Ngân hàng mua bán trái phiếu: Quản hay mở?

H.Hương 09/09/2021 07:35

Thời gian này, các ngân hàng dồn dập phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu và thực hiện mua – bán chéo lẫn nhau. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của giới chuyên gia, các tổ chức tín dụng cần đảm bảo quản lý dòng tiền và đảm bảo quá trình xử lý rủi ro tín dụng.

Mua bán lòng vòng

Thực tế cho thấy, mặc dù trái phiếu ngân hàng có lãi suất thấp hơn nhiều so với mặt bằng trái phiếu doanh nghiệp (DN), nhưng trái phiếu ngân hàng vẫn rất “đắt hàng”. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, hàng loạt ngân hàng đã công bố huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Cụ thể, ngày 16/8, Ngân hàng An Bình (ABBank) đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cố định 3,5%/năm, kỳ hạn 2 năm, chủ yếu nhằm bổ sung vốn trung, dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng.

Cũng trong ngày 16/8, Ngân hàng quốc tế (VIB) đã phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 7 năm, lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng 2%/năm. Ngay trước đó, ngày 12/8, ngân hàng này cũng đã phát hành riêng lẻ 150 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm để tăng vốn cấp 2. Toàn bộ trái phiếu của VIB đã được một công ty chứng khoán và một quỹ đầu tư chứng khoán mua trọn.

Ngân hàng đang là đối tượng phát hành trái phiếu nhiều nhất và cũng là địa chỉ mua lại trái phiếu nhiều nhất. Số liệu thống kê cho biết, quý II/2021 có tới 67.000 tỷ đồng trong tổng số 164 nghìn tỷ đồng trái phiếu DN toàn thị trường có chủ thể phát hành là ngân hàng, tổng phát hành trái phiếu các ngân hàng đã tăng 41% so với cùng kỳ và chiếm 41% tổng lượng phát hành. Đáng chú ý hơn có tới 82% lượng trái phiếu ngân hàng phát hành được bán cho TCTD khác và công ty chứng khoán...

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, từ năm 2020 đến nay, việc áp dụng giãn, hoãn trả nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03 khiến một lượng lớn dòng tiền chưa thể về ngân hàng, một số ngân hàng bị thiếu hụt vốn và phải tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ để bù đắp.

Rủi ro không minh bạch dòng vốn

Thời gian này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu DN của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, cơ quan này muốn siết chặt hoạt động mua bán các giấy tờ có giá của TCTD. Cụ thể tại khoản 12 Điều 3 dự thảo Thông tư quy định, TCTD không được bán trái phiếu DN cho công ty con của chính TCTD đó, trừ trường hợp theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Giới chuyên gia nêu quan điểm, khi ngân hàng phát hành lượng lớn trái phiếu đem bán cho các công ty con, rồi các công ty con sử dụng làm tài sản đảm bảo thế chấp tại ngân hàng khi cần thiết sẽ khiến cho dòng vốn trong nền kinh tế bị bóp méo.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, NHNN muốn đảm bảo quản lý dòng tiền và đảm bảo quá trình xử lý rủi ro tín dụng phát sinh sau. Trong khi đó, ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng BIDV cho biết, hiện có nhiều TCTD lớn đều có công ty con là công ty chứng khoán, đây là hai pháp nhân độc lập. Cho nên việc mua bán trái phiếu DN giữa hai tổ chức này đều dựa trên lợi ích hợp pháp chính đáng.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Kinh doanh thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset cũng nêu nguyên nhân khiến các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu riêng lẻ, là do nhu cầu tăng vốn trung, dài hạn và tăng vốn cấp 2 để đảm bảo yêu cầu an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng nào dư thừa tỷ lệ an toàn vốn, thì có thể đầu tư vào trái phiếu tăng vốn cấp 2 của ngân hàng khác. Về phía công ty chứng khoán, thay vì tiền gửi vào ngân hàng, các công ty chứng khoán có thể đầu tư vào trái phiếu ngân hàng và sử dụng làm tài sản đảm bảo thế chấp tại ngân hàng khi cần thiết.

Trước đây, theo quy định tại Thông tư 34/2013/TT-NHNN, TCTD không được mua trái phiếu phát hành trên thị trường sơ cấp của TCTD khác nên các công ty chứng khoán thường đứng ra làm trung gian, mua trái phiếu ngân hàng trên thị trường sơ cấp sau đó bán lại cho các TCTD khác. Tuy vậy, quy định này đã được gỡ bỏ nên các NHTM đã có thể trực tiếp mua chéo trái phiếu của nhau trên thị trường sơ cấp từ ngày Thông tư có hiệu lực (17/5/2021).

Giới chuyên gia khuyến cáo, khi các ngân hàng mua bán trái phiếu của nhau sẽ để lại hậu quả là không minh bạch được dòng vốn. Tức là vốn chảy lòng vòng trong hệ thống tài chính và đến tay nhà đầu tư cá nhân, không đi vào được sản xuất, kinh doanh. Vì vậy cơ quan quản lý cần phải làm rõ vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngân hàng mua bán trái phiếu: Quản hay mở?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO