Ngăn chặn rác thải nhựa - Bài 1: Đe dọa môi trường biển

Quốc Trung 15/07/2019 08:00

Trước tình trạng rác thải nhựa trở nên báo động, tại lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi: “Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững”.

Ngăn chặn rác thải nhựa - Bài 1: Đe dọa môi trường biển

Rác thải nhựa đe doạ vùng biển của huyện Phú Quốc (Kiên Giang).

Tình trạng rác thải nhựa không được quản lý chặt chẽ và xử lý một cách triệt để đang tràn lan ra môi trường nhất là môi trường biển, đe doạ đến phát triển hệ sinh thái và kinh tế biển phía Nam Tổ quốc.

Nhiều nơi bị rác tấn công

Huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là điểm đến du lịch lý tưởng những năm gần đây. Tuy nhiên Phú Quốc lại đang đối mặt với nạn ô nhiễm rác thải, nhất là rác thải nhựa. Theo lãnh đạo huyện Phú Quốc, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 tấn rác thải được thải ra môi trường. Có khoảng 87% được thu gom, nhưng không phải tất cả rác thải đều được xử lý.

Theo ông Phạm Văn Nghiệp- Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, tình trạng ô nhiễm rác thải xuất hiện nhiều nơi ở Phú Quốc không chỉ do người dân và du khách ở đây xả thải, mà còn theo các dòng chảy trên biển xâm nhập vào. Phú Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý rác thải, khiến cho lượng rác tồn đọng và chưa xử lý ngày càng nhiều.

Vùng biển Cà Mau những năm qua cũng đang đau đầu với tình trạng rác thải nhựa. Những luồng rác thải theo thuỷ triều và triều cường từ biển dạt vào và từ các dòng sông, kênh. Ông Phạm Chí Hào sống ở cửa biển Rạch Gốc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau chia sẻ lo lắng khi số lượng rác thải nhựa xuất hiện ngày càng nhiều trôi nổi dọc ven biển, cửa sông ở vùng này: “Cứ có đợt nước lên hay sau các đợt trở trời hay bão là luồng rác từ đâu kéo về, chủ yếu là rác thải nhựa. Sau những đợt rác tấn công, chính quyền địa phương phải phát động phong trào dọn rác, gom rác. Người dân chúng tôi cũng có ý thức dọn rác gần nhà. Tuy nhiên cần phải thay đổi ý thức sử dụng các vật dụng như túi, đồ gói quà bằng nhựa thay bằng chất liệu khác…”.

Cửa sông Ông Đốc, thị trấn Sông Đốc lớn nhất tỉnh Cà Mau cũng là nơi nhiều người dân sống ven sông, rạch. Không ít người dân theo thói quen vẫn thả rác xuống sông, kênh. Rác đủ loại, trong đó có nhiều rác thải nhựa, từ túi nilon cho đến hộp xốp. Cà Mau có 85 cửa biển lớn nhỏ. Các sông như sông Cà Mau, Gành Hào, kênh Sáng Phụng Hiệp đều rất đông bà con sinh sống. Và không ít người có thói quen thả rác xuống sông. Theo thủy triều, rác trôi ra biển, khi có bão, rác lại dạt vào.

TP Vũng Tàu, thành phố du lịch biển, hàng năm từ tháng 6 đến tháng 10, các bãi tắm đã phải hứng chịu khoảng 300-400 tấn rác dạt. Theo người dân, rác trôi dạt nhiều đến từ khu vực biển Cần Giờ (TPHồ Chí Minh). Có ngày Công ty dịch vụ môi trường và Công trình đô thị TP Vũng Tàu phải thu dọn đến 50-60 tấn rác. Đó là rác trôi dạt. Còn riêng kênh Bến Đình ở thành phố, mỗi ngày Công ty này cũng phải vớt khoảng 5-6 tấn rác, trong đó có nhiều rác nilon, nhựa… Theo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Côn Đảo, mỗi mùa gió chướng, nhiều bãi biển trở thành bãi rác với hàng tấn rác thải chủ yếu là đồ nhựa khó phân hủy…

Cuối tháng 5 vừa qua, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ TNMT tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trăn trở: “Môi trường biển tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu và tiếp tục bị “đầu độc” liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội. Ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển”. Theo ông Hồi, một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dầu, chất hữu cơ liên quan tới chất thải sinh hoạt, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Đây chính là sức ép lớn lên môi trường, hệ sinh thái và tài nguyên biển nước ta.

Ngăn rác thải nhựa không dễ dàng

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, một trong những thách thức trong triển khai chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam hiện nay là thực trạng ô nhiễm rác thải trên các vùng biển Việt Nam. Điều này đe dọa đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản từ đó tác động đến sinh kế của hàng triệu ngư dân Việt Nam.

Lượng rác thải nhựa khổng lồ đang xâm chiếm các đại dương và vùng ven bờ. Dọn dẹp và giữ gìn vệ sinh các bãi biển là hoạt động rất quan trọng và cần thiết để đối phó với tình trạng ô nhiễm rác nhựa, nhưng vấn đề cấp bách và lâu dài là phải thay đổi thói quen sản xuất và sử dụng vật liệu nhựa, nhằm giảm thiểu tối đa lượng rác nhựa ngay từ ban đầu.

Những năm qua, chính quyền các cấp của các tỉnh phía Nam đã liên tục phát động các hoạt động, phong trào kêu gọi người dân bảo vệ môi trường và vớt rác thải nhựa trên các dòng sông, kênh và ven biển. Nhưng để thay đổi ý thức người dân, đồng thời việc thu gom, xử lý chất thải nhựa thật không đơn giản.

Nói về giải pháp để hạn chế rác thải nhựa, ông Từ Văn Bình, một người dân ở ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh huyện Phú Quốc cho rằng: Với các địa phương, để xảy ra tình trạng rác thải quá tải, tổ tự quản phải chịu trách nhiệm với xã, xã chịu trách nhiệm với huyện, huyện chịu trách nhiệm với tỉnh và cao hơn,…

Còn theo ông Đô Văn Tuân, Phó phòng giáo dục huyện Phú Quốc, phải nâng cao trách nhiệm của các UBND xã, thị trấn trong việc quản lý và bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Xuân Quang -Trưởng phòng kế hoạch nghiên cứu và phát triển Sở VHTTDL tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị nên tăng cường tuyên truyền giáo dục cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp làm du lịch hiểu rõ lợi ích của việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa.

Mới đây huyện đảo Phú Quốc đã tổ chức phong trào “Chống rác thải nhựa” ông Huỳnh Quang Hưng- Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc nhấn mạnh: Phú Quốc cam kết hưởng ứng tốt phong trào này, đồng thời triển khai các chương trình giảm rác thải nhựa, bắt đầu bằng việc thay thế tất cả chai nước nhựa một lần bằng ly thủy tinh. Phát động các phong trào “Ngày xanh Đảo ngọc” mỗi tháng một lần, huy động thu gom rác trên toàn huyện đảo.

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn rác thải nhựa - Bài 1: Đe dọa môi trường biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO