 Điều 123 BLHS là giết người thi hành công vụ hoặc là giết người không trong thời gian thi hành công vụ nhưng vì lý do công vụ: Hình phạt cho hành động này lên tới tử hình. Còn mức nặng nhất của hành vi cố ý gây thương tích là tù chung thân.

Như vậy, không phải luật chưa nghiêm mà là thực thi chưa nghiêm túc. Đối với đối tượng chống người thi hành công vụ cũng chưa có vụ nào bị xử nặng đúng với mức độ phạm tội, nên tính răn đe chung không cao. Còn đối với người thi hành công vụ nhưng lại sai phạm dẫn tới hành vi chống đối của người khác cũng không được xử lý nghiêm nên sự việc vẫn diễn biến xấu.

Ở điểm này, nói như ông Nguyễn Mai Bộ, nhìn vào con số 369 vụ chống người thi hành công vụ có tới 285 vụ chống lại lực lượng Công an, có thể thấy có một bộ phận chưa làm chưa tốt công việc của mình, vì thế đã gây ra hậu quả. Nhẹ thì là phản ứng của xã hội đối với người thi hành công vụ. Cao hơn là hành vi chống người thi hành công vụ. Những cán bộ thi hành không nghiêm túc công vụ của mình là có lỗi với chính đồng đội của mình. Bởi, đồng đội của mình làm tốt, thậm chí có người hy sinh lại bị người ta ghét oan.

Chính vì thế, theo ông Bộ, cần nhìn nhận vấn đề trên phương diện xã hội học, từ đó có cách xử lý người thi hành công vụ (làm sai, gây bức xúc) cũng như người chống người thi hành công vụ.

Chống người thi hành công vụ là coi thường kỉ cương, phép nước. Nhưng ở thế ngược lại người đại diện thực thi kỉ cương, phép nước cũng phải “đâu ra đấy”. Trong một xã hội văn minh thì hành vi chống lại người thi hành công vụ là không thể chấp nhận; nhưng nếu người thi hành công vụ lại xử lý sai dẫn đến hành động chống đối thì cũng cần phải bị xử lý nghiêm khắc. Có như vậy mọi chuyện mới yên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO