Ngăn chặn trục lợi từ dịch Covid-19

LÊ ANH 30/03/2022 07:48

Không chỉ có hành vi trục lợi từ hợp đồng mua kit test của Công ty Việt Á gây phẫn nộ dư luận, nhiều vụ trục lợi từ dịch bệnh được phát hiện có sự cấu kết trong chi tiền hỗ trợ Covid-19, thông qua dịch vụ tiêm vaccine, mua sắm vật tư y tế và cả các vi phạm trong đấu thầu trang thiết bị phòng dịch.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, không gian mạng đang là nơi nhiều người lợi dụng để trục lợi từ dịch bệnh Covid-19.

Thời gian qua, khi thuốc điều trị Covid-19 trở nên khan hiếm và Bộ Y tế chỉ cho phép cung cấp ra thị trường bởi một số hệ thống nhà thuốc nhất định, đã dẫn đến một số cá nhân rao bán thuốc tràn lan để trục lợi. Một cán bộ thuộc Sở Y tế TP HCM thừa nhận, có tình trạng mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không có nguồn gốc xuất xứ, không đúng quy định về bán thuốc theo đơn, có biểu hiện lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý nhằm trục lợi. Dù vậy, vị này cho biết việc phát hiện, xử lý là hết sức khó khăn, đòi hỏi sự tham gia phối hợp của nhiều lực lượng chức năng.

Cũng xuất phát từ thực tế trên, từ đầu tháng 3 năm nay, Sở Y tế TP HCM đã có văn bản chỉ đạo các Phòng Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP HCM tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19. Điển hình là 2 vụ trục lợi mua, bán thuốc điều trị Covid-19 được Công an TP HCM phát hiện, xử lý. Trong đó, 1 vụ mua, bán thuốc kháng virus trái phép và vụ còn lại là hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Theo Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP HCM, vừa qua Công an TP HCM đã khởi tố 1 vụ án với 3 bị can về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả thuốc tân dược giả các nhãn hiệu có tác dụng phòng ngừa, chữa trị Covid-19”. Cùng với ngành y tế, công an thành phố đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác quản lý địa bàn và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác minh bắt giữ các trường hợp đăng tin quảng cáo, thông tin rao bán các loại thuốc điều trị Covid-19 trên không gian mạng.

Cũng theo đại diện Công an TP HCM, vừa qua cơ quan chức năng đã phát hiện 1 vụ việc liên quan hành vi mua bán thuốc kháng virus Molnupiravir liên quan cán bộ quản lý dược tại Trung tâm Y tế quận Bình Tân, Trung tâm Y tế quận Tân Phú và một số đối tượng có liên quan. Hiện, vụ việc đang trong quá trình điều tra.

Không chỉ trục lợi từ mua, bán thuốc điều trị Covid-19, các đối tượng còn sẵn sàng làm giả thuốc điều trị Covid-19 do nhu cầu cao trên thị trường. Trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả vừa bị khởi tố, các “mắt xích” của đường dây này (đã bị khởi tố và bắt tạm giam) gồm Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, trú Bà Rịa - Vũng Tàu), Dương Quốc Chính (SN 1960, trú quận Gò Vấp, TP HCM) và Nguyễn Thị Kim Tuyến (SN 1971, trú quận 11, TP HCM). Các đối tượng thừa nhận đã lợi dụng thời điểm dịch bệnh tại TP HCM còn phức tạp và hoa mắt trước lợi nhuận cao từ việc kinh doanh thuốc giả nên đã bàn bạc, móc nối với nhau để thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài làm giả, một số đối tượng còn sẵn sàng cấu kết với các đối tượng buôn lậu ở nước ngoài để đưa vào trong nước các mặt hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trong đó, Cục Quản lý thị trường TP HCM đã phối hợp với Công an TP HCM để xử lý một trong các lô thuốc nhập lậu lớn, với hơn 67.200 viên thuốc tân dược có dấu hiệu nhập lậu tại một kho xưởng trên đường An Dương Vương, quận Bình Tân. Bước đầu, chủ lô hàng thông tin: Từ việc đọc quảng cáo trên mạng có các loại thuốc giá rẻ có thể chữa trị ho, sốt, đau họng…và thuốc có thể điều trị bệnh Covid-19 nên đã liên hệ nhập lậu về để bán kiếm lời.

Ngoài các hành vi trục lợi từ mua, bán thuốc điều trị Covid-19 hoặc kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu liên quan đến Covid-19, các sai phạm trong việc ký hợp đồng mua kit test của Bệnh viện Thủ Đức do Công ty Việt Á sản xuất thông qua Công ty Nam Phong (đơn giá 470.000 đến 509.250 đồng/kit) đang trong quá trình điều tra mở rộng.

Bước đầu, Bệnh viện Thủ Đức được xác định đã hợp thức hóa thủ tục chỉ định thầu cho Công ty Nam Phong, đồng thời nâng đơn giá bán kit test để hưởng hoa hồng 30-40% trên giá trị hợp đồng, tương đương số tiền gần 11 tỷ đồng. Liên quan đến vụ án này, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP HCM (PC03) đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, trong đó khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Phạm Vũ Phong - Giám đốc Công ty Nam Phong và bà Trương Thị Bảo Trân - nhân viên Bệnh viện Thủ Đức cùng về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ.

Trong lúc TP HCM tiếp tục ngăn chặn đà lây lan của các biến chủng mới dịch bệnh Covid-19, việc một số cá nhân, tổ chức lợi dụng tình hình để trục lợi là không thể chấp nhận được. Theo Công an TP HCM, tới đây sẽ phối hợp với ngành y tế và các cơ quan chức năng liên quan để quản lý chặt việc sử dụng không gian mạng để quảng cáo, trục lợi, lừa đảo, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn trục lợi từ dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO