Ngăn thực phẩm bẩn vào nhà trường

Tùng Linh 08/11/2020 08:37

Gần đây, tại nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến bữa ăn bán trú của học sinh (HS). Tuy chưa để lại những hậu quả đáng tiếc, nhưng khiến các phụ huynh vô cùng lo lắng. Đồng thời cũng cho thấy những lỗ hổng trong công tác chăm sóc, bảo đảm an toàn cho sức khỏe của HS.

Ảnh minh họa.

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm

Ngay trong tháng đầu của năm học mới 2020-2021, tại Trường Tiểu học Tiên Dương (huyện Đông Anh - Hà Nội), khi tổ chức bữa ăn bán trú cho HS gồm thịt kho tàu và trứng chim cút, su su xào, canh rau ngót, cơm trắng đã khiến 48 HS có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, một số em phải nhập viện cấp cứu.

Ngày 1/10, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) tổ chức bữa ăn trưa cho 151 HS ở bán trú. Bữa ăn gồm các món: Cơm trắng, chả lợn, quả su su xào, canh bắp cải… Đến 17h cùng ngày, có 21 HS có biểu hiện sốt, đau đầu, đau bụng, đi ngoài, buồn nôn và nôn. Nhà trường đưa HS ra Trạm Y tế xã Vĩnh Yên điều trị. Đến 22h00 cùng ngày, tiếp tục có thêm 26 HS có biểu hiện tương tự được phụ huynh đưa vào Trạm Y tế điều trị (trong đó có 8 HS có triệu chứng sốt cao liên tục trên 39 độ được chuyển đến Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên điều trị).

Đến ngày 3/10, có thêm 11 HS có các biểu hiện sốt được đưa vào Trạm Y tế điều trị. Tổng số có 58 HS có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm được theo dõi, điều trị tại Trạm Y tế xã Vĩnh Yên và Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên…

Tại TP HCM, ngày 23/10, nhiều trẻ mầm non Trường Kid’s Club cơ sở Him Lam Phú An (quận 9, TP HCM) cũng bị ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện sau khi ăn tại trường. Một số phụ huynh có con học tại trường này cho biết, ban đầu khoảng 3 bé bị nôn ói, có dấu hiệu ngộ độc, sau đó thêm 4 bé nữa. Nhà trường gọi cho các phụ huynh đưa về. Khi về nhà, có những bé vẫn nôn ói không ngừng, phải đi bệnh viện.

Trong vụ 58 HS Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Yên bị ngộ độc thực phẩm, kết quả kiểm nghiệm mẫu từ Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Quốc gia cho thấy có 4/7 mẫu thực phẩm lấy tại các bữa ăn ngày 1/10 của trường có kết quả nhiễm 2 loại vi sinh là E.Coli và Coliform. Đây cũng là lý do gây ngộ độc tại Trường Kid’s Club vừa qua.

Theo lý giải của Chi cục ATVSTP Lào Cai: Coliform là loại vi khuẩn có thể thấy ở môi trường đất, nước, chất thải động vật. Mặc dù bản thân Coliform không phải là nguyên nhân gây bệnh nghiêm trọng nhưng sự hiện diện của chúng được sử dụng để chỉ ra rằng các sinh vật gây bệnh khác có nguồn gốc từ phân có thể tồn tại. Còn E.Coli hay còn gọi là trực khuẩn lị, kí sinh trong ruột già của người và động vật, có thể được tìm thấy ở trong môi trường đất, nước, thực phẩm… có những loài vô hại nhưng lại có những loài có thể gây ngộ độc thức ăn và các bệnh về đường ruột. Việc một số thực phẩm bị nhiễm các loại vi sinh nói trên có thể do môi trường chế biến, các dụng cụ chứa đựng, chia gắp không đảm bảo vệ sinh hoặc bàn tay người chế biến không sạch sẽ gây nên vụ ngộ độc thực phẩm.

Quan tâm đúng mức bữa ăn của học sinh

Ngay sau khi có những sự việc ngộ độc thực phẩm như trên xảy ra, các cấp chính quyền địa phương, nhà trường đều đã tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra hướng giải quyết. Tuy nhiên, từ đây cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm ATVSTP trong trường học, nếu không được quan tâm đúng mức có thể có những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng GDĐT Bảo Yên (Lào Cai) cho biết: Ngay sau khi có kết luận nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm của 58 HS Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Yên, Phòng GDĐT huyện Bảo Yên đã có công văn chỉ đạo quyết liệt trong công tác ATVSTP tại các nhà trường. Theo đó yêu cầu các trường cần có kế hoạch xây dựng bếp ăn tập thể được công nhận đảm bảo ATVSTP trong năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo. Thực hiện nghiêm các quy định về ATVSTP tại các bếp ăn tập thể của đơn vị, không để hiện tượng ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Trong thời gian tới, Phòng GDĐT Bảo Yên cũng sẽ tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP định kỳ, đột xuất trong năm học đối với các bếp ăn tại các trường để đảm bảo ATVSTP tối đa cho các bữa ăn của HS trong quá trình sinh hoạt tại trường.

Nhiều Sở GDĐT cũng đã có những động thái để đảm bảo ATVSTP tại các trường học trên địa bàn. Trong tuần qua, Sở GDĐT Hà Nội đã có công văn gửi các Phòng GDĐT quận, huyện, thị xã và hiệu trưởng các trường trực thuộc, yêu cầu chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn trường học năm học 2020-2021. Một trong những nội dung quan trọng đối với các đơn vị, trường học là chú trọng công tác bảo đảm ATVSTP, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và nguồn gốc thực phẩm cung cấp vào trường học…

Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GDĐT) chia sẻ, trước và trong năm học mới Bộ đã có nhiều công văn chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm ATVSTP trong các cơ sở giáo dục; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, HS thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời yêu cầu các nhà trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, nhiều vụ ngộ độc đã xảy ra, liên quan đến bữa ăn của trẻ ở trường. Điều đó cho thấy việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường ở nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, nguồn gốc, chất lượng thực phẩm chưa đảm bảo. Để bảo vệ con em mình, nhiều phụ huynh đã trực tiếp tham gia vào việc giám sát, quản lý bếp ăn. Đây là việc làm cần thiết, tăng thêm lực lượng ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn tuồn vào trường học.

Cắt xén bữa ăn bán trú?

Trong tuần qua, tại Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9, TPHCM) cũng gây xôn xao dư luận về vấn đề ăn bán trú. Nhiều phụ huynh có con đang học tại trường này phản ánh, sau khi con đi học về liên tục kêu đói và xin ăn thêm. Nhiều gia đình đã đến trường kiểm tra thì ngỡ ngàng với bữa ăn chỉ có canh rau dền lõng bõng toàn nước, trứng chiên và cơm (trong khi giá là 30.000 đồng/suất ăn), cộng với nhiều thực phẩm hư hỏng được phát hiện… Các phụ huynh đã đối thoại với nhà trường trước sự có mặt của đại diện Phòng GDĐT quận 9, UBND phường Phước Long B, Công ty CP thực phẩm NIDSAN.

Cũng về vụ việc này, ngày 6/11, Sở GDĐT TP HCM đã có văn bản gửi UBND quận 9 yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc. Trong đó nhấn mạnh quá trình giải quyết phải đặt quyền lợi của HS làm ưu tiên hàng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn thực phẩm bẩn vào nhà trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO