Ngăn chặn thực phẩm bẩn: Nhiều tồn tại trong xử lý

Xuân Thủy 19/01/2019 09:00

Chỉ còn 2 tuần nữa là Tết, hiện nay nhu cầu về mua sắm, tiêu dùng thực phẩm sử dụng trong dịp Tết của người dân đang ngày một tăng cao, thị trường thực phẩm dịp tết cũng đang nóng dần vào thời điểm cuối năm. Tại TP Hà Nội, nhiều vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đã bị phát hiện thời gian qua. Nhưng điều đáng lo ngại là việc xử phạt vẫn còn lỏng tay.

Ngăn chặn thực phẩm bẩn: Nhiều tồn tại trong xử lý

Xử lý vi phạm an toàn thực phẩm vẫn còn nương tay.

Vi phạm, nhưng chỉ bị nhắc nhở

Vừa qua, thực hiện Kế hoạch số 230/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, quận Thanh Xuân đã xây dựng kế hoạch, thành lập 14 đoàn liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Kết quả, trong tổng số 322 cơ sở được thanh tra, kiểm tra từ đầu tháng 1/2019 đến nay, phát hiện 64 cơ sở có vi phạm. Các vi phạm chủ yếu là thiếu trang thiết bị bảo hộ lao động, điều kiện vệ sinh khu vực sản xuất, kinh doanh chưa bảo đảm an toàn thực phẩm,...

Mặc dù vậy, cơ quan chức năng liên ngành của quận chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 42,25 triệu đồng. 48 cơ sở còn lại có vi phạm (chiếm tỷ lệ 75%) chỉ bị... nhắc nhở. Tỷ lệ này thấp hơn khá nhiều so với mức xử phạt vi phạm chung của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Tại quận Cầu Giấy cũng đã xây dựng kế hoạch, thành lập 10 đoàn kiểm tra liên ngành cấp quận, phường và 1 đoàn của Ban Chỉ đạo 389. Từ cuối tháng 12/2018 đến nay, các đoàn đã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm điều kiện sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm tại 321 cơ sở. Kết quả, phát hiện 216 cơ sở có vi phạm (chiếm tỷ lệ 67,2%). Vi phạm của các cơ sở chủ yếu là thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, trang thiết bị dụng cụ; chưa thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; thiếu nhãn hàng hóa...

Các đơn vị chức năng liên ngành của quận Cầu Giấy đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với 130 cơ sở, với tổng số tiền 440 triệu đồng. 76 cơ sở còn lại có vi phạm nhưng chỉ bị nhắc nhở. Bên cạnh thanh tra, kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, các đoàn đã lấy tổng số 157 mẫu để xét nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Kết quả, có 17 mẫu không đạt một trong số các chỉ tiêu theo quy định.

Buông lỏng nhiều năm…

Ghi nhận từ thực tế cũng cho thấy, tại một số chợ bán buôn ở Hà Nội như: Đồng Xuân, Hàng Buồm, làng nghề La Phù,… các loại bánh kẹo, mứt, ô mai được đóng trong các bao nilon hoặc bao tải được bày bán công khai theo cân, lạng…

Bên cạnh đó, các sản phẩm giò, chả, thịt lợn, gà, xúc xích hun khói... được sản xuất theo hình thức thủ công nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất, trang thiết bị không bảo đảm nên chất lượng rất khó được kiểm soát chặt chẽ.

Mới đây nhất, cơ quan quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất bánh kẹo tại xã La Phù (huyện Hoài Đức) đã phát hiện dây chuyền làm bánh kẹo không đảm bảo vệ sinh, sử dụng nhiều nguyên liệu không rõ nguồn gốc và nhái các thương hiệu nổi tiếng. Thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp vẫn đang tiến hành sản xuất, đóng gói các loại bánh quy. Dù điều kiện sản xuất mất vệ sinh, nhưng doanh nghiệp này vẫn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và xác nhận công bố chất lượng để đưa hàng ra thị trường từ nhiều năm nay.

Trước nguy cơ các loại hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trôi nổi trên thị trường dịp tết, ông Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, trong dịp Tết Nguyên đán, các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào những mặt hàng được người dân sử dụng nhiều như: Bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát; thịt cá, trứng, sữa, các loại trái cây và các dịch vụ ăn uống khác, nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Việc kiểm tra được triển khai trước, trong, sau Tết và lễ hội, tùy theo đặc thù, điều kiện của từng địa phương.

Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe. Người dân cũng cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm để các cơ quan chức năng (như cơ quan quản lý thị trường, Sở Công thương, chính quyền xã, phường...) có biện pháp kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn thực phẩm bẩn: Nhiều tồn tại trong xử lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO