Ngăn chặn hỏa hoạn

PHƯƠNG CHI 07/08/2022 14:20

Nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây tại Hà Nội, đặc biệt là tại cơ sở kinh doanh giải trí cho thấy vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy cần được quan tâm hơn, đồng thời công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy của chính quyền sở tại, cơ quan chức năng cần phải siết chặt hơn nữa.

Lực lượng cứu hỏa tiến hành dập tắt vụ cháy trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội chiều 1/8.

Ngày 1/8, một vụ cháy tại quán karaoke trên phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy đã khiến 3 chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hy sinh đã để lại sự đau xót và nỗi mất mát khôn nguôi.

Cũng tại quận Cầu Giấy, cách đây 6 năm (tháng 11/2016), một vụ hỏa hoạn kinh hoàng đã xảy ra tại 68 Trần Thái Tông, đã cướp đi sinh mạng 13 người. Với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhóm thợ hàn gây ra vụ hỏa hoạn và chủ quán karaoke đã phải chịu mức án tù thích đáng. Về phía chính quyền địa phương, 2 người bị cách chức và 2 người bị khiển trách.

Sau sự cố, quận Cầu Giấy đã kiểm tra toàn bộ 88 cơ sở kinh doanh karaoke có giấy phép trên địa bàn thì 3 nơi không hoạt động, 85 quán còn lại đều có vấn đề về phòng cháy, chữa cháy. Các cơ sở vi phạm, không đủ điều kiện thoát nạn, cứu nạn đều bị dừng hoạt động.

Với dịch vụ karaoke, không riêng quận Cầu Giấy, tháng 5/2014, một vụ cháy dữ dội ở quán karaoke 43G Giảng Võ (Hà Nội) khiến 5 người chết gồm chủ quán và 4 nhân viên.

Và nhắc tới những vụ hỏa hoạn gây ám ảnh xin điểm lại một số vụ: Ngày 4/2/2021, 4 người, trong đó có 3 sinh viên Đại học Thủy lợi, thuê căn nhà cấp 4 ở ngõ 8 làm cơm cúng ông Công, ông Táo và mời một người bạn đến ăn cùng. Khoảng 12h, những người này đốt vàng mã trước cửa phòng trọ rồi vào ăn cơm. Sau đó 4 người đi ngủ, một người ra đầu ngõ uống trà đá. Trước khi đi, người này khóa cổng sắt. Khoảng 14h, người này quay lại thì nhà đã cháy, bốn người tử vong.

Rạng sáng 12/4/2019, tại ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xảy ra vụ hỏa hoạn làm cháy 4 nhà xưởng. Bốn nhà xưởng bị cháy rộng chừng 900m2, xây dựng tạm xen kẽ với khu dân cư trên đất lấn chiếm giáp sông Nhuệ, tất cả đều có kết cấu khung thép, mái tôn, tường xây lửng bằng gạch, phía trên bịt tôn. Vụ hỏa hoạn khiến 8 nạn nhân tử vong, trong đó có một gia đình 4 người.

Vụ cháy xảy ra vào sáng 29/7/2017 tại xưởng bánh kem ở địa chỉ km19 quốc lộ 32, thuộc địa phận xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Khi vụ cháy xảy ra, trong xưởng đang có khoảng 20 công nhân làm việc. Do cửa đóng, lửa bốc cao, không có lối thoát hiểm, đồng thời mái tôn sập xuống cản đường thoát nên các nạn nhân bên trong không thể thoát ra ngoài. Vụ cháy đã khiến toàn bộ nhà xưởng bị thiêu rụi, 8 người chết và 2 người bị thương, hầu hết các nạn nhân là người trong một gia đình…

Theo lực lượng chức năng, nguyên nhân dẫn đến hầu hết các vụ cháy, nổ là do ý thức chấp hành các quy định phòng cháy chữa cháy của người dân và người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh và các hộ gia đình chưa cao. Qua khảo sát một số cơ sở kinh doanh hàng quán trên địa bàn, phần lớn các cơ sở đều là nhà ở chuyển đổi mục đích. Đường điện thiết kế ban đầu dành cho gia đình, nay phải chịu tải nhiều thiết bị tiêu hao điện năng lớn cùng lúc như điều hòa, bếp điện, bếp điện từ... khiến dễ dẫn đến nguy cơ quá tải gây chập cháy.

Số liệu thống kê trong nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng gây thương vong về người và thiệt hại tài sản đã xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ ra rằng nguyên nhân gây cháy nổ do điện chiếm đa số. Cụ thể, trong số 545 trên tổng số 848 vụ cháy đã điều tra làm rõ nguyên nhân (chiếm 64,27%), có 398 vụ hỏa hoạn là do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 46,93%).

Trước vụ hỏa hoạn chiều 1/8 xảy ra trên địa bàn quận Cầu Giấy, nhiều ý kiến cho rằng, với bài học đau xót là vụ cháy quán karaoke ở phố Trần Thái Tông làm 13 người tử vong (năm 2016), thì chính quyền địa phương phải siết chặt công tác cấp phép cũng như công tác phòng cháy chữa cháy của các cơ sở giải trí cũng như các đơn vị trên địa bàn. Thật đáng tiếc việc này đã không được thực hiện đến nơi đến chốn.

Nhấn mạnh vai trò của chính quyền trong các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cho rằng: Khi xảy ra cháy trên địa bàn thì đương nhiên là có trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong mỗi vụ việc.

Do vậy, khi xảy ra những vụ cháy, không chỉ tìm ra nguyên nhân mà phải xem xem trách nhiệm của chính quyền địa phương thế nào. Với những cơ sở bị cháy nổ thì phải kiểm tra lại hồ sơ để thấy rõ chính quyền sở tại có thường xuyên kiểm tra, giám sát hay không.

Theo ông Lê Văn Hoạt, nhiều khi chính quyền sở tại lúc được yêu cầu thì đi kiểm tra ào ào, nhưng sau đó lại thả nổi. Như vậy thì sẽ còn xảy ra nhiều vụ cháy nổ. Mặt khác, sau mỗi vụ việc nếu không rút ra được bài học thì rất khó “dập tắt” các đám cháy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn hỏa hoạn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO